Những người chèo đò trên bến Tràng An

Không chỉ là công việc để có thu nhập, nuôi sống nhiều gia đình, nghề chèo đò ở bến thuyền Tràng An còn là sứ giả, là kênh chuyển tải những câu chuyện di sản một cách mộc mạc, hồn hậu nhất đến với du khách thập phương.

Người chèo đò chờ khách trên bến Tràng An. Ảnh: Minh Quang

Người chèo đò chờ khách trên bến Tràng An. Ảnh: Minh Quang

Mùa xuân, thời tiết ấm áp, thiên nhiên tươi đẹp càng tăng thêm sức hút của Quần thể danh thắng Tràng An đối với du khách thập phương. Dưới bến thuyền Tràng An, người chèo đò và những con thuyền nhỏ cũng tất bật thực hiện "sứ mệnh" đưa