Lớp học xóa mù chữ nơi biên cương

Học viên đều lớn tuổi nên thầy cô không chỉ đứng lớp dạy đọc, viết, tính toán, truyền đạt kỹ năng sống, mà còn phải hiểu tâm lý từng người, không để học viên xấu hổ rồi nghỉ học. Đó là một quá trình gian nan, cần nhiều nhẫn nại ở những lớp xóa mù chữ tại khu vực biên giới Việt - Lào.

Khát vọng kiếm con chữ

Màn đêm buông xuống, ở Trường Tiểu học và THCS A Xing (xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Lào lại rộn ràng tiếng đánh vần, học chữ. Lớp học do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa tổ chức từ đầu tháng 3-2024 để xóa mù chữ cho 20 học sinh là phụ nữ người Pa Cô, từ 21 đến 50 tuổi, học vào tối thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.

Tranh thủ thời gian giải lao sau môn tập đọc, cô giáo Trần Thị Châu cho biết, những ngày đầu đến lớp, chị em rất ngại bởi tuổi lớn mà vẫn phải cắp sách tới trường, nhưng khi được tiếp xúc với cái chữ thì họ rất hào hứng. Giáo viên cố gắng động viên và đưa ra những kiến thức dễ hiểu cho chị em tập làm quen.

“Cùng với việc dạy chữ, giáo viên còn đóng vai trò là người bạn với từng học viên. Có hôm, giáo viên và học viên đến lớp chủ yếu tâm sự về chuyện gia đình, rồi tổ chức các trò chơi học đánh vần để làm cho lớp học thêm gần gũi, sôi nổi. Từ đó các chị hào hứng, ham học hơn”, cô Châu chia sẻ.

 Cô giáo Trần Thị Châu hướng dẫn các học viên là đồng bào Pa Cô ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào tập đánh vần

Cô giáo Trần Thị Châu hướng dẫn các học viên là đồng bào Pa Cô ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào tập đánh vần

Trong đêm tối, tiếng ê a đánh vần vang lên giữa núi rừng, mang đến sự rộn ràng, xua tan cái lạnh giá của mùa đông ở bản nghèo. Chị Hồ Thị Di, trú thôn Kỳ Tăng, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, bộc bạch: “Mới học khó lắm, các mặt chữ, con số cứ lẫn lộn với nhau nhưng nhờ con gái, thầy cô giúp đỡ nên thấy cũng dễ và thú vị. Mình cố gắng học biết chữ, biết tính toán, tìm một công việc nhằm thay đổi cuộc sống nghèo khó”.

Còn chị Hồ Thị Mai, người Pa Cô tại thôn Kỳ Tăng, tâm sự: “Ban ngày tôi đi làm rẫy, ăn tối xong lại cùng chị em trong thôn đến lớp, vừa học chữ, vừa chia sẻ chuyện vui buồn, thích lắm. Thầy cô còn chỉ cho chúng tôi nhiều thứ chưa biết về cuộc sống”. Chị Mai là người Lào, lấy chồng Việt Nam và sinh sống tại huyện Hướng Hóa nên chuyển sang quốc tịch Việt Nam. Song do sinh ra và lớn lên tại Lào, chị không thể đọc, viết được tiếng Việt khiến chị gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, lâu nay chỉ quanh quẩn trong thôn. Khi lớp học xóa mù chữ được mở, chị Mai liền tham gia. “Biết chữ rồi, mình tự tin đi ra ngoài giao lưu học hỏi, không trốn biệt trong rừng như trước kia nữa. Mình vui mà chồng con cũng thấy hạnh phúc hơn”, chị Mai nói.

Nỗ lực xóa mù chữ

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, cho biết, địa phương tổ chức được 12 lớp xóa mù chữ với 282 học sinh tham gia. Mỗi lớp có 20-25 học sinh, một kỳ học kéo dài hơn 17 tháng và chia làm 2 giai đoạn. Việc mở các lớp học xóa mù chữ rất quan trọng, biến ước mơ đọc chữ, cầm bút viết của bà con đồng bào dân tộc, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, trở thành hiện thực. Ngoài dạy đọc, viết, tính toán, các thầy cô còn truyền đạt nhiều kỹ năng sống, góp phần nâng cao nhận thức của bà con về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như công tác bảo vệ chủ quyền nơi biên giới.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, cả ngày làm việc vất vả nhưng mỗi tối đến với lớp học xóa mù chữ đặc biệt ở khu vực biên cương, các học viên đều rất lạc quan, yêu đời, sẵn sàng tiếp thu cái chữ một cách trọn vẹn. Điều đó tạo thêm động lực để giáo viên đứng lớp hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn với từng học viên.

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, thông tin, qua một thời gian triển khai, các lớp xóa mù chữ đã giúp học viên đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị từng mù chữ, tái mù chữ có thể biết đọc, viết, tính toán. Để góp phần xóa mù chữ và nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là các địa bàn vùng biên giới, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, các trường tại địa phương tổ chức các lớp học tùy theo từng độ tuổi, tầng lớp, địa điểm.

“Học viên ở các lớp học do Bộ đội Biên phòng tổ chức phần lớn là những công dân Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú với người Việt Nam trong vùng biên giới Việt Nam - Lào, đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho nhập quốc tịch Việt Nam. Do vậy, không chỉ được đọc thông, viết thạo, giao tiếp tốt bằng tiếng Việt Nam, học viên khi đến lớp còn được thầy giáo - bộ đội biên phòng hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Qua đó, giúp bà con thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính mỗi khi qua lại biên giới, trao đổi mua bán hàng hóa, lâm - nông sản. Đồng thời góp phần xóa bỏ hủ tục, giữ gìn biên giới hòa bình, ổn định và phát triển”, Đại tá Lê Văn Phương chia sẻ.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, tổng số người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi 15-60 của toàn tỉnh là hơn 7.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Người dân mù chữ và tái mù chữ chủ yếu ở độ tuổi lao động, là lao động chính trong gia đình, sống phân bố rải rác tại các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, giao thông còn nhiều bất cập, nhận thức về tầm quan trọng của việc học chưa đầy đủ nên công tác huy động đến lớp học xóa mù chữ và duy trì sĩ số để hoàn thành chương trình còn gặp khó khăn.

VĂN THẮNG - ĐỨC TÀI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lop-hoc-xoa-mu-chu-noi-bien-cuong-post783180.html