Những ngày áp tết ở vùng biên
Mấy hôm trước gió còn ngằn ngặt, có nơi như Sapa và mấy xã phụ cận, như A Mú Sung và Y Tý phía Bắc Bát Xát, mọi người đã chuẩn bị đón tuyết rơi rơi… thế mà sang giữa tháng tháng chạp ta, mùa xuân đã về với Lào Cai rồi.
Có người bảo: Hoa đào ở Sơn La và Điện Biên thường nở trước nhiều nơi, người khác nói: miền Trung (như Nghệ An, Hà Tĩnh…) có nhiều nắng, nên cây đào, cây mơ còn đơm hoa trước nữa… Ai lên Lào Cai dịp này, nếu đến Mường Khương, dễ gặp từ những nụ to tròn, cả cây đào đã bung hoa đẹp lạ lùng theo cách riêng, từng cành, từng chùm hoa la đà trên bờ tường đá, rung rung vẫy vẫy người đi.
Nhiều năm trước, các cô gái và chàng trai Thái hay Mông, Dao hay Tày… ít có quần áo mới như mùa xuân năm nay thì phải? Có người hỏi thế, thì được trả lời: Đúng rồi. Tại sao ư? Vì gần đây, Lào Cai đã có nhiều chợ hơn, nhiều trung tâm thương mại - biên mậu hơn… Giao thương mở rộng, phát triển ở mọi tiểu vùng - nghề nghiệp, hàng hóa phong phú và chất lượng hơn, giá cả lại hợp lý nên ai cũng có điều kiện bán mua sắm sửa và làm đẹp, từ áo quần, túi xách… đến xe máy và ô tô.
Cùng với sự phát triển giao thương này, các lớp dạy và học ngoại ngữ ở thành phố Lào Cai và một số thị trấn đã mọc lên. Tiếng Hoa dường như chỉ bổ túc, bởi người kinh doanh trẻ hầu như đều biết, còn tiếng Anh thì theo lớp đàng hoàng. Có nhà bố mẹ học đã đành, rồi con cháu cũng học theo.
Một ông hưu trí (nguyên là giám đốc ngân hàng) nói:
- Biên mậu phát triển, rất cần ngoại ngữ ông ạ, mà phải là thứ ngoại ngữ thực tế, cụ thể…
Ông thượng tá hưu trí (vốn là bộ đội biên phòng) bảo:
- Hồi trẻ, chúng tôi chỉ lo học tiếng/ chữ Mông và Dao, rồi Thái và Tày để vào bản còn được dân coi là người nhà mới tiện cho công việc, còn bây giờ, đã nên ông nên bà, lại học tí tiếng Anh đây ông ạ.
Đền Ken lưu giữ nhiều giá trị văn hóa trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Có lẽ, thành phố Lào Cai có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn một số thành phố biên thùy phía Bắc Việt Nam thì phải? Kia thôi, khu phố Lào Cai (cũ), hầu như nhà cửa đã được xây cất lại to cao hơn, ô tô đời mới đậu sát các lề đường khiến một số đoạn phố như hẹp lại. Người dạo phố và người mua sắm không có vẻ vội vã như dưới xuôi. Người ta cũng ít nghe tiếng còi xe nhiều như nơi khác, mà dường như chỉ nghe tiếng nhạc nhẹ, tiếng đàn tính dập dìu, tiếng người nói người cười rì rào rì rầm đủ nhận biết. Ở các nơi xa mà đọc báo, nghe đài hay xem ti vi, dễ tưởng các dãy nhà dọc sông Hồng, cạnh cầu Cốc Lếu hay tại cửa khẩu Kim Thành của Lào Cai giờ này đầy những lo lắng bởi hàng trăm, rồi cả ngàn ô tô ứ hàng, xao xác… Nhưng có đến mới hay: Quả thực, có sự băn khoăn vì chờ đợi, nhưng cũng có thật nhiều sự thư thái và bình tâm.
Gần giống Đà Lạt, thành phố Lào Cai, với khu trung tâm mới, có đại lộ và những con đường ngang vừa rộng rãi thoáng đãng lại có chút ngắn đứt thật kỳ thú. Tất cả, đều quang quẻ, đầy màu xanh ngang tầm mắt, trên tầm mắt… của cây cao to, của đủ loại hoa sặc sỡ, và của nước sông Hồng. Từ A Mú Sung chảy về đến phố, Hồng Hà có phần trong trẻo và hiền hòa hơn.
