Những ngân hàng đầu tiên tiết lộ kết quả kinh doanh năm 2024
Dù chưa kết thúc năm 2024, song kết quả kinh doanh ước tính của một số ngân hàng dần lộ diện với con số bất ngờ.
Hé lộ bức tranh lợi nhuận tươi sáng
Thông qua hội nghị tổng kết năm, một số ngân hàng đã hé lộ kết quả lợi nhuận năm 2024.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả 4 ngân hàng quốc doanh đều đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cả 4 ngân hàng này đều ghi nhận lợi nhuận đạt hoặc vượt mốc 1 tỷ USD.
Theo đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025, lãnh đạo 4 ngân hàng quốc doanh đã hé lộ sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2024.
Cụ thể, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã: BID) cho biết, dự kiến kết thúc năm 2024 ngân hàng sẽ hoàn thành toàn diện, đồng bộ các mục tiêu, chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại hội cổ đông giao.
Theo đó, quy mô tổng tài sản sẽ vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng (100 tỷ USD); dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14%, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Còn Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Phạm Toàn Vượng tiết lộ, dự kiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ tăng gần 8% so với năm 2023. Do đó, có thể ước tính lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Agribank sẽ đạt khoảng 27.568 tỷ đồng trong năm 2024. Ngoài ra, ông Vượng cũng thông tin thêm, thu từ dịch vụ của Agribank trong năm 2024 dự kiến ở mức 8.400 tỷ đồng.
Về tổng tài sản, Agribank dự kiến đến hết năm 2024 đạt khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 7,9%. Nguồn vốn đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 6%; trong khi dư nợ đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ tại VAMC chưa xử lý đến ngày 10/12/2024 đã giảm xuống 3,74%, giảm 2,29 điểm % so với cuối năm 2021 (trong năm 2024, tổng nợ xấu xử lý, thu hồi là 41.059 tỷ đồng, thu nợ xử lý rủi ro là 11.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã: VCB), ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngân hàng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch do NHNN và đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, dự kiến đến cuối năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức 13%, tổng tài sản đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1% .
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - mã: CTG) cũng tiết lộ, tính đến hết tháng 11/2024, tổng tài sản của Vietinbank ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023. Trong đó, tín dụng tăng trưởng 14,2% so với năm 2023; nguồn vốn huy động đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,3%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,1%. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao.
Không chỉ riêng nhóm Big 4 ngân hàng, một số nhà băng khác cũng hé lộ kết quả lợi nhuận năm 2024 với các chỉ tiêu tăng trưởng khả quan.
Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) cho biết, lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế dự kiến vượt 12.700 tỷ đồng, đạt mức cao nhất lịch sử hoạt động của ngân hàng này và vượt chỉ tiêu được ĐHĐCĐ giao.
Ngoài Sacombank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã: TPB) mới đây cũng hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024.
Cụ thể, tính đến ngày 30/11, TPBank đạt hơn 7.100 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 28% so với cuối năm 2023, dự kiến cả năm 2024 sẽ tăng 34% so với năm 2023. Tổng huy động vốn cán mốc 338.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm. Thu nhập hoạt động đạt hơn 16.300 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh đều khởi sắc giúp tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao, gần 18%.
Dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) của TPBank đạt 254.740 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm, vượt xa trung bình ngành.
Dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng quý IV/2024 phân hóa mạnh mẽ
Ở một diễn biến khác, mới đây, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa trong quý IV/2024.
Cụ thể, dự báo lợi nhuận sau thuế quý IV của các ngân hàng trong danh sách theo dõi sẽ tăng trưởng 11,1% so với quý trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Mặc dù ước tính tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong quý IV sẽ cao hơn so với quý III nhưng NIM được dự kiến sẽ giảm nhẹ. Thu nhập ngoài lãi được dự báo sẽ suy giảm so với cùng kỳ do các hoạt động ngoài lãi vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Cùng với đó, chi phí trích lập dự phòng trong quý IV dự báo sẽ cao hơn so với quý trước và tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ do nền so sánh cao quý cuối năm ngoái.
Các chuyên gia phân tích dự báo, một số ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng như OCB, TPBank và VPBank, một phần do mức nền so sánh thấp của năm trước khi chịu tác động bởi trích lập dự phòng cao. VietinBank và Techcombank là hai ngân hàng có quy mô lớn được kỳ vọng sẽ có mức tăng khả quan hơn so với các ngân hàng cùng quy mô.
Đơn cử, lợi nhuận sau thuế quý IV của OCB được dự báo tăng trưởng 300% so với cùng kỳ chủ yếu do mức nền thấp của năm ngoái (quý IV/2023 lợi nhuận sau thuế của OCB giảm gần 88% so với cùng kỳ). Mặc dù vậy, lợi nhuận ròng cả năm ước giảm 18% so với cùng kỳ.
TPBank và VPBank cũng ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số, lần lượt ở mức 172% và 108% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Techcombank, ACB, VietinBank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận quý IV từ 3% đến 20% so với cùng kỳ. 5 ngân hàng được dự báo lợi nhuận quý IV giảm gồm HDBank (-5%), VIB (-7%), Sacombank (-13%), Eximbank (-24%), LPBank (-36%).
MBS cũng dự báo tăng trưởng tín dụng 4 ngân hàng quốc doanh tăng từ 4 - 4,5% với NIM ở mức khiêm tốn.