Những người cha giàu đức hy sinh
Người ta thường nói, người phụ nữ trong gia đình là người hy sinh cho chồng con nhiều nhất. Nhưng trong cuộc sống cũng không ít những người cha giàu đức hy sinh đã làm nên những câu chuyện cảm động rơi nước mắt về tình cha con.
Một phần của cha đang sống trong con
Đứng trước những lựa chọn “sinh tử” cho số phận của con, nhiều người cha không quản ngại hy sinh bản thân mình để cứu con, mong con được sống. Đối với những người cha ấy, sự hy sinh không hề là điều gì đó lớn lao, vĩ đại. Đó là một chuyện đương nhiên, là bản năng của bậc sinh thành.
Người ta đã chứng kiến bao câu chuyện đầy cảm động về những người cha hy sinh thân mình để cứu con, như một người cha ở Malaysia, chịu chết ngạt để cố cứu con mình ra khỏi đám cháy. Một người cha tại Mỹ vật lộn với sóng dữ đến hơi thở cuối cùng để trao con mình cho những người cứu hộ rồi qua đời.
Tại Việt Nam, cũng không hiếm những câu chuyện về người cha vĩ đại như thế. Năm 2019, câu chuyện về người cha ở Củ Chi liều mạng sống đối đầu với 4 tên cướp có súng đang bắt con mình khiến dư luận phải xôn xao.
Một buổi tối, nhà ông Hà Văn Ngà ở Củ Chi bị bọn cướp dùng xà beng cậy tung, con trai ông Ngà bị 4 tên dùng súng và chích điện gí vào cổ khống chế lôi ra ngoài. Thấy thế, người cha đã bất chấp nguy hiểm, cầm vòi cứu hỏa lao đến xịt vào người bọn cướp khiến một tên bỏ chạy. Những tên còn lại dùng súng chĩa vào ông Ngà trong khi vẫn khống chế con ông.
Ông đã lao vào nhà lấy khẩu súng hơi xông vào quyết chiến với bọn cướp để cứu con. Tên cầm đầu bắn vào ông nhưng may mắn trượt. Trước sự quyết liệt của người cha, bọn cướp đã tìm đường tẩu thoát. Khi kể về sự việc, ông Ngà đã nói: “Con mình đang bị hành hạ, tôi quyết sống còn với chúng chứ không sợ gì nữa” (!).
Có những người cha khác mà sự dũng cảm thể hiện bằng lựa chọn hy sinh một phần cơ thể để cứu con mình. Như trường hợp của hai cha con bé Dương Thị Phương Mai, 15 tuổi (ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Bé Mai bị rối loạn chuyển hóa đồng, suy gan cấp trên nền bệnh mạn tính, xơ gan, hôn mê gan và rối loạn đông máu nặng. Chỉ duy nhất ghép gan mới cứu được em.
Ban đầu, cả bố và mẹ đều giành nhau hiến tạng cho con, nhưng cuối cùng, anh Dương Văn Tiến, bố bé Mai đã giành lấy việc hiến tạng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe vợ. Ca mổ của bé Mai là một ca cực khó, các bác sĩ đã phẫu thuật cấy ghép suốt 10 tiếng đồng hồ, giành giật với tử thần để đem về sự sống cho em.
Và khi em tỉnh dậy, người cha của em cũng không bao giờ còn nguyên vẹn như xưa, anh dùng 60% lá gan của mình để giữ lại mạng sống mong manh cho con, dù chỉ đánh đổi lấy 5% “có thể sống”.
Có lẽ, cho đến nay, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức vẫn nhớ như in ca bệnh của bé Lý Chương Bình (SN 2010, Quản Bạ, Hà Giang), ca ghép phổi trên người sống đầu tiên thành công tại Việt Nam. Bình được chẩn đoán bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai bên phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ 3. Nếu không ghép phổi, có lẽ cậu bé khó lòng mà qua khỏi.
Khi gia đình bàn bạc để lấy phổi ghép cho cháu, cha bé Bình nhanh chóng quyết định bản thân mình là sẽ hiến phổi cho con. Cảm động hơn, anh và em trai của người cha, tức chú và bác ruột bé Bình cũng đăng kí hiến phổi cho cháu.
Với những người cha ấy, hy sinh một phần thân thể cho con là điều rất đương nhiên. Như anh Lý Văn Hiếu, người cha tại TP.HCM hiến một bên thận cứu con trai bị tai nạn giao thông. Sau khi hiến thận, anh không bao giờ còn khỏe mạnh như trước. Trước khi kí vào giấy đồng ý hiến tạng, đồng ý phẫu thuật cho con trai đang thập tử nhất sinh, anh đã được khuyến cáo cuộc phẫu thuật này “mười phần chết một phần sống”.
Nếu thất bại, anh có thể sẽ mất cả con trai lẫn quả thận. Nhưng người cha ấy đã quả quyết “chỉ còn 1% thì tôi vẫn phải cứu con. Thà tôi đánh mất một phần thân thể, còn hơn là không làm gì, ở đó trơ mắt chờ con chết. Tính mạng mình tôi con có thể hy sinh cho con, chứ sá chi một quả thận”.
