Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng
Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là 'đêm trước' của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Tranh: Tô Minh Tấn
Đầu xuân 1975, trong không khí chiến thắng và dịp chào mừng kỷ niệm lần thứ 14 ngày thống nhất các lực lượng vũ trang Nhân dân giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trao tặng lá cờ mang dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, dân chủ, thống nhất Tổ quốc” cho các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam. Ðây cũng là mục tiêu thiêng liêng, là lời hịch núi sông trong không khí hết sức khẩn trương của cách mạng miền Nam và của đất nước.
Không khí cách mạng tại miền Nam diễn biến hết sức khẩn trương, với dấu hiệu tan rã, thất bại không thể tránh khỏi của giặc và chiến thắng tất yếu của ta. Cuối tháng 2/1975, hơn 13.000 đồng bào trương băng cờ, biểu ngữ, cầm giáo mác, gậy gộc, từ nhiều hướng tiến về thị xã Trà Vinh để đấu tranh chống chính quyền Thiệu khủng bố và bắt lính. Bất chấp địch ra sức khủng bố, đàn áp, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục tiếp diễn với khí thế sôi nổi. Ngày 1/3/1975, gần 3.000 sư sãi ở Trà Vinh xuống đường kéo về thị xã Trà Vinh để đòi chính quyền Thiệu chấm dứt việc vây ráp chùa, bắt các sư sãi đi lính, đòi trả tự do cho 154 vị sư sãi bị bắt bớ, giam cầm trước đó.
Ngày 3/3/1975, tất cả các cơ quan, quân đội và đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở bắt đầu tổ chức làm việc liền 8 giờ một ngày, từ 8 giờ sáng đến 16 giờ 30 phút chiều. Từ ngày 20/3/1975, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết về vấn đề này. Ðây là cuộc cải cách trong nền nếp công tác và sinh hoạt nhằm xây dựng phong cách làm việc mới, tất cả để chuẩn bị cho một bộ máy tổ chức của một đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, hòa bình, thống nhất và tăng cường sức mạnh của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân cho trận quyết chiến cuối cùng với giặc thù.
Từ ngày 4/3-3/4/1975, Chiến dịch Tây Nguyên nổ ra. Chiến dịch Tây Nguyên nhằm mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên, tạo thế chia cắt chiến lược để giải phóng miền Nam. Chiến dịch tổ chức tiến công vào các tỉnh Nam Tây Nguyên: Phú Bổn, ÐắK LắK và Quảng Ðức (theo phân chia hành chính chế độ cũ).
Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm Tư lệnh - Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Chính ủy, Ðại tá Ðặng Vũ Hiệp. Sau một số trận đánh mang tính nghi binh, tạo thế thu hút địch trên chiến trường Plây Ku, từ ngày 4/3/1975 ta bước vào tạo thế cắt Ðường 19, 21, chia cắt chiến lược Tây Nguyên với vùng đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ; cắt Ðường 14, chia cắt chiến trường Bắc và Nam Tây Nguyên; ta tập kích bằng đặc công và hỏa lực pháo binh vào Kon Tum. Ngày 8/3/1975, ta đánh quận lỵ Thuần Mẫn; ngày 10, 11/3, ta diệt vị trí Ðức Lập, cô lập triệt để Buôn Ma Thuột. Cũng trong 2 ngày này, Sư đoàn 361, Trung đoàn Ðặc công 198 tiêu diệt Buôn Ma Thuột, mục tiêu then chốt chủ yếu của chiến dịch.
Ðịch phản ứng bằng cách đổ bộ bằng đường không xuống Phước An để phản kích. Sư đoàn 10, Trung đoàn 25 của ta đánh chặn tiếp viện từ ngày 4-18/3, Sư đoàn 23 và Liên đoàn biệt động quân 21 của địch bị tiêu diệt. Ðể bảo toàn lực lượng, địch phải bỏ Bắc Tây Nguyên rút chạy về đồng bằng theo đường Số 7 liên tỉnh. Sư đoàn 320 của ta truy kích, giặc thiệt hại nặng nề, mở đường giải phóng Cheo Reo, Củng Sơn. Từ ngày 18-24/3, ta giải phóng thị xã Kon Tum, Plây Ku, Gia Nghĩa. Các đơn vị vũ trang cách mạng tiếp tục phát triển xuống vùng đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ, tiêu diệt sinh lực quan trọng của địch, phối thuộc với các lực lượng cách mạng tại chỗ giải phóng đồng loạt Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi giòn giã, giải phóng các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, đây được coi là chiến dịch thể hiện đỉnh cao nghệ thuật về chọn hướng (mục tiêu), nghi binh, tạo thế vây, cắt, tập trung lực lượng giành và giữ quyền chủ động phát triển và tiến công. Thắng lợi của chiến dịch mở ra bước ngoặt đưa cuộc chiến tranh từ tiến công đến chủ trương tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Tiếp đó, từ ngày 5-25/3, ta tổ chức chiến dịch Trị - Thiên. Chiến dịch nhằm tiêu diệt cứ điểm mạnh của địch ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, giải phóng Huế. Lực lượng chủ lực của ta là Quân đoàn 2, phối thuộc các lực lượng tại chỗ gồm Quân khu Trị - Thiên và bộ đội địa phương. Với sức mạnh vũ bão, ta giải phóng Quảng Trị ngày 19/3. Từ ngày 21-25/3, quân ta tiến công và giải phóng Huế, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên chiến trường Trị - Thiên. Chiến dịch này thể hiện rõ trình độ nghệ thuật nắm thời cơ, xác định đúng mục tiêu, kiên quyết thọc sâu, chia cắt, bao vây để giành thắng lợi nhanh chóng. Thắng lợi của chiến dịch đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ của Mỹ - Ngụy, tạo bàn đạp trực tiếp trên hướng Bắc để quân dân ta mở chiến dịch giải phóng Ðà Nẵng, tiến gần hơn đến với đầu não sào huyệt cuối cùng của giặc ở Sài Gòn.
