Những người canh lũ đầu nguồn

BHG - Những đợt bão, lũ vừa qua, chúng ta đã rất quen với các bản tin dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn thường xuyên được báo, đài, các ngành chức năng và mạng xã hội thông tin, đăng tải. Đặc biệt, những thông tin, dữ liệu quan trắc do các trạm thủy văn trong tỉnh và các tin dự báo, cảnh báo lũ do Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Hà Giang cung cấp luôn là thông tin rất quan trọng, góp phần cảnh báo để người dân các địa phương phòng, chống thiên tai.

Hà Giang là vùng đầu nguồn với các sông Lô, sông Gâm, có lưu lượng nước rất lớn vào mùa mưa. Chính vì thế, trong các bản tin về tình hình lũ, bão ở miền Bắc của Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đều có nhắc đến tên sông Lô, sông Gâm vì những tác động không nhỏ có thể bắt đầu từ thượng nguồn các dòng sông này. Để góp phần vào những thông tin, dữ liệu cho công tác dự báo, cảnh báo thủy văn, lũ lụt có thể xảy ra, âm thầm phía sau là đội ngũ quan trắc viên ở các trạm thủy văn, các dự báo viên của Đài KTTV tỉnh Hà Giang.

Quan trắc viên Trạm Thủy văn Hà Giang đo mực nước sông Lô trong ca trực đêm.

Quan trắc viên Trạm Thủy văn Hà Giang đo mực nước sông Lô trong ca trực đêm.

Được biết, lĩnh vực thủy văn trên địa bàn tỉnh hiện có 2 bộ phận, bộ phận quan trắc từ các trạm thủy văn và bộ phận dự báo ở Đài KTTV tỉnh. Trên toàn tỉnh hiện có 5 trạm thủy văn làm nhiệm vụ quan trắc, đo đạc các yếu tố thủy văn trên các con sông Lô, sông Gâm. Chị Bùi Thị Thu Mến, Phó giám đốc điều hành Đài KTTV tỉnh Hà Giang cho biết, các trạm thủy văn ở tỉnh được bố trí với 4 trạm trên sông Lô, gồm 2 trạm ở khu vực thành phố Hà Giang, 1 trạm ở Tân Quang, 1 trạm ở Vĩnh Tuy, Bắc Quang; trên sông Gâm có 1 trạm là Trạm Thủy văn Bắc Mê. Mỗi trạm được bố trí từ 2 – 3 quan trắc viên. Tùy vào điều kiện thời tiết, sự biến động của mực nước trên sông Lô, sông Gâm, các trạm sẽ thực hiện nhiệm vụ quan trắc, đo đạc mực nước, lưu lượng dòng chảy (theo ca, obs) với tần suất khác nhau.

Được biết công việc quan trắc, đo đạc được các trạm thủy văn Hà Giang âm thầm duy trì 365 ngày trong năm, duy trì trực 24/24h mỗi ngày, để đảm bảo số liệu về thủy văn được cập nhật liên tục nhiều lần trong ngày; mưa, nắng đều phải đúng giờ một cách kỷ luật. Ngày bình thường, việc thực hiện quan trắc 3 - 6 tiếng/lần, những ngày mưa lũ vừa qua, các trạm thủy văn phải thực hiện quan trắc 1 tiếng/ lần; cao điểm những ngày lũ khẩn cấp, cứ 30 phút nhân viên quan trắc phải ra sông để thực hiện quan trắc, đo một lần.

Có dịp theo chân chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng trạm Thủy văn Hà Giang trong một đêm trực lội xuống khu vực quan trắc, đo đạc ở sông Lô, chị cho biết, công việc thầm lặng, nhưng chưa khi nào bị gián đoạn trong hàng chục năm qua, kể cả lúc lũ to, lúc mưa bão, sấm sét. Trạm hiện có 2 chị em thay nhau trực làm nhiệm vụ 24/24h, cứ đến giờ là lội theo đường tuyến ra sông quan trắc. Có những hôm trực mưa bão lớn, nước sông lên cao, người nhà cũng ra trạm cùng chị cho… yên tâm.

