Những nghi lễ chính của Tết Chôl Chnăm Thmây

Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025 của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra trong 3 ngày, từ 14-16/4. Nhiều nghi lễ tôn kính Phật và tổ tiên được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền này.

Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Khmer, tương tự như Tết Nguyên đán của người Kinh. Đây là dịp thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, cầu mong sự an lành và thịnh vượng cho gia đình trong năm mới.

Bên cạnh đó, Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới.

Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Khmer.

Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Khmer.

Tết Chôl Chnăm Thmây được diễn ra vào trung tuần tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch), không cố định ngày, giờ, mà tính theo vòng quay trái đất quanh mặt trời trong một năm. Năm 2025, Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong 3 ngày, từ 14-16/4 dương lịch (17-20/3 âm lịch).

Ngày Tết đầu tiên có tên gọi là Sang-kran. Người Khmer chuẩn bị mâm ngũ quả để đón chư thiên chuẩn bị xuống trần gian (thời khắc giao thừa), hoặc mang theo lễ vật, nhang đèn vào chùa làm lễ. Họ diễu hành 3 vòng xung quanh chánh điện với hy vọng được ban phước trong năm mới. Buổi tối, người dân tổ chức các trò chơi dân gian, các vũ điệu như hát kịch, hát dù kê, rô băm, rom vong...

Ngày Tết thứ hai có tên gọi là Wana-bot. Mọi người mang thực phẩm đến dâng cho chư tăng. Các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người làm ra hạt gạo, trồng trọt, chăn nuôi để tạo cuộc sống ấm no. Buổi chiều sẽ có lễ đắp núi cát tại khuôn viên chùa để cầu phúc lành.

Ngày Tết thứ 3 có tên gọi là Lon-sătk, còn gọi là ngày lễ tắm Phật. Nhà sư dùng các cành hoa vẫy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật, cầu mong sức khỏe và may mắn cho mọi người.

Đây cũng là ngày người Khmer làm lễ cầu siêu để tưởng nhớ người đã khuất, dâng bánh tạ ơn và thực hiện một số nghi thức thể hiện sự báo hiếu ông bà, cha mẹ.

Trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, đồng bào dân tộc Khmer sẽ đi thăm viếng bạn bè, người thân; chúc Tết, tặng quà và lì xì cho trẻ em.

Nhiều hoạt động vui chơi văn nghệ được tổ chức tại các chùa, salaten (nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng) như múa lân, kéo co, đua thuyền, đánh đu… tạo không khí vui vẻ, phấn khởi cho đồng bào Khmer trong dịp Tết cổ truyền này.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-nghi-le-chinh-cua-tet-chol-chnam-thmay-2391081.html