Những người bình dị làm nên diện mạo TP.HCM năng động, nghĩa tình
Có những con người bình dị nhưng giàu tinh thần trách nhiệm đã âm thầm góp phần tạo nên diện mạo TP.HCM năng động, nghĩa tình của hôm nay.
Trong hành trình 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển, TP.HCM đã không ngừng vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước.
Trên chặng đường đó, TP.HCM không chỉ trân trọng và ghi nhận sự đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo, chuyên gia, trí thức, mà còn luôn tự hào về tinh thần đồng lòng, sáng tạo và cống hiến của người dân TP. Họ là những con người bình dị nhưng đầy trách nhiệm đã cùng góp phần làm nên sức sống mãnh liệt, có bản sắc riêng của một đô thị năng động, nghĩa tình.


Ông Nguyễn Khắc Êm nhận bảng vàng tôn vinh vì có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển TP trong 50 năm qua (trái). Ảnh: THUẬN VĂN - LÊ THOA
Người tổ trưởng của lòng dân
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Khắc Êm (79 tuổi, phường Bến Nghé, quận 1) tại lễ tuyên dương 60 cá nhân tiêu biểu có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP.HCM. Ông Nguyễn Khắc Êm đã có 48 năm làm công tác ở khu phố (từ năm 1976).
Cầm trên tay bảng vàng tôn vinh được lãnh đạo TP.HCM trao tận tay, ông Nguyễn Khắc Êm không nén được xúc động. “Được đến dự buổi lễ, nhận bảng vàng này là vinh dự lắm, tôi nghĩ những đóng góp của tôi rất nhỏ bé so với những người ngồi đây nhưng được TP ghi nhận thấy vui vô cùng” - ông Êm bày tỏ.
Năm 1975, khi miền Nam vừa được giải phóng, ông Êm được địa phương vận động làm tổ trưởng tổ dân phố, chẳng mấy đắn đo, ông nhận lời ngay. Lúc ấy, đời sống của nhiều người còn khó khăn, ông đảm nhiệm cả việc quản lý sổ gạo, sổ dầu của từng hộ, phân phối hàng hóa và hỗ trợ chính quyền kiểm tra sổ sách.
Hằng ngày, ông đạp xe len lỏi qua từng con hẻm, gõ cửa từng nhà để thăm hỏi xem bà con còn khó gì không, có cần hỗ trợ gì không. Nếu thấy ai khó khăn, ông Êm tìm cách giúp đỡ, trường hợp nào không giúp được thì báo chính quyền cùng hỗ trợ; ai vướng mắc thủ tục hành chính, cũng ông tận tình hướng dẫn…
Gần nửa thế kỷ làm tổ trưởng tổ dân phố, ông Nguyễn Khắc Êm đã giúp đỡ 42 hộ nghèo trong khu phố, góp phần đưa khu phố 3 không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. “Tôi cũng từng là một hộ nghèo nên hiểu hơn ai hết những khó khăn của bà con khi thiếu vốn làm ăn. Tôi luôn tâm niệm không chỉ tự mình thoát nghèo mà còn phải giúp người khác thoát nghèo” - ông Êm bộc bạch.
Ngày 23-4, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức lễ tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (1975-2025).
Họ là 60 cá nhân tiêu biểu (có 31 người đã mất) công tác ở những lĩnh vực khác nhau nhưng điểm chung đều là những người có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều cống hiến, đóng góp cho cộng đồng, xã hội trong chặng đường 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM.
Ngoài ra, ông cũng hết lòng trong việc cảm hóa những thanh thiếu niên có nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội. Có đợt ông cùng với cảnh sát khu vực kiểm tra nhân thân trong tổ dân phố, khu 53-57-59 Nguyễn Du và 26 Lý Tự Trọng thì phát hiện nhóm 10 thanh niên có dính líu tệ nạn xã hội. Ông đã báo về ngay cho công an phường phối hợp xử lý và giải quyết dứt điểm.
Tại địa phương, hằng ngày, hằng tuần, ông kiên trì đến nhà từng người để tiếp xúc, động viên và hướng dẫn những thiếu niên tìm kiếm con đường đúng đắn. Nhờ đó mà hơn 10 thanh thiếu niên trong khu phố 3 đã từ bỏ con đường sai lầm, cai nghiện thành công và làm lại cuộc đời…
Hàng chục năm qua, ông Nguyễn Khắc Êm đã trở thành hình ảnh người tổ trưởng tận tụy, mẫu mực với người dân khu phố 3. Ông tích cực vận động người dân chăm lo an sinh xã hội, tham gia các hoạt động, phong trào do chính quyền, các ban ngành, đoàn thể phát động. Vận động người dân trong tổ làm CCCD gắn chip và thực hiện cài định danh mức độ 2.
Ông cũng là người tiên phong vận động người dân không buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường; thực hiện cuộc vận động “Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”; phong trào “15 phút vì TP an toàn, sạch đẹp, văn minh”…
Ông bảo nhận bảng vàng tôn vinh, được sự ghi nhận của TP thì vui lắm nhưng vui hơn là ông nhìn thấy những đóng góp của mình đã giúp khu phố 3 cũng như TP.HCM ngày càng văn minh, nghĩa tình.