Trong tháng 3/1975, Quân đoàn 4 và các lực lượng vũ trang Ðông Nam Bộ và Nam Trung Bộ đẩy mạnh hoạt động phối hợp và khí thế chiến thắng của các chiến dịch lớn Tây Nguyên, Trị - Thiên, Ðà Nẵng, tạo bàn đạp và mở đường tiến công Sài Gòn. Các lực lượng của ta đánh chiếm các chi khu quân sự, quận lỵ Dầu Tiếng, Chơn Thành và toàn tỉnh Bình Long; đồng thời mở thông các tuyến đường Số 13, 14; diệt chi khu quân sự Bến Cầu, Ðức Huệ, chia cắt đường Số 4. Sư đoàn 7 của ta đánh chiếm chi khu quân sự Ðịnh Quán, giải phóng đường Số 20 và tỉnh Lâm Ðồng.
Ngày 18/3, Bộ Chính trị họp, nhận định: Những thắng lợi to lớn của ta có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ - Ngụy. Ðịch đang co cụm chiến lược, có thể co cụm ở Ðà Nẵng, Cam Ranh... Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975. Nhiệm vụ trước mắt là tiêu diệt Quân đoàn 1 của địch, không cho chúng rút về Sài Gòn, giải phóng Huế, Ðà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Bộ.
Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp, nhận định: “Thời cơ chiến lược đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này”. Do đó, cần “nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay”. Bộ Chính trị quyết định: “Quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (tháng 5/1975)”.
Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 241/NQTW thành lập Hội đồng chi viện miền Nam ở Trung ương, Chủ tịch là đồng chí Phạm Văn Ðồng, Thủ tướng Chính phủ; 2 Phó chủ tịch là đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó thủ tướng Chính phủ và đồng chí Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Cùng với đó, Bộ Tổng Tham mưu quyết định điều động một bộ phận lớn Quân đoàn 1 vào tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn; Sư đoàn 308 là lực lượng làm nhiệm vụ dự bị bảo vệ miền Bắc.
Từ ngày 26-29/3, Chiến dịch Ðà Nẵng thắng lợi. Quân ta chiếm toàn bộ căn cứ quân sự liên hợp Ðà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An, tiêu diệt và làm tan rã một lực lượng lớn quân địch, thu và phá hủy toàn bộ vũ khí, cơ sở vật chất của chúng, làm thay đổi cục diện và so sánh lực lượng giữa ta và địch; tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch chiến lược giải phóng Sài Gòn.
Ngày 26/3, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Quân đoàn 3, tức Binh đoàn Tây Nguyên, do Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh; Chính ủy là Ðại tá Ðặng Vũ Hiệp. Quân Mỹ - Ngụy tan rã, binh biến, bỏ vị trí và tháo chạy tán loạn. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1 - Vùng 1 chiến thuật của Ngụy, bỏ chạy ra bán đảo Sơn Trà, lên tàu chiến Mỹ chạy trốn vào Sài Gòn.
Ngày 27/3, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Ðà, phiên hiệu Bộ Tư lệnh 475, Tư lệnh là Trung tướng Lê Trọng Tấn, Chính ủy là Thượng tướng Chu Huy Mân, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Ngày 31/3, Bộ Chính trị nhận định: Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành tổng tiến công vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân ở miền Nam và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc. Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm.
Các mũi tiến công của ta nhằm hướng Sài Gòn thẳng tiến, tổ chức sẵn sàng những đơn vị binh chủng hợp thành đủ mạnh để khi thời cơ xuất hiện thì tức khắc chiếm đánh các mục tiêu quan trọng nhất ở trung tâm Sài Gòn. Tư tưởng chỉ đạo của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân đại thắng 1975 được Bộ Chính trị hạ quyết tâm: thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.
(Theo "Hồ sơ về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 - Mùa xuân toàn thắng").
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhung-ngay-thang-ba-cua-mua-xuan-dai-thang-a38049.html