Những ngày sống chậm

Mẹ con cùng nhau chuẩn bị bữa cơm gia đình là niềm vui của nhiều người trong thời gian giãn cách do dịch bệnh. Ảnh: THIÊN LÝ

Dịch COVID-19 bùng phát, cuộc sống của người dân gần như đảo lộn. Riêng một số gia đình đã tận dụng khoảng thời gian “sống chậm” quý báu này để làm điều mình thích, nhất là quan tâm, chăm sóc người thân của mình mà trước đây, họ không có thời gian thực hiện vì công việc bận rộn.

Tạo thói quen tự phục vụ

Từ khi Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội, các tiệm cắt tóc phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 thì các chị em lại có cơ hội phát huy “tài” cắt tóc của mình. Chị Đoàn Phương Thảo ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) cho biết: “Thấy tóc của chồng và các con dài nên tôi lấy kéo, tông đơ ra cắt. Tuy không đẹp, nhưng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh”.

Tương tự, chị Lê Thị Thanh Lam ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) cũng trở thành thợ cắt tóc tại nhà. “Lần đầu tiên cắt tóc cho chồng, tôi cũng run lắm. Hơn 30 phút tôi mới cắt xong mái tóc cho ông xã. Sau lần đó, tôi cắt cho các thành viên khác trong gia đình nhanh hơn và đẹp hơn”.

Với tinh thần tự phục vụ, chị Nguyễn Thị Điềm ở xã An Chấn (huyện Tuy An) đã mua sẵn khá nhiều nguyên liệu để sẵn sàng cho nhu cầu ăn uống của bản thân và người thân trong gia đình. Chị Điềm chia sẻ, một trong số những thay đổi trong đời sống sinh hoạt của chị trong mùa dịch này chính là việc nấu bữa sáng mỗi ngày. “Trước đây, vì công việc khá bận rộn nên chị thường ăn sáng bên ngoài. Sau khi chuyển sang làm online tại nhà, ngày nào tôi cũng tự tay chuẩn bị đồ ăn sáng cho hai mẹ con. Bữa sáng tôi làm chưa có mùi vị thơm ngon như ngoài quán, nhưng an toàn, sạch sẽ và đầy yêu thương. Vì vậy, tôi rất vui khi thay đổi một thói quen để cuộc sống an toàn hơn, nhất là trong mùa dịch này. Hơn nữa, bữa sáng còn trở thành sợi dây kết nối giúp gắn kết tình cảm hai mẹ con lại với nhau”, chị Điềm thổ lộ.

Gắn kết tình cảm gia đình

Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động thường nhật của nhiều người, cũng như thói quen sinh hoạt của các gia đình. Song dịch bệnh cũng đã mang đến cho mọi người cơ hội để sống chậm, giúp các thành viên trong gia đình có cơ hội gắn bó với nhau hơn.

Ngày trước, hết giờ làm là anh Phạm Minh Tuấn ở phường 6 (TP Tuy Hòa) la cà quán xá, mải mê đá bóng, tối muộn mới chịu về nhà. Dịch bệnh bùng phát, anh Tuấn ở nhà cùng vợ lo cho hai con nên cảm nhận được sự vất vả và thấy thương vợ nhiều hơn. Anh Tuấn chia sẻ: “Bây giờ, tôi luôn sắp xếp thời gian để cùng vợ vào bếp nấu nướng, rảnh thì đọc sách cho con, cùng các con ôn bài. Ở nhà, tôi mới cảm nhận được không khí gia đình thật ấm áp. Thời gian này nghĩ lại, tôi mới cảm thấy mình quá vô tâm, hời hợt. Chẳng có đứa con nào mà tự dưng lớn lên, ngoan ngoãn, học giỏi; nhà không tự dưng mà sạch sẽ, gọn gàng; quần áo chẳng tự nhiên phẳng phiu, thơm tho được... Đó là nhờ một tay vợ tôi quán xuyến hết. Những công việc hồi giờ mình vẫn nghĩ có gì đâu mà khó, như cho con ăn uống, giặt đồ, nấu nướng... nhưng bắt tay vào làm mới thấy chẳng hề đơn giản tí nào. Giờ tôi thấy thương vợ nhiều hơn”.

Là một trong những gia đình có sở thích du lịch nhưng do dịch bệnh, mọi kế hoạch đi đứng của gia đình anh Phan Xuân Thanh ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) đều hủy bỏ. Lúc đầu gia đình anh Thanh hơi bức bối và khó chịu nhưng giờ thì khác. “Ngày trước tôi không nhận ra những cái thú khi ở nhà. Trước đây, vợ chồng chúng tôi cứ nghĩ đi “đổi gió” nhiều nơi sẽ làm cho các thành viên gia đình hạnh phúc hơn. Nhưng có lẽ điều đó không hoàn toàn đúng, bởi mọi người trong gia đình đều yêu thương nhau thì ngay trong chính ngôi nhà của mình cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Giờ chúng tôi có sở thích nấu nướng, làm bánh, không chỉ các con thích thú, mà hai vợ chồng dường như cũng tình cảm hơn, nói chuyện với nhau nhiều hơn”, anh Thanh vui vẻ chia sẻ.

Bây giờ, tôi luôn sắp xếp thời gian để cùng vợ vào bếp nấu nướng, rảnh thì đọc sách cho con, cùng các con ôn luyện kiến thức. Ở nhà, tôi mới cảm nhận được không khí gia đình thật ấm áp.

Anh Phạm Minh Tuấn ở phường 6, TP Tuy Hòa

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/263133/nhung-ngay-song-cham.html