Những ngôi nhà giữ 'hồn xưa, nếp cũ' ở Hà Nội
Từ trăm năm nay, phố cổ Hà Nội vốn nổi tiếng với những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tràng An. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn lại rất ít những ngôi nhà lưu giữ được nét đẹp cổ kính, trở thành nơi du khách muốn tìm đến để tận mắt thấy những nhân chứng lịch sử mang nét đẹp cổ kính đặc trưng của nếp nhà Thăng Long - Kẻ Chợ xưa.

Ngôi nhà cổ tại Mã Mây giữ vẻ đẹp trang nhã, duyên dáng giữa phố thị tấp nập. (Ảnh trong bài: PV)
Vẻ đẹp trường tồn
Phố cổ Hà Nội với 36 phố phường, một không gian lưu giữ những giá trị văn hóa vàng son của Thủ đô. Dạo qua những con phố trầm mặc, mái ngói rêu phong, ngõ nhỏ quanh co, người ta dễ dàng cảm nhận một vẻ đẹp dung dị, gần gũi của Hà thành xưa cũ giữa lòng đô thị hiện đại.
Mỗi con phố mang trong mình một cái tên và một câu chuyện riêng, gắn liền với nghề truyền thống và cuộc sống của người dân Tràng An. Từ Hàng Đào, Hàng Bạc đến Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Đồng, mỗi bước chân qua phố như lật mở những trang ký ức, gợi đưa ta trở lại thời kỳ khi người dân Hà thành cần mẫn đục đẽo, dệt lụa hay bán hàng trên những sạp gỗ mộc mạc, bên những ngôi nhà mái ngói rêu phong, phảng phất hơi thở lịch sử.
Dù xã hội hiện đại không ngừng biến đổi, nhưng phố cổ Hà Nội vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa, truyền thống qua những ngôi nhà cổ. Đây là những ngôi nhà trở thành “biểu tượng” của các phố Hàng. Đại diện một thời kỳ lịch sử đầy thăng trầm của dân tộc ta.
Nhà cổ Mã Mây, tọa lạc tại số 87 phố Mã Mây, là một trong những ngôi nhà cổ hiếm hoi còn giữ được nét kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa. Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, nhà cổ Mã Mây mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa. Nhà cổ Mã Mây được xây dựng vào khoảng năm 1890, thuộc sở hữu của một gia đình thương nhân người Hà Nội. Trải qua hơn một thế kỷ, ngôi nhà đã nhiều lần đổi chủ và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, từ nhà ở đến cửa hàng buôn bán. Ngôi nhà đã chứng kiến nhiều đổi thay của lịch sử và nay trở thành một di sản văn hóa.
Ngôi nhà được xây dựng để người chủ trong gia đình vừa kinh doanh, vừa ở. Nhà cổ Mã Mây đã đổi chủ nhiều lần, từ hộ kinh doanh bán gạo đến bán thuốc bắc. Kể từ cuối năm 1998, với sự đồng thuận của các gia đình sống tại đây, ngôi nhà cổ Mã Mây đã bước vào giai đoạn trùng tu tôn tạo và chính thức hoàn thiện vào ngày 27 tháng 10 năm 1999 thông qua sự hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp). Tất cả cấu trúc, vật liệu xây dựng, kiến trúc và các đồ vật sinh hoạt đã được bảo tồn và giữ nguyên như ban đầu. Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng.
Một ngôi nhà khác rất nổi tiếng, đó là số 94 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, trung tâm văn hóa Hàng Buồm (trước đây từng là hội quán Quảng Đông) là một công trình cổ độc đáo. Ngôi nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, vốn là tụ điểm văn hóa của những thương nhân và giới thượng lưu, tri thức gốc Hoa trên diện tích 1.800m2. Sau khi được tu sửa công trình vẫn giữ được kiểu dáng điển hình của các một hội quán nói chung. Bốn dãy nhà được xây bố cục thành hình chữ khẩu với thiên tĩnh ở giữa để lưu thông không khí và ánh sáng, giúp không gian thoáng đãng hơn.

