Những ngân hàng nào đang trả lãi suất huy động trên 6%/năm?
Theo biểu lãi suất niêm yết công khai, hiện đã có ít nhất 15 ngân hàng thương mại công bố lãi suất huy động mức 6% hoặc trên 6%/năm.
Mức lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn dài, từ 18-36 tháng.
Trong số đó, có tới 13 ngân hàng đang niêm yết lãi suất từ 6%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Kỳ hạn 12 tháng chỉ ghi nhận 4 ngân hàng niêm yết các mức lãi suất này.
Lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay theo niêm yết công khai là 6,8%/năm do Eximbank áp dụng với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24-36 tháng.
Eximbank cũng dẫn đầu thị trường về lãi suất các kỳ hạn 15 và 18 tháng, lần lượt lên đến 6,5% và 6,6%/năm.
Các mức lãi suất nói trên bỏ xa lãi suất 6,3%/năm do hai ngân hàng đứng sau là BVBank và MSB công bố.
Trong đó, BVBank niêm yết lãi suất 6,3%/năm cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 18-36 tháng; 6%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng và 6,2%/năm với kỳ hạn 15 tháng.
Tại MSB, mức lãi suất 6,3%/năm được áp dụng cho tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng, và 24 tháng.
Mức lãi suất ngân hàng 6,2%/năm đang được áp dụng tại Indovina Bank với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24-36 tháng; Bac A Bank kỳ hạn 18-36 tháng; và BVBank kỳ hạn 15 tháng.
Lãi suất tiết kiệm 6,15% được duy nhất GPBank niêm yết với các kỳ hạn tiền gửi từ 15-36 tháng.
Với lãi suất tiền gửi 6,1%/năm, khách hàng có rất nhiều lựa chọn như: Dong A Bank và MBV (kỳ hạn 18-36 tháng), Saigonbank và SHB (kỳ hạn 36 tháng), hay HDBank (kỳ hạn 18 tháng).
Trong khi đó, lãi suất huy động 6%/năm đang ngày một phổ biến khi nhiều ngân hàng đang niêm yết, gồm: HDBank (kỳ hạn 15 tháng), Viet A Bank (kỳ hạn 36 tháng), BaoVietBank (kỳ hạn 15-36 tháng), Saigonbank (15-24 tháng), CBBank (12-36 tháng), Dong A Bank (15 tháng), và BVBank (6 tháng).
Trước thực trạng nhiều ngân hàng trả các mức lãi suất huy động không đúng với lãi suất đã niêm yết, trả lãi suất khác nhau giữa các khách hàng, thậm chí cùng một ngân hàng nhưng lãi suất huy động tại mỗi chi nhánh lại khác nhau, ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)– cho biết, NHNN chỉ quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn (0,5%/năm) và tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng (4,75%/năm).
Đối với lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng, ông Phạm Chí Quang cho biết hiện lãi suất được hình thành trên cơ sở cung – cầu vốn của thị trường, do tổ chức tín dụng và khách hàng tự thỏa thuận.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, Thông tư 47/2024/TT-NHNN và Thông tư 48/2024/TT-NHNN của NHNN có hiệu lực từ 20/11/2024 đã quy định rất rõ về việc áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các TCTD.
Đặc biệt, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 của Thông tư 48 quy định, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam quy định tại Thông tư này bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
“Các ngân hàng đều phải ban hành quy trình nội bộ chặt chẽ, trong đó có quy định cụ thể về lãi suất. NHNN sẽ tiến hành rà soát, nếu phát hiện ngân hàng nào thực hiện việc trả lãi suất huy động không đúng với lãi suất đã niêm yết sẽ yêu cầu làm rõ về quy trình nội bộ của ngân hàng đó trong triển khai công tác lãi suất”, ông Phạm Chí Quang nói.
Theo thống kê từ đầu tháng 1/2025 đến nay đã có 7 ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: Agribank, Bac A Bank, NCB, MBV, Eximbank, KienlongBank, VietBank. Tuy nhiên, NCB và Agribank cũng đồng thời giảm lãi suất các kỳ hạn 12-36 tháng. Cùng giảm lãi suất còn có ABBank, SeABank, Nam A Bank, Techcombank.