Những nghệ nhân cuối cùng giữa Thủ đô nặng lòng 'giữ hồn cốt' đồ chơi trung thu truyền thống

Những món đồ chơi trung thu truyền thống đang dần mai một, không còn sự hấp dẫn giữa bạt ngàn đồ chơi hiện đại, ngoại nhập với đủ sắc màu, kiểu dáng.

Dẫu vậy, trong con ngõ nhỏ nơi phố cổ tấp nập vẫn có những nghệ nhân ngày đêm miệt mài làm ra những chiếc mặt nạ giấy bồi với mong muốn “giữ lửa” cho đồ chơi truyền thống để trẻ em có một tuổi thơ đúng nghĩa.

Nặng lòng với đồ chơi truyền thống

Trung thu trong kí ức của nhiều thế hệ là cả xóm cùng nhau phá cỗ dịp trăng rằm tháng 8, là những món đồ chơi như chiếc đèn ông sao, cây đèn cù, đèn lồng tự chế từ lon, vỏ hộp… Những món đồ tuy giản dị, mộc mạc nhưng lại là kí ức tuổi thơ của biết bao thế hệ.

Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của thời đại, cuộc sống xô bồ, hối hả, con người được tiếp cận với nhiều thứ mới mẻ, hiện đại, khiến những món quà thân thuộc đó dần bị lãng quên, tuổi thơ của những đứa trẻ ngày nay gắn liền với công nghệ, với những món đồ công nghiệp hóa.

Mặc cho những thăng trầm của thị trường đồ chơi truyền thống, vợ chồng nghệ nhân ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan – những nghệ nhân cuối cùng ở khu phố cổ, vẫn duy trì sản xuất, tiếp nối nghề gia truyền làm mặt nạ giấy bồi do cha ông để lại.

Trong căn nhà nhỏ, nằm sâu ở phía cuối hành lang tại ngõ 73 phố Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội) vừa là nơi sinh sống vừa là nơi ông Hòa bà Lan ngày ngày cặm cụi xé giấy, nặn khuôn tạo ra những chiếc mặt nạ cổ truyền, gìn giữ “món” nghề gia truyền đã có thâm niên được hơn 40 năm.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lan cho hay, trước sự “lên ngôi” của đồ chơi ngoại nhập, đồ chơi công nghệ, vợ chồng bà vẫn không nản chí, không từ bỏ hành trình đem đồ chơi truyền thống đến gần hơn với thế hệ con cháu.

Nói về các công đoạn làm mặt nạ giấy bồi, nữ nghệ nhân chia sẻ: “Đầu tiên phải chuẩn bị đầy đủ những nguyên liệu đó là giấy và bột, đem bột nấu cùng nước lã, phải quấy kĩ, không được để vón cục, nấu tới khi ngả màu vàng, có độ nhuyễn và kết dính thì cho ra thành phẩm là hồ. Khi đã đủ dụng cụ, bắt đầu bồi mặt nạ vào khuôn, giấy bồi phải xé nhỏ, tỉ mỉ miết từng lớp, cứ một lớp giấy là một lớp keo, như vậy mặt nạ mới giữ được độ cứng cáp. Sau đó, gấp mép, cẩn thận lấy ra mang đi phơi khô tự nhiên, tùy thuộc vào thời tiết sẽ khô nhanh hay chậm, thường tôi sẽ phơi khoảng 5-6 tiếng. Cuối cùng thì pha màu, lấy bút vẽ để vẽ, sơn các chi tiết, sơn lớp nào lại phơi khô lớp đó như vậy mới không bị nhòe khi sơn chồng các lớp với nhau”.

Không được đào tạo qua bất cứ trường lớp mỹ thuật nào nhưng thời gian gắn bó với nghề đã tôi luyện ông Hòa, bà Lan trở thành những người họa sĩ thực thụ, mang những nét vẽ độc đáo, có hồn lên từng chiếc mặt nạ có hình hài giống Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, con trâu, con lợn…

Dẫu cho làm thủ công tốn nhiều thời gian, công sức, mỗi ngày chỉ có thể hoàn thiện khoảng 10 chiếc mặt nạ, nhưng những nghệ nhân ấy vẫn cẩn thận, chỉn chu bởi mong muốn sản phẩm đến tay khách hàng không phải những món đồ chơi vô tri, những món đồ bình thường mà nó là “hồn cốt”, là cái tâm, là nỗi lòng của những người thợ tâm huyết với nghề.

