Những ngôi chùa cổ kính ven sông
Lịch sử khai khẩn Tây Ninh ghi nhận vùng đất Trảng Bàng là nơi đầu tiên các di dân đến định cư. Các đình chùa được dựng lên bên cạnh những thửa ruộng khai phá để làm chỗ dựa tinh thần cho cư dân trên vùng đất mới.
Chùa Tịnh Lý
Trên vùng đất Trảng Bàng, gần 200 năm qua, những ngôi chùa làng như Tịnh Lý, Phước Lưu mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Trảng.
Tại khu phố An Khương, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng hiện có chùa Tịnh Lý, tiền thân là một ngôi miễu nhỏ ở gốc cây giữa trảng Bàu Đắng. Ngôi miễu này do những đứa trẻ chăn trâu trong làng dựng bằng tre và cây. Trong miễu thờ các tượng Phật bằng đất sét, do trẻ chăn trâu nặn từ đất của bàu Đắng. Những năm sau, có nhiều người dân đến mang lễ vật đến cúng bái, thấy hiển linh nên gọi là chùa Bàu Đắng.
Theo tư liệu ghi chép của làng An Tịnh, năm 1902, Tri huyện Nguyễn Vạn Bửu của Trảng Bàng là người gốc làng An Tịnh, nhân một chuyến đi xem đắp đường, thấy chùa Bàu Đắng nhỏ, thấp nên mời người trong làng phụ với ông cất lại ngôi chùa với quy mô lớn hơn, đặt tên là chùa Tịnh Lý.
Theo thời gian, chùa Tịnh Lý đã trải qua nhiều lần trùng tu, hiện xây bằng tường gạch, mái ngói theo kiểu tứ trụ truyền thống của đình chùa Nam bộ. Mái chùa lợp ngói, sân chùa có một cội lộc vừng, đôi chậu bông trang, trâm ổi và một hàng lu nước có gáo múc bằng miểng dừa. Trước sân chùa là tượng Bồ tát Quan Thế Âm, hồ nước, hòn non bộ, các ban thờ Phật Di Lặc, Ba Đầu Ma Thắng Như Lai, miếu thờ Ngọc Hoàng, Linh Sơn Thánh Mẫu, Địa Mẫu, Ông Địa… Hiện nay, chùa Tịnh Lý còn lưu giữ một số hiện vật quý mang giá trị lịch sử, nghệ thuật như ba bộ tượng Phật bằng đất sét được ông Nguyễn Vạn Bửu nhờ nắn lại, gồm tượng Phật Thích Ca thiền định, Phật Thích Ca sơ sinh và tượng Ba Đầu Ma Thắng Như Lai.
Ngôi chùa làng mộc mạc chân quê này đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân làng An Tịnh từ xưa đến nay. Vì vậy, hằng ngày, người dân đều tập hợp cùng với các sư thầy của chùa để thực hiện nghi thức tụng niệm. Phật tử Nguyễn Thị Thẹo, ngụ địa phương cho biết: “Đêm nào cũng vậy, từ 7 giờ tối, chúng tôi đến đây tụng kinh, niệm phật đến 8 giờ tối mới nghỉ. Những ngày rằm, 30 âm lịch, các phật tử ở đây nấu bánh canh, hủ tiếu, chè dâng lên cúng phật. Ngôi chùa này thiêng liêng lắm, không thể nào nói hết được”. Phật tử Nguyễn Thị Sự chia sẻ: “Tôi thích ngôi chùa cổ xưa này. Mỗi buổi tối đến đây tụng kinh niệm phật, cảm thấy trong lòng mình an vui”.
Chùa Phước Lưu
Ngoài chùa Tịnh Lý, còn có một ngôi chùa khác cũng đã tồn tại gần 200 năm tuổi, đó là chùa Phước Lưu. Tiền thân của ngôi chùa này cũng là cái am nhỏ, mái lợp tranh, được dựng lên ven cái trảng mọc đầy cây bàng để thờ Phật. Am đầu tiên được lập vào năm Canh Tý 1840. Sau đó, bà Nguyễn Thị Trinh, quê ở tỉnh Long An, theo chân di dân đến xứ Trảng, cải tạo lại am, thờ Phật và bắt mạch, hốt thuốc chữa bệnh cho người dân. Người đàn bà này còn có khả năng coi đồng, xem mặt đoán bệnh, tiên đoán sự việc. Vì thế, dân gian gọi bà Trinh là bà Đồng và ngôi thảo am cũng được gọi là “am Bà Đồng”.
Về sau có một ni cô tên Trần Thị Nên, pháp danh Chơn Tăng đến thảo am cùng tu tập và cùng bà Đồng chữa bệnh. Bà Nên là người phụ nữ lớn tuổi, nên người dân quen gọi là bà Cốc. Bà Đồng và bà Cốc ở am hành thiện cứu người, chữa được cho nhiều bệnh nhân. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đến đây cúng viếng và chữa bệnh. Về sau, am tranh được mở rộng thành một ngôi chùa và cũng được gọi là chùa Bà Đồng.
Trước khi tu tập, bà Cốc có ba người con trai, đều quy y xuất gia. Người con thứ nhất của bà lấy pháp danh là Trừng Lực. Sau khi bà Cốc mất, sư Trừng Lực thay mẹ trụ trì. Năm 1900, sư Trừng Lực huy động sự đóng góp của người Việt và người Hoa trong vùng để cải tạo lại chùa Phước Lưu. Sau lần trùng tu ấy, nơi đây trở thành ngôi chùa lớn nhất của Trảng Bàng cũng như của cả vùng phía Nam Tây Ninh. Hiện tại, trong chùa Phước Lưu còn lưu giữ nhiều tranh, tượng quý, như bộ tranh “Ngũ Hiền thượng kỳ thú” do họa sĩ Năm Kiếng, người làng Gia Bình, Trảng Bàng xưa vẽ, gây ấn tượng mạnh với khách thập phương. Chùa Phước Lưu còn giữ gìn nhiều mộc bản với nội dung là các pháp phái, các loại sớ, điệp, chú, bát quái, v.v… được khắc vào khoảng năm 1898. Chùa còn lưu giữ hàng trăm quyển kinh, luận, sách thuốc bằng chữ Hán Nôm, do các vị tổ biên soạn.
Chùa Phước Lưu còn có một vật dụng khá đặc biệt, được Hòa thượng trụ trì Thích Thiện Nhân thường xuyên sử dụng mỗi khi tụng niệm, đó là một vỏ đạn trái sáng. Ông dùng vỏ đạn này thay cho chiếc khánh trong các nghi lễ, khóa tụng trong chùa. Hòa thượng dùng chiếc bu loong bằng kim loại gõ vào chiếc khánh này để tạo ra tiếng ngân vang. Trụ trì Thích Thiện Nhân giải thích: “Trước đây, loại vũ khí này tạo ra tội ác, nay chùa cải tạo lại để hướng dẫn cho bá tánh hướng thiện, nhằm nói lên tinh thần đạo pháp hướng mọi người làm lành lánh dữ, nương về nơi tam bảo để hạnh phúc an vui”.
Phật tử thường xuyên đến thắp hương ở chùa Tịnh Lý.
Chùa Cẩm Phong
Dọc theo bờ sông Vàm Cỏ Đông còn có ngôi chùa Cẩm Phong (chùa Quan Huế), ở ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang huyện Gò Dầu. Quan Huế là một vị quan triều đình Huế khuyết danh được cử đến vùng này để vãn hồi an ninh, mưu cầu phúc lợi cho dân chúng. Khi việc yên dân đã xong, vị quan ấy đến thôn Cẩm Giang đốn cây rừng, dọn một khoảnh đất nhỏ sát bờ sông Vàm cất một cái am mái lá nhỏ để tu hành. Những năm sau đó, am nhỏ được nâng cấp xây cất với quy mô lớn hơn, đặt tên chùa là Cẩm Phong. Nói về nguồn gốc chùa Cẩm Phong, ông Nguyễn Quốc Việt- nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết rõ thêm: “Hơn 100 năm trước, khi quân Pháp xâm chiếm nước ta, vua Tự Đức ký hòa ước nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, nhiều nghĩa sĩ bất bình trước hòa ước này nên không hợp tác với quân Pháp. Trong đó có vị quan triều đình Huế khuyết danh. Ông tìm đến vùng đất vắng vẻ bên sông Vàm Cỏ Đông lập chùa tu hành. Dân chúng thấy việc tu hành hợp với lòng dân, nên thường xuyên đến cúng phật. Người dân nghe giọng nói của sư thầy ở đây là giọng Huế, biết ông là quan triều đình nên gọi tên là chùa Quan Huế”.
Sau ngày miền Nam giải phóng, ngôi chùa này được xây cất lại với quy mô lớn. Hơn 30 năm trước, thầy Thích Định Tánh- Trụ trì chùa Cẩm Phong nhận nuôi dưỡng những cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi, bệnh tật bị bỏ rơi. Số người có hoàn cảnh khó khăn ngày càng nhiều, năm 1996, thầy Thích Định Tánh phải xây dựng cơ sở Mái ấm Mây Ngàn, tọa lạc cùng ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, để làm nơi nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh. Hiện nay, Mái ấm Mây Ngàn đang nuôi dưỡng khoảng 200 cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi, bệnh tật. Ngôi chùa Quan Huế trở lại thành nơi tu tập của nhiều phật tử trong vùng và là điểm đến yêu thích của nhiều du khách mỗi khi có dịp đến tham quan, du lịch Tây Ninh.
Dọc theo hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông còn có một số ngôi chùa cổ kính khác, như Cao Sơn (ở xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu), Thiền Lâm (chùa Gò Kén, xã Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành) v.v… Những cơ sở thờ tự gần 200 năm tuổi này đều lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tiêu biểu của Tây Ninh. Có thể nói, gần 200 năm qua, những ngôi cổ tự ven sông Vàm đã đồng hành với những lưu dân thời mở đất cùng các hậu duệ của họ trong quá trình phát triển Tây Ninh trở thành vùng đất “đáng đến và đáng sống”.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhung-ngoi-chua-co-kinh-ven-song-a173318.html