Gà trống nuôi con thành tài
Với những gia đình trọn vẹn, để nuôi dạy con khôn lớn, ăn học thành tài đã là một chuyện không dễ dàng gì. Huống hồ, đó lại là những gia đình “một nửa”, mà là cái nửa đầy gian nan, của người cha “gà trống nuôi con”.
Anh Hoàng Văn Tâm, ngụ đường Âu Cơ, quận Tân Phú, TP.HCM là một người cha như thế. Vợ mất từ khi con trai lên 5, con gái 8 tuổi sau một cơn bạo bệnh, anh không đi bước nữa, ở vậy nuôi con. Cái nghề sửa xe gắn máy lề đường thu nhập thì không cao, nhưng vì anh đánh đổi sức khỏe, làm quần quật từ sáng tinh mơ cho đến nửa đêm chứ không thong thả như bạn đồng nghiệp, mới đủ trang trải chi phí thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt đắt đỏ cho ba cha con chốn đô thị.
Mà quan trọng nhất là tiền cho con đi học. Anh bảo, dù khó khăn đến đâu cũng phải nuôi hai đưa ăn học đàng hoàng, không thể đi sửa xe, đi bán xôi như cha mẹ nó. Con trai giỏi vẽ, anh bấm bụng cho con đi học vẽ ở trung tâm. Con gái có năng khiếu tiếng Anh, anh cũng ráng cày thêm cật lực có tiền cho con đi học thêm. Anh làm đến nỗi bị lao lực.
Nhiều người hỏi anh có hối hận không khi ngày đó không đi bước nữa cho có người chia sẻ gánh nặng với mình, có người hủ hỉ về già. Anh nói chắc nịch không có gì phải hối tiếc. Anh sợ hai đứa con lâm cảnh mẹ kế con chồng. Với lại, anh cắm mặt làm ngày làm đêm, có thời gian đâu mà tìm hiểu, cưới hỏi ai.
Và nỗ lực của anh đã được đền đáp xứng đáng khi cả hai con anh đều chăm chỉ, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Giờ, đứa lớn đã làm thông dịch viên cho một công ty nước ngoài. Đứa nhỏ thì đang học tại Đại học Xây dựng, vừa học vừa làm thêm đủ tiền trang trải học phí. Con gái còn dành tiền mua cho cha cả máy mát xa để anh đỡ những cơn đau nhức do tháng ngày vất vả…
Nhiều người còn nhớ câu chuyện về cụ ông chạy xe máy bán cà phê dạo ở Sài Gòn, một ngày treo biển nghỉ bán để “đi Mỹ thăm hai con gái đang là bác sĩ, giáo sư”. Dòng chữ trên thùng xe khiến nhiều người ngỡ ngàng, tưởng như đó chỉ là câu chuyện đùa “câu view”, nhiều người khác thì chê ông cụ khoe khoang. Hóa ra, đằng sau đó là cả một câu chuyện đáng trân trọng.
Ông cụ tên Long, gia đình đã từng khá sung túc. Nhưng biến cố ập đến, vợ mất, gia sản tiêu tán, ông phải một tay làm lụng vất vả, bán cà phê dạo nuôi con ăn học. Ông chấp nhận bán cả căn nhà để cho con được sang Mỹ du học. Hai đứa con gái, đúng như ông cụ đã viết đầy tự hào, không phụ lòng cha, giờ đây người là bác sĩ, người đang là trợ giảng cho giáo sư đại học tại Mỹ.
Xin được visa đi thăm con, ông già bán cà phê dạo vui quá, nên thông báo nghỉ, khoe với mọi người, muốn sẻ chia “thành tựu” của con mình, cũng chính là thành tựu của sự hy sinh, vất vả nửa đời của ông.
Người ta nói nhiều đến tình yêu thương và sự hy sinh của người mẹ. Nhưng tấm lòng người cha dành cho con cái cũng bao la như trời biển. Người cha mạnh mẽ, che mưa chắn gió cho gia đình không một lời than. Người cha làm điểm tựa tinh thần cho cả nhà. Người cha cho các con một mái ấm vững vàng và sự phát triển toàn vẹn của tâm hồn. Người cha, cũng như người mẹ, sẵn sàng hy sinh niềm vui, sở thích, ước mơ, hy sinh miếng ăn giấc ngủ lẫn thân thể, tính mạng của mình cho con.
Người ta dễ dàng thấu hiểu, cảm thông và ghi tạc công ơn của người mẹ. Người ta đôi khi quên mất con người lớn lao vĩ đại, như bóng cây che mát cuộc đời mình. Chỉ có ai không còn cha nữa mới thấm thía hết những gì cha đã hy sinh cho con.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/nhung-nguoi-cha-giau-duc-hy-sinh-523469.html