Mươi năm trước đây, mọi người thường bàn với nhau về nơi đáng sống là đất nước nọ, thành phố kia. Người đến tỉnh Lào Cai bây giờ, thành phố Lào Cai lúc này, cũng dễ liên tưởng sâu xa: Nơi bình yên, nơi thanh sạch, nơi đang phát triển… là nơi đáng sống phải không? Vậy thì thành phố bên con sông Hồng này đã và đang thật đáng sống rồi thì phải.
Lào Cai chuẩn bị bước sang năm Nhâm Dần không chỉ có sản vật của đồi nương và rừng nguyên sinh, mà còn có các mỏ sắt, mỏ đồng, mỏ đá cho sản lượng lớn xuất khẩu, còn có các loài cá quý hiếm như cá hồi, cá măng… lại có cả những khu du lịch tầm cỡ như Sapa, Bắc Hà… sắp tới, là Y Tý và Khánh Yên, Phố Ràng, Si Ma Cai, Lũng Pô…
Trong Lào Cai hôm nay có những huyền tích từ xửa xưa.
Một nhà nghiên cứu đã nói là: Ở đâu đâu trên quê hương Việt Nam ta cũng có những truyền thuyết và huyền thoại, chuyện ma chuyện tiên, chuyện dị nhân rồi chuyện giao tranh… nhưng chuyện đánh cướp, đánh giặc giữ mường bản, bảo vệ ruộng vườn, thì có lẽ, nhiều hơn cả, vẫn là ở các miền quê biên viễn và ở mấy tỉnh miền Trung nước ta. Ở những nơi này, dường như ngọn núi nào, khu rừng nào, con suối, con sông nào cũng gợi cho bao nhiêu thế hệ người kể chuyện dân gian nẩy ra cảm hứng và ý tứ mà rủ rỉ cùng con cháu rằng:
Ở cái dáng núi ấy, trong cái màu cây lá kia, rồi cả cái dòng nước có ngày trong văn vắt, có bữa cuốn xiết đục ngầu ra thế… đều là dấu tích còn lại từ ngàn xưa của ông bà cụ kỵ tổ tiên những người sống hiện giờ, đã chiến đấu ngoan cường thế nào, và cũng có lần, do thiếu phòng bị hay vì một lý do gì đó, mà đã bị thua thiệt, oan ức khôn nguôi được.
Tôi đến Đền Ken ở xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, một sáng chớm xuân có nắng mà gió vẫn lạnh. Thơ thẩn trong và ngoài khu di tích hơn 1 ha trên đỉnh núi Pù Đình - nơi đền Ken ngự, nhìn ra bốn phương tám hướng xung quanh, trầm lắng với tán cây và gốc cây sui cổ của Đền, nghe lao xao có tiếng chào tiếng mời, rồi như chìm dần với tâm tưởng.
Đền Ken là nơi ghi công hai cha con Nguyễn Đình Thu và Nguyễn Đình Long - những hậu duệ của các tướng lĩnh Tây Sơn dạt bước lên vùng sơn cước heo hút này. Cùng với các hào kiệt người Thái, người Tày, người Mông bản địa, các ông đã đánh bạt giặc Vàng phương Bắc xâm lấn nhiều lần.
Tết gần lắm rồi, mấy hôm nay các án thờ, sân vườn và lối đi ở Đền Ken và Đền Bảo Hà, Đền Đức Thánh Trần… đang được lau chùi, dọn dẹp, sửa sang… Ngày càng có nhiều khách Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Nghệ An, rồi cả Đồng Nai, Sài Gòn… lên trẩy hội các đền, vừa tưởng nhớ công ơn các tiền nhân oai linh, vừa vái lạy xin nhận họ Nguyễn Đình với Ông Hoàng ở Đền Ken. Văn Bàn và Lào Cai đang thành một điểm tụ hội mới.
Tâm thức dân gian kể lại rằng: Cạnh khu Đền Ken, còn có dấu tích quân doanh, ngai vàng của một ông vua người Thái đen, vốn cũng là trẻ trâu ở đất rừng Chiềng Ken này, tên là Chà Liều. Ấu thơ, bé Chà Liều cũng thông minh dĩnh ngộ như nhiều anh hùng áo vải nước ta. Lớn lên, chàng Chà Liều xưng vua, các bạn trẻ hồi nào thành tướng sĩ. Họ đã đánh giặc ngoại bang, đánh bọn cướp bảo vệ bản làng. Vua Đại Việt cảm mến vua Chà Liều nơi phên dậu quốc gia, nên đã tác thành cho Chà Liều với con gái yêu của một vị tướng. Chà Liều xứng đáng thế và tiếp tục giữ yên bờ cõi Đại Việt nơi phiên ải.