Ông Nguyễn Văn Thể xem triển lãm ảnh tại lễ tuyên dương 60 cá nhân tiêu biểu có đóng góp trong sự nghiệp phát triển TP trong 50 năm qua. Ông là năng nổ hoạt động ở địa phương và hỗ trợ người dân xã Bà Điểm. Ảnh: THUẬN VĂN - NVCC
Người tiên phong trong “mở đường”
Cũng trong dịp này, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thể (67 tuổi), Bí thư chi bộ kiêm trưởng Ban vận động ấp Đông Lân 7, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Ông Thể đã dành 50 năm gắn bó cùng người dân Bà Điểm vươn lên, có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
“Có mặt ở đây hôm nay là điều vô cùng vinh dự nhưng tôi tin rằng ở ngoài kia cũng có rất nhiều người giống tôi, đều hết mình đóng góp vì sự phát triển của TP” - ông giãi bày.
Khi vừa tròn 17 tuổi, ông Nguyễn Văn Thể đã tham gia công tác Đoàn tại ấp Đông Lân. Lúc đó là năm 1975, TP.HCM mới giải phóng, giữa những bộn bề, ông cùng lực lượng thanh niên địa phương xắn tay vào dọn dẹp, phân phát lương thực, góp phần ổn định đời sống người dân.
Do cơ chế bao cấp trì trệ, thiếu nguyên liệu, sản xuất đình đốn khiến nhiều vùng rơi vào khủng hoảng. Từ thực tiễn ấy, những phong trào lao động cộng đồng đã hình thành, ông Thể vận động thanh niên Bà Điểm bắt đầu hành trình đào kênh, dẫn nước, khai thông đồng ruộng. “Các kênh Trần Quang Cơ, Phạm Văn Cội, Lê Minh Xuân… đều được thanh niên chúng tôi khai phá từ đợt ấy” - ông Thể nhớ lại.
Bước vào giai đoạn đổi mới, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, chỉnh trang hạ tầng cũng được khởi động. Với ông Thể, đó là cơ hội để vận động nhân dân tiếp tục chung tay vì lợi ích cộng đồng. Dù vậy, việc thuyết phục người dân hiến đất mở đường chưa bao giờ là dễ.
“Có những hộ tôi đi lên đi xuống rất nhiều lần nhưng chưa đồng thuận. Vì vậy, tôi quyết định làm gương và tự nguyện đập bỏ căn nhà nằm ngay ngã ba đường để mở rộng hẻm. Thấy vậy, từ chỗ dè dặt, người dân bắt đầu đồng thuận, những con hẻm nhỏ dần được mở rộng, sạch đẹp, khang trang hơn” - ông Thể kể.
Với uy tín và sự tận tụy, ông Thể tiếp tục được người dân tín nhiệm giữ vai trò bí thư chi bộ. Từ việc vận động người dân, ông đã xây mái ấm mới cho bảy hộ nghèo, người già neo đơn…
Từ năm 2020 đến nay, ông là trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Đông Lân 1 và cùng cấp ủy chi bộ, Ban nhân dân và các đoàn thể chính trị - xã hội ấp vận động nhân dân đóng góp kinh phí thực hiện hệ thống thoát nước và bê tông hóa bảy tuyến đường với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng.
Ông Thể luôn kiên định với con đường mình chọn, lặng lẽ cống hiến trong từng thay đổi nhỏ của cộng đồng, góp phần làm nên diện mạo mới cho vùng ngoại thành TP.HCM hôm nay.
Cây đại thụ trong lĩnh vực điều trị ung thư
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Chấn Hùng (81 tuổi), nguyên Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, đã dành gần trọn cuộc đời gắn bó với ngành y, có đóng góp to lớn trong việc xây dựng nền tảng cho ngành ung bướu Việt Nam từ những ngày đầu gian khó cho đến khi trở thành một trong những lĩnh vực y học tiên tiến của TP.HCM và cả nước.
Ông Hùng cho biết vào thời điểm đất nước mới thống nhất, lĩnh vực ung thư còn rất non trẻ, đội ngũ tuy được đào tạo bài bản nhưng khó phát huy trong điều kiện thiếu thốn mọi bề. Lúc đó, không ít đồng nghiệp, bạn bè của ông đã chọn con đường khác, rời Việt Nam để phát triển sự nghiệp.
Bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Chấn Hùng. Ảnh: THUẬN VĂN
“Sau nhiều lần đắn đo, tôi quyết định chọn ở lại để chữa bệnh, để xây dựng nền móng cho một ngành y tế còn mới mẻ này. Lựa chọn ấy là vì thấy người bệnh đang cần tôi. Càng lo được cho bệnh nhân, tôi càng có động lực để tiếp tục đào tạo thêm người, xây dựng đội ngũ vững mạnh” - ông Hùng chia sẻ.
Từ quyết tâm ấy, BV Ung bướu TP.HCM dưới sự điều hành của ông từng bước trở thành một trung tâm điều trị hiện đại, có đội ngũ chuyên môn cao và cơ sở vật chất vững vàng. Đó không chỉ là kết quả của một quá trình dài nỗ lực mà còn là minh chứng cho lựa chọn đúng đắn của một người thầy thuốc đặt người bệnh làm trung tâm.
Trong ngày tham dự lễ tuyên dương 60 cá nhân tiêu biểu, ông Hùng đã có dịp gặp lại những bệnh nhân mà ông từng chữa trị. “Có những người tôi không nhớ họ là ai nhưng họ tới chào và cảm ơn vì đã giúp họ cùng người thân tầm soát ung thư và vượt qua căn bệnh quái ác này, điều đó làm tôi càng thấy vui hơn” - ông Hùng xúc động và cho biết giờ đây khi nhìn lại, ông có thể tự hào rằng ngành y học TP.HCM - đặc biệt là lĩnh vực ung bướu - đã vươn tầm, sánh vai cùng khu vực và thế giới.