Những người cha làm lao công nuôi hy vọng tìm kiếm phép màu cho con
Để có điều kiện ở lại bệnh viện tiếp sức cho con gái, anh Kpa' Win (30 tuổi) xin bác sĩ giới thiệu công việc nhân viên vệ sinh. Mỗi ngày sau giờ làm anh lại vào thăm con.
Câu chuyện về người đàn ông dân tộc Gia Rai (ngụ tại Gia Lai) đang làm nhân viên vệ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 khá nổi tiếng ở tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo (thuộc phòng công tác xã hội). Anh Kpa’ Win có con gái đang điều trị tại Khoa Hồi sức sơ sinh. Trước đó, việc bé Kpuih Nhi có thể sống sót dù sinh non ở tuần 25, nặng vỏn vẹn 580g đã là một kỳ tích.
Tháng 7 năm ngoái, sau 2 tháng chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, bé Kpuih Nhi được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2 để thăm khám chuyên sâu và điều trị viêm phổi. Mới đây, con tiếp tục phải mổ do hẹp khí quản.
Người cha chỉ được học đến lớp 3, vẫn còn lóng ngóng trong quá trình trò chuyện bằng tiếng Việt. Anh không biết con gái còn phải nằm viện bao lâu. Từ ngày hai cha con anh vào thành phố, chị Kpuih Vel chưa được gặp lại con. Nỗi nhớ thương lẫn buồn lo khiến chị suy sụp, nhưng anh Kpa’ Win cũng chẳng dám về quê. Anh không nỡ để lại con một mình chống chọi giành giật sự sống, chỉ đành an ủi vợ thông qua những cuộc gọi.
“Tháng 12 vừa qua, tôi trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình với bác sĩ ở Khoa Hồi sức Sơ sinh, sau đó được giới thiệu cho công việc làm lao công trong bệnh viện. Mới đầu tuy vất vả, nhưng làm lâu dần rồi sẽ quen”, anh bày tỏ.
Mỗi ngày, anh bắt đầu công việc từ 4-5 giờ sáng, kết thúc khoảng 3 giờ - 3 giờ 30 chiều. Tháng đầu tiên anh làm 12 ngày, được trả hơn 2 triệu đồng, còn chưa đủ để mua tã, sữa cho con. Anh đang trông chờ tiền lương tháng 1. Nếu làm đủ ngày công sẽ nhận được 6 triệu đồng, anh dự định gửi về cho vợ con ở nhà khoảng 1-2 triệu đồng, còn lại để trang trải cho con gái.
Ở quê, cha mẹ hai bên đều khó khăn, cha anh còn bị tâm thần, chẳng thể khiến họ phiền lòng thêm nên anh đành cố gắng làm lụng chăm chỉ. Thời điểm hạnh phúc nhất của anh là mỗi ngày sau khi hoàn thành công việc, anh được vào thăm con gái, dẫu chỉ trong chốc lát. Anh mong sao phép màu sẽ lần nữa đến với con gái, để con sớm khỏe mạnh, về nhà.
Cũng làm công nhân môi trường tại bệnh viện, anh Tâm (SN 1978, ngụ tại Hậu Giang) lại quen thuộc ở bệnh viện gần 10 năm, gắn bó với Khoa Ung bướu – Huyết học. Anh Tâm vào làm từ khi con gái còn chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau khi cô bé đã chuyển về bệnh viện người lớn, chi phí càng tốn kém hơn, vì vậy anh vẫn tiếp tục công việc để kiếm tiền cho con chạy thận.
Anh Tâm trải lòng, ở quê chỉ làm nghề nông, đến lúc con gái mắc bệnh hiểm nghèo, chút thu nhập ít ỏi ấy chẳng thể nào đủ chi trả.
“Mới đầu vợ tôi xin vào làm, tôi ở quê lo cho 2 đứa nhỏ. Sau này thấy khó khăn quá nên 3 cha con cũng lên theo. Cuộc sống khó khăn nhưng được gần gũi, động viên nhau cố gắng”, anh tâm sự.
Mỗi ngày, anh làm từ 6 giờ sáng đến tận 10 giờ đêm. Ban đầu cũng có người thắc mắc sao anh phải “bán mạng” đến thế, nhưng về sau biết được hoàn cảnh của gia đình anh, chẳng ai còn hỏi điều ấy. Sau 18 năm chạy thận nhân tạo, đến nay bệnh tình của con gái anh đã bị biến chứng sang suy tim, tràn dịch màng phổi, đi lại khó khăn.
Có những ngày cơ thể đau nhức, anh cũng làm lơ như không có gì để tiếp tục công việc. Mỏi mệt quá cũng chỉ ngồi nhắm mắt nghỉ vài phút. “Tôi sợ đi khám ra bệnh thì càng thêm lo, nên thôi, cố gắng đi làm để lo cho mấy đứa nhỏ”, anh bày tỏ.
Điều anh mong mỏi nhất lúc này là làm sao để con gái anh có chi phí để chạy thận lâu dài, còn con trai út được học hành đến nơi đến chốn.