Những ngôi nhà cổ đã trở thành địa điểm “check-in” độc đáo thu hút người trẻ.
Ở Hàng Bè có ngôi nhà rất nổi tiếng tọa lạc tại số 44 Hàng Bè, Hoàn Kiếm, căn biệt thự được thiết kế theo kiến trúc Pháp cổ rộng 800m2 nằm sâu trong con ngõ 44. Được xây dựng vào năm 1926, công trình nổi bật với kiến trúc độc đáo, nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm của một gia đình giàu có Hà Nội xưa. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là cụ Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu, thương gia giàu có nổi tiếng ở phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ XX.
Dù được xây dựng gần 100 năm nhưng cách bố trí phòng ốc và đồ đạc trong nhà vẫn phù hợp với phong cách thời nay. Nhà chạy theo hình chữ nhật, ở giữa là giếng trời, lấy ánh sáng cho tất cả các phòng. Điểm nhấn tại đây là 4 cột đá nguyên khối, chạm khắc tinh xảo các họa tiết “Đào - Cúc - Trúc - Mai” với ý nghĩa mang lại may mắn, thịnh vượng.
Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều ngôi nhà cổ nổi tiếng khác như số 42 Hàng Cân được thiết kế kiểu kiến trúc “nhà hộp diêm” rất phổ biến tại Hà Nội vào đầu thế kỷ XX. Hay tại 49 phố Trần Hưng Đạo có ngôi biệt thự Pháp cổ với tuổi đời hơn 100 năm, công trình có tổng diện tích 993m2, trong đó có 400m2 mặt sàn, còn lại là thảm cỏ, lối đi. Căn biệt thự có 2 tầng được sơn màu vàng và đỏ đậm.
Bảo tồn, gìn giữ
Từ năm 2022 cho tới nay, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch nhằm đạt mục tiêu chỉnh trang trên dưới 20 nhà biệt thự, trong đó có rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1945. Việc cải tạo các công trình kiến trúc này vừa nâng tầm cảnh quan đô thị, lưu giữ những giá trị lịch sử, đồng thời tránh lãng phí những “khu đất vàng” tại Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã và thực hiện cải tạo, chỉnh trang các nhà biệt thự, công trình kiến trúc cổ, khôi phục và lưu giữ những nét đẹp lâu đời tại các công trình này.

Ngôi nhà số 94 Hàng Buồm hiện nay trở thành trung tâm triển lãm nghệ thuật với phong cách trang trí pha trộn giữa hiện đại và cổ kính.
Được biết, quận Hoàn Kiếm không chỉ có khu phố cổ Hà Nội là di sản cấp quốc gia, mà còn có khu vực mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp. Diện mạo khu phố cũ bị tác động bởi thời gian, khí hậu, thời tiết, do quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số... Nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Để cụ thể hóa bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản của không gian phố cũ, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch và giao Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tiến hành trùng tu, tôn tạo một số công trình mang giá trị kiến trúc Pháp với mục tiêu cố gắng gìn giữ những di sản quý báu - dấu ấn của lịch sử phát triển đô thị Thủ đô, cải tạo bộ mặt đô thị, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, mang lại điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế, du lịch chung của Thành phố. Nguyên tắc thực hiện trùng tu các di sản này là giữ tối đa yếu tố gốc, khôi phục những yếu tố có giá trị đã bị thay đổi, biến mất trên cơ sở khoa học.
Mới đây, hai tòa biệt thự trên phố Trần Hưng Đạo đã hoàn tất việc trùng tu, cải tạo, “hồi sinh” diện mạo khu phố cũ cũng như trở thành điểm đến thú vị cho khách tham quan. Cụ thể, thực hiện chương trình “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025” cùng thỏa thuận hợp tác giữa vùng Ile-de-France và UBND Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2026, UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành trùng tu, tôn tạo ngôi biệt thự Pháp tại số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài với sự hỗ trợ kỹ thuật của vùng Ile-de-France. Dự án khởi công tháng 4 năm 2022 và đến nay đã hoàn thành.
Hay như ngôi nhà 87 Mã Mây, đã nhận được sự bảo trợ của Hội đồng thành phố Toulouse (Pháp), căn nhà đã được Ban Quản lý phố cổ tiến hành bảo tồn từ năm 1999. Căn nhà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản cấp quốc gia vào ngày 16 tháng 2 năm 2004. Nhà cổ hiện nay đã trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi tới Hà Nội. Đồng thời cũng là nơi kết hợp trưng bày các sản phẩm thủ công của các làng nghề thuốc, trà, dệt lụa hay gốm sứ… Ngôi nhà cổ cũng là địa điểm thường xuyên tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, tái hiện lại nếp sống, sinh hoạt của ông cha ta từ xưa.
Ngoài việc bảo tồn, gìn giữ những ngôi nhà cổ tại Hà Nội, các điểm đến này cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá và nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Lấy ví dụ công tác quản lý cần đẩy mạnh hoạt động thương mại, du lịch dịch vụ để tương xứng với tiềm năng khu phố cổ. Đặc biệt, phải gìn giữ cảnh quan khu phố cổ, tránh xảy ra tình trạng xây nhà lộn xộn, mất đi nét đẹp truyền thống. Ban quản lý cần khuyến khích người dân khi cải tạo hay xây mới, lập thiết kế mặt theo kiểu nhà truyền thống, nghệ thuật; vật liệu xây dựng là vôi, cát, xi-măng phải phù hợp với khí hậu nóng ẩm; màu sơn có gam nhẹ như vàng, trắng; không dùng màu sẫm, nóng; sử dụng ngói vảy cá, ngói Tây.