Những ngày khó quên

Người dân TP Hồ Chí Minh vừa tận hưởng một cái Tết bình yên sau chuỗi ngày dài mỏi mệt với dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài. Đi qua những ngày khó, mỗi người thêm yêu hơn từng phút giây được sống. Và không ít người trong chúng ta đã chọn lưu lại hình ảnh về một giai đoạn gian khổ nhưng đầy yêu thương của thành phố bằng hình ảnh, hiện vật và cả thơ ca.

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp bên những hiện vật trong bộ sưu tập về dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp bên những hiện vật trong bộ sưu tập về dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Quán cà-phê Lúa nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) mấy tháng nay rất nhiều khách lạ ghé thăm. Ai đến cũng cầm trên tay mấy mẩu giấy nhỏ hoặc vật dụng cũ nào đó rồi tìm cho bằng được ông chủ quán - nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp - để tặng và ghi lại mấy dòng lưu bút trong cuốn sổ hoen màu. Nghe tin anh Hiệp sưu tầm các hiện vật mùa dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, người người rủ nhau mang đến tặng. Ban đầu là bạn bè, sau cả người xa lạ chưa lần gặp gỡ cũng chung tay với mong muốn giữ lại chút gì đó của Sài Gòn trong mùa dịch đầy gian khó nhưng cũng ấm áp tình người. Nghe nơi đâu có người giữ hiện vật mùa dịch, anh Hiệp cũng lặn lội tìm đến, hỏi xin cho đầy đủ.

Bộ sưu tập hiện vật mùa dịch có lẽ là bộ sưu tập lạ đời nhất từ trước đến nay của một người chuyên sưu tầm đồ cổ, đồ xưa như anh Hiệp. Và đây cũng là bộ sưu tập mang lại cho anh nhiều cảm xúc nhất. Ban đầu chỉ gồm mấy tờ giấy đi chợ, giấy mua nhu yếu phẩm theo ngày chẵn-lẻ, giấy mời tiêm vắc-xin, giấy hoàn thành cách ly... tại các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh, đến nay, bộ sưu tập mùa dịch của anh đã có hơn 1.300 hiện vật liên quan đến mùa dịch. Không riêng gì TP Hồ Chí Minh mà anh còn lưu giữ không ít hiện vật mùa dịch do người dân, chính quyền tại hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước gửi tặng. “Mỗi hiện vật mọi người trao tặng là một câu chuyện khó quên trong mùa dịch. Là người trong cuộc, tôi thấu hiểu nỗi đau mà mỗi người nếm trải khi nhìn thành phố sôi động nay chẳng bóng người. Đau lắm, thương lắm. Tôi muốn lưu lại bộ sưu tập cộng đồng này để nhắc bản thân và thế hệ trẻ đừng quên những ngày đã qua, những ngày mà mọi người sát cánh cùng nhau, chia sẻ từng bó rau, viên thuốc”, anh Hiệp cho biết thêm.

Bộ sưu tập phiếu đi chợ và các hiện vật mùa dịch cùng hơn 100 tấm hình anh Hiệp chụp tại các địa điểm quen thuộc của TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người xem thấy mắt cay cay. Họ nhớ lại từng khoảnh khắc mà mình cùng nhiều người dân thành phố cùng siết tay nhau bước qua cao điểm mùa dịch với số ca F0 tăng mạnh mỗi ngày. Mọi ký ức vẫn quá rõ ràng như mới hôm qua. Trong những bức hình về Sài Gòn ngày dịch do người bạn thân chụp trên hành trình sẻ chia trong ngày giãn cách, anh Hiệp mặc bộ đồ bảo hộ mầu trắng, mặt đeo khẩu trang, đứng trang nghiêm bên các điểm đến nổi tiếng của thành phố. Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp nói, đó là cách anh lưu giữ cho mình hình ảnh Sài Gòn trong chuỗi ngày không thể nào quên.

Là văn nghệ sĩ có gần 30 năm gắn bó với mảnh đất sôi động này, ngày thành phố oằn mình chống dịch Covid-19, như bao nhiêu người khác, nhà thơ Nhật Quỳnh thấy tim mình đau nhói. Càng thổn thức hơn khi trong đêm vắng bà liên tục nghe tiếng còi xe cứu thương văng vẳng bên tai. Khi đó, bà biết có ai đó không khỏe, phải vào viện điều trị Covid-19. Muốn sẻ chia cùng nỗi đau của thành phố, sau mấy đêm liền mất ngủ, nhà thơ Nhật Quỳnh sáng tác ra những dòng thơ chất chứa ân tình mùa dịch. Ngày hoàn thành chùm thơ về dịch Covid-19 mang tên “Viết cho đêm không ngủ” và “Hãy nhẹ tay thôi”, nhà thơ Nhật Quỳnh phát hiện ra mình trở thành F0.

Chính giai đoạn điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 14 giúp bà cảm nhận sâu sắc hơn về tình người trong mùa dịch. “Ở nơi sự sống mong manh ấy, người ta yêu thương nhau bằng cả tấm lòng, có gì họ cũng sẻ chia dù đó là với người xa lạ. Tôi không thể nào quên sự tận tụy của các điều dưỡng trong phòng, các em chăm chúng tôi như người thân dù người bệnh rất đông còn lực lượng y tế rất mỏng, thiếu thốn đủ bề. Đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh nữ điều dưỡng quê Quảng Bình ôm quần áo, vật dụng của cụ bà trong phòng điều trị chạy theo cáng cấp cứu, khóc như mưa. Thấu hiểu tấm lòng của lực lượng y tế, ngay lúc mỏi mệt nhất tôi vẫn tự dặn mình phải sống như một cách đền đáp ân tình”, nhà thơ Nhật Quỳnh kể lại.

Sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh, những ngày giãn cách xã hội kéo dài, thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương thấy ngột ngạt, quạnh hiu. Những ngày buồn nhiều hơn vui ấy, anh đặt trọn trái tim vào từng ca từ, nốt nhạc. Và rồi, Nguyễn Thái Dương khiến nhiều người rơi nước mắt khi xem những video anh tự trình bày ca khúc do mình sáng tác và chia sẻ trên internet. Trong số các ca khúc xuất hiện trong đợt dịch thứ tư tại TP Hồ Chí Minh, “Sài Gòn tôi sẽ” và “Bài ca tôi viết lần này” là hai sáng tác được mọi người nhắc đến nhiều nhất. Trong “Sài Gòn tôi sẽ”, người nghe cảm nhận rõ tình cảm, sự xót xa mà tác giả dành cho thành phố thân yêu khi thầy giáo trẻ cất lên tiếng hát với chất giọng trầm buồn: “Sài Gòn tôi nhớ xôn xao sớm chiều. Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này. Sài Gòn giờ đây xanh xao tiêu điều. Chút kiêu hãnh xưa theo làn mây...”.

Những ngày dịch giã, Sài Gòn là vậy, không người và đầy nỗi buồn. Nhưng ngay cả khi chông chênh nhất, Thái Dương vẫn giữ niềm tin rồi thành phố sẽ lại như xưa, rộn rã tiếng cười trên từng góc quen. Để rồi cũng trong bài hát đó, ở đoạn cuối, anh gieo vào rất nhiều niềm tin về một ngày bình yên không xa: “Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy. Sẽ không có dây, phố thưa lại đầy. Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời. Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui...”

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/nhung-ngay-kho-quen-685662/