Gắn bó với những chiếc mặt nạ giấy bồi hơn nửa đời người, những nghệ nhân như ông Hòa bà Lan đều có nỗi lo, trăn trở không chỉ đồ chơi truyền thống mai một mà sẽ chẳng còn nhiều thế hệ con cháu có đam mê với nghề, sẵn sàng gìn giữ, phát huy những tinh hoa ông cha để lại.

“Để giữ và tồn tại lâu với nghề, người thợ cần phải đặt tâm của mình vào công việc. Ngoài yếu tố chính đó, còn cần phải rèn rũa sự tỉ mỉ, chỉn chu, cẩn thận và tính kiên nhẫn mới sống với nghề lâu dài. Chúng tôi coi công việc này là đam mê, là cái duyên, cái nghiệp của mình nên đặt hết tâm huyết vào làm” bà Lan nói.

Niềm vui trước sự “hồi sinh”

Những năm gần đây, đồ chơi truyền thống dần tìm lại vị thế trong thị trường, vào mỗi dịp như ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu những cửa hàng trên các con phố như Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược bày bán nhiều mặt hàng đồ chơi truyền thống với số lượng lớn.

Nhận thấy tâm lí khách hàng thay đổi, khách hàng ưu tiên tìm mua những sản phẩm đồ chơi truyền thống, thủ công với nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho trẻ nhỏ, đối với đôi vợ chồng nghệ nhân phố cổ, điều này là nguồn động lực lớn, là niềm vui tuổi xế chiều để họ quyết tâm giữ nghề.

“Tất cả công đoạn làm mặt nạ của gia đình tôi đều được làm thủ công bằng tay nên nguyên liệu phải lựa chọn kĩ để khi làm không ảnh hưởng đến sức khỏe. Như bột để làm hồ được làm từ củ sắn, giấy để bồi mặt nạ thì tôi đều tận dụng từ những quyển sách, quyển vở của các cháu trong nhà để làm, vừa không độc hại, vừa tiết kiệm được chi phí” - ông Hòa chia sẻ.

Sau hai năm ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường mặt nạ giấy khởi sắc trở lại cũng là lúc “hàng nhái” xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều người sản xuất sẵn sàng dùng nguyên liệu kém chất lượng, nhái thương hiệu để “kiếm lời”. Mặc cho giá thành rẻ, lợi nhuận cao, ông Hòa vẫn cần cù, miệt mài làm từng công đoạn, lựa chọn những nguyên liệu tốt nhất để tạo nên sản phẩm “Chúng tôi làm vì đam mê, còn sức đến lúc nào thì còn giữ nghề đến lúc đó, chúng tôi quan trọng chất lượng hơn số lượng và lợi nhuận” - ông Hòa tâm sự.

Thời gian gần đây, các mặt hàng, nguyên liệu trên thị trường tăng giá chóng mặt, dù làm thủ công, tỉ mỉ, cầu kì từng công đoạn nhưng gia đình ông Hòa vẫn giữ nguyên giá bán, mỗi chiếc mặt nạ chỉ dao động từ 35.000 đồng đến 150.000 đồng/chiếc, để ai cũng có thể mua hàng, đồ chơi truyền thống đến gần hơn với tuổi thơ của những đứa trẻ ngày nay.

Giữa những khó khăn, áp lực cạnh tranh, ở cái tuổi xế chiều thay vì nghỉ ngơi, vợ chồng nghệ nhân vẫn miệt mài, cặm cụi giữ nghề, hạnh phúc vẫn hiện rõ trong ánh mắt của đôi vợ chồng làm mặt nạ giấy bồi cuối cùng ở Thủ đô. Họ hài lòng với công việc của mình, lấy công làm lãi để duy trì cuộc sống, công việc và thói quen hàng ngày. Niềm hạnh phúc tưởng chừng khó giải thích ấy thực ra vô cùng giản dị.

Đồ chơi truyền thống mang dáng dấp, tâm hồn con người Việt Nam qua bao thế hệ. Mỗi món đồ chơi được làm ra chứa đựng biết bao sự kết tinh mồ hôi, công sức, có cả tình yêu, lòng nhiệt huyết, những lo lắng, trăn trở của người đang miệt mài gìn giữ chúng. Dù cuộc sống luôn thay đổi nhưng những chiếc mặt nạ giấy bồi, những món đồ chơi truyền thống vẫn sẽ còn sống mãi bởi có những đôi bàn tay khéo léo của những con người đã dành cả đời nặng lòng “giữ lửa”.

Trà My

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-nghe-nhan-cuoi-cung-giua-thu-do-nang-long-giu-hon-cot-do-choi-trung-thu-truyen-thong-217685.html