Được tắm mình trong nắng mùa Đông mà vàng tươi như mật ong đầu xuân, ta như nghe được thật rõ lời Người muôn năm trước, rằng: Đã thấm nhuần một tình yêu xứ sở, đã can trường đảm lược trong chiến chinh, xin đừng để tình riêng cao hơn nợ nước rồi đến nỗi sa cơ.
Trong cuộc trường chinh cần lao mấy ngàn năm nay, cộng đồng người Việt dưới dãy Hoàng Liên Sơn đã thích thú như người Việt ở mọi vùng xuôi khi đọc cho nhau nghe những câu thơ tình tứ như:
"Ước gì sông rộng tày gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi".
Tôi đã gặp, đã nghe ở Đền Ken, ở quán cà phê gần cầu Cốc Lếu, ở Hội Lim Bắc Ninh mấy câu này nữa:
"Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với, chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho anh cắt với, làm đôi vợ chồng".
Nhà văn Công Thế kể: Dưới lưng chừng đèo Khau Co, phía Nam hệ núi Hoàng Liên, có bản Tu Thượng, Khoảng 300 năm trước, người Mông từ bên kia biên giới trôi dạt sang đất ta, ngụ cư ở Tu Thượng. Bởi núi rừng hiểm trở, bởi ngại ngùng mặc cảm bị xua đuổi như hồi ở bản quốc, mấy gia đình người Mông này sống khép kín, ẩn dật, rồi sinh ra nạn quần hôn, con cháu các đời sau trở nên thấp bé. Quan đồn Pháp gọi họ là bà con xa của người Nhật.
Một lần kia, nghe báo là nhóm người Mông xanh này bắt được thú quý hiếm, lính Tây leo núi tìm đến, đòi nộp thú quý. Bà con nói thác ra là đói quá, phải làm thịt đứa bé ốm không thể nuôi chữa được. Lính Tây không tin, tự mở vung nồi, trong mờ mịt hơi và khói, thấy có bàn tay bé nhỏ thật, cả bọn quày quả đi ra cả. Từ đó, xóm nhỏ Mông xanh này mang thêm tiếng: Mông xanh ăn thịt người! Họ càng bị xa lánh thêm.
Mãi sau 1945, rồi đến cuộc kháng chiến chống Pháp, cán bộ ta đến cùng ăn, cùng ở, cùng làm giác ngộ bà con, thì mới rõ: Năm xưa ấy, bà con bắt được một con căng (thuộc loài khỉ), thì nấu cháo ăn thôi.
Trong rực rỡ đèn đêm, tự nhiên nhớ Bản Phố năm nào. Bản Phố, phải rồi, Bản Phố với thơ Đoàn Hữu Nam: "Rượu rót bát tràn bát/ Mắt rót trân trong mắt/ Tình say đến ngu ngơ…", rồi nhớ sang Tô Hoài, ông cụ cười tinh quái: "Cái anh không uống được rượu mới làm thơ rượu hay được. Đúng thế đấy. Nhấp môi thôi, uống như người biết uống thì thấy được gì mà làm thơ cho hay nữa!".
Và nhớ cả mấy anh Công an ở các xã giáp biên dịp này đang lo xuống bản làm Căn cước công dân vào các buổi tối, vì ban ngày bà con đi làm cả. "Đi bằng gì?". "Đi bộ, đi xe máy". "Xa không?". "Dạ, cũng trên dưới 10 cây số, vâng, đi mất gần một giờ, về cũng thế". "Về chắc ngủ tít, nhỉ?". "Nhiều hôm chưa kịp ăn uống gì, lại phải lên đường ngay vì được báo có F0 đang ở đâu đấy phải tìm, vì có đám trai trẻ quá chén đánh nhau, có tai nạn đâm xe đổ máu bên đường …".
Muốn bình yên, Công an phải cùng mọi người có mặt thôi. Ở Lào Cai và các vùng biên người ta đều bảo nhau thế.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhung-ngay-ap-tet-o-vung-bien-i641683/