Tại các trạm thủy văn ở Vĩnh Tuy, Bắc Quang, ở Bắc Mê, việc quan trắc thủy văn có lẽ phù hợp với nam giới hơn. Ở Trạm Thủy văn Bắc Mê, các quan trắc viên phải ngồi trên nôi và dùng tời đưa ra giữa sông Gâm để quan trắc; tại Trạm Thủy văn Vĩnh Tuy, quan trắc viên phải dùng thuyền để trèo ra giữa sông Lô đo. Vào những hôm mưa lũ, nước dâng cao, công việc cũng trở nên nguy hiểm với các quan trắc viên.

Các quan trắc viên Trạm Thủy văn Vĩnh Tuy, Bắc Quang bơi thuyền ra sông làm nhiệm vụ.

Các quan trắc viên Trạm Thủy văn Vĩnh Tuy, Bắc Quang bơi thuyền ra sông làm nhiệm vụ.

Giống như khối quan trắc ở các trạm thủy văn trên địa bàn, tại Đài KTTV tỉnh, các dự báo viên cũng duy trì trực ca 24/24h, không kể ngày nghỉ, ngày lễ, tết; phối kết hợp với các đồng nghiệp ở các trạm KTTV trên địa bàn để năm bắt tình hình mưa, lũ, làm cơ sở để ra các bản tin dự báo, cảnh báo. Dự báo viên Nguyễn Thị Lan Anh, Đài KTTV tỉnh cho biết: Khi lũ lên mức báo động 1 hoặc dưới báo động 1, từ các thông tin quan trắc của các trạm thủy văn, Đài KTTV tỉnh sẽ ban hành các bản tin cảnh báo lũ; khi xuất hiện lũ ở mức báo động 2 và trên báo động 2, Đài sẽ ra bản tin báo lũ; lũ ở mức báo động 3 trở lên, Đài sẽ ra bản tin lũ khẩn cấp. Khi có lũ khẩn cấp, ngoài 4 bản tin chính trong ngày, còn có các bản tin phụ giữa các bản tin chính.

Bao năm tháng qua, Đài KTTV tỉnh đã cung cấp đều đặn các bản tin về tình hình KTTV trên địa bàn cho tỉnh, góp phần phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt trong những đợt mưa, lũ vừa qua, những cái tên như Nguyễn Đình Hợp, Bùi Thị Thu Mến, Lê Thị Hà, Nguyễn Thu Hiền, Cao Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Lan Anh thường xuyên xuất hiện trên các bản tin dự báo bão, mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất với tần xuất dày đặc, kịp thời thông tin đến người dân và chính quyền địa phương.

Nói về một số khó khăn trong công tác dự báo, cảnh báo thủy văn trên địa bàn tỉnh, Phó giám đốc điều hành Đài KTTV tỉnh Bùi Thị Thu Mến cho biết thêm, công tác dự báo thủy văn trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn do việc liên hệ để nắm số liệu từ phía thượng nguồn Trung Quốc còn hạn chế, nên chúng ta không có số liệu KTTV đầu nguồn. Do đó, Đài mong muốn tỉnh, các bộ, ngành chức năng qua con đường ngoại giao trao đổi, đề nghị phía bạn thường xuyên thông tin, trao đổi số liệu KTTV từ thượng nguồn để phục vụ công tác quan trắc, dự báo một cách chất lượng.

Dù công việc âm thầm, hàng ngày làm bạn với tuyến đo, con nước với thiên nhiên, nhưng mỗi cán bộ KTTV ở Hà Giang luôn yêu ngành, yêu nghề, luôn nỗ lực để nâng cao trình độ, kinh nghiệm công tác, góp phần vào sự ổn định, phát triển KT – XH của địa phương và đất nước.

Bài, ảnh: Huy Toán

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202409/nhung-nguoi-canh-lu-dau-nguon-64b3b28/