Những người ăn rau chùm ngây cần biết điều này
Chùm ngây đang được coi là 'thần dược' được rất nhiều gia đình ưa chuộng như một giải pháp dinh dưỡng tối ưu, nhất là dành cho trẻ biếng ăn. Tuy nhiên, ăn chùm ngây nhiều quá lại hóa hại, đặc biệt là phụ nữ có thai những tháng đầu.
Cây “phòng ngừa ung thư”
Nghe nhiều cha mẹ rỉ tai nhau cho con ăn rau chùm ngây tốt cho sức khỏe, kích thích ăn uống, chị Nguyễn Thị Thảo (ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) liền mua về cho con ăn liên tục trong thời gian dài. Một tuần chị cho cu Tít, con trai chị ăn 4 ngày rau chùm ngây để “bổ sung dưỡng chất”. Thậm chí, để tiện sử dụng, chị còn mua mấy cây về trồng ở nhà. Chị chia sẻ: “Rau chùm ngây rất tốt mà mình có thể chế biến làm nhiều món cho con ăn. Thấy con từ bữa ăn rau chùm ngây, ăn uống ngon miệng hơn nên mình duy trì ăn cả tuần. Nhưng không hiểu sao gần đây, cháu lại kêu đầy bụng, biếng ăn hơn trước”.
Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, so với một số thực phẩm khác thì hàm lượng dinh dưỡng của chùm ngây cao hơn nhiều. Lá cây chùm ngây chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể chế biến thành những món ăn giống như các loại rau khác như rau ngót.
Tuy nhiên, bất cứ loại thực phẩm nào khi đưa vào thực đơn bữa cơm cũng cần cân nhắc về số lượng và chất lượng. Để cân bằng dinh dưỡng, mọi người nên ăn đa dạng thực phẩm, không nên ăn quá nhiều một loại trong thời gian dài sẽ không có lợi. Rau chùm ngây cũng vậy. Hơn nữa, chùm ngây là cây có nhiều dưỡng chất, hàm lượng vitamin, canxi… ăn quá nhiều rau chùm ngây có thể dẫn đến thừa canxi, vitamin C gây những hậu quả xấu cho sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ cơ thể chưa hoàn thiện.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam) cho biết, hầu hết các bộ phận như hoa, lá, quả, hạt, rễ thân của cây chùm ngây đều hữu dụng với con người. Chẳng hạn, trong 100gr lá chùm ngây tươi cung cấp 64kcal; 8,28 cacbonhydrat; 2g chất xơ thực phẩm; 14g chất béo; 9,4g protein; 78,6g nước; 185 mg canxi; 4 mg sắt; 337 mg kali, 378microgram vitamin A cùng các vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B9, C… và nhiều dưỡng chất khác.
Lá chùm ngây chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn hoa và quả (tính theo trọng lượng), trong đó vitamin C (hơn cam 7 lần), vitamin A (hơn cà rốt 4 lần), canxi (gấp 4 lần sữa), sắt (gấp 4 lần bó xôi), đạm (nhiều gấp đôi sữa chua) và Potasium (gấp 3 lần quả chuối chín).
“Chùm ngây có thể sử dụng để điều trị được nhiều bệnh như thiếu máu, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, còi xương, tiểu đường, tim mạch, kinh phong, viêm nhiễm, sưng tấy, mỡ máu, đau dạ dày, bệnh can tỳ vị, đau khớp, sài uốn ván, yếu liệt, hoa liễu, ngừa thai, ung cục, u xơ tuyền liệt tuyến, bất lực... Đặc biệt, trong chùm ngây có hợp chất Zeatin, với năng lực chống lão hóa mạnh mẽ, cao gấp vài ngàn lần so với bất kỳ loại cây nào khác. Trong chùm ngây còn có 2 loại hợp chất phòng chống ung thư và có thể chặn đứng sự tăng trưởng của khối u, khiến cây này được mệnh danh là “cây phòng ung thư”, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho hay.
Dễ gây sẩy thai
Mặc dù chùm ngây có nhiều giá trị tốt như phân tích ở trên nhưng theo Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, không phải ai ăn cũng tốt và ăn càng nhiều càng tốt như mọi người nghĩ. Phụ nữ có thai không nên ăn chùm ngây vì có tính hoạt huyết, hóa ứ.
Trong chùm ngây có alpha-sitosterol cấu trúc giống estrogen nên có thể có tác dụng ngừa thai. Khi có thai, hormon thai nghén là progesterone bài tiết làm mềm tử cung khiến cơ tử cung không co bóp. Còn alpha-sitosterol trong rau chùm ngây gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Bởi vậy, phụ nữ có thai giai đoạn đầu tuyệt đối không nên ăn rau chùm ngây để giữ an toàn cho thai nhi và mẹ. Còn sau sinh, ăn rau chùm ngây lại rất tốt. Lá cây kích thích tiêu hóa, là nguồn thức ăn tốt cho bà mẹ mới sinh và trẻ sơ sinh.
Các chuyên gia cũng khuyên, trẻ nhỏ càng không nên lạm dụng chùm ngây. Một tuần chỉ nên dùng 3 bữa rau chùm ngây, mỗi bữa từ 20 – 30gr là hợp lý.
Trẻ qua từng giai đoạn phát triển, từng lứa tuổi thì nhu cầu về các chất dinh dưỡng chỉ ở một mức độ nhất định.
Để cân bằng dinh dưỡng cho trẻ, cha mẹ cần chế biến món ăn phù hợp với bé, đảm bảo bữa ăn luôn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm...), chất béo (dầu, mỡ), chất bột đường (bột, gạo), vitamin và khoáng chất (rau xanh, củ). Khi bữa ăn thừa hoặc thiếu một trong 4 nhóm này sẽ đều làm trẻ ăn không ngon miệng, khó tiêu, đầy bụng. Nếu tình trạng mất cân đối diễn ra kéo dài còn gây ra những bệnh lý nghiêm trọng khác về mặt sức khỏe.
Giống như nhiều loại rau khác, khi chế biến mọi người không nên nấu quá kỹ, chỉ nên nấu chín tới vì dễ làm mất hương vị và chất dinh dưỡng trong lá rau chùm ngây. Ngoài ra, rau đã có độ ngọt nên không cần cho quá nhiều bột ngọt hay đường làm mất đi độ ngọt tự nhiên của rau.
Mọi người nên sử dụng lá chùm ngây tươi, tốt nhất là vừa tuốt ra khỏi cây. Nếu bảo quản tủ lạnh không nên để lâu và phải bọc kín để tránh bay hơi nước khiến lá héo già, mất chất dinh dưỡng. Nếu nhiều lá không dùng hết ngay thì nên phơi khô trong bóng râm, nơi thoáng gió. Lá chùm ngây phơi khô, tán bột có thể để được rất lâu mà không mất dinh dưỡng, sử dụng cho nhiều món ăn như cháo, bột dinh dưỡng trẻ em, bột bánh, pha nước uống.
Một số cách sử dụng chùm ngây
- Rau sống: Lá chùm ngây có thể trộn ăn sống như rau xà lách.
- Nấu canh: Lá chùm ngây 100g + thịt bò (hoặc lợn) 50g, hoặc lá chùm ngây 100g + Nấm hương 50g nấu canh ăn.
- Nước sinh tố: Lá chùm ngây 20g + cà phê 2 muỗng + dứa vừa đủ, xay thành sinh tố uống.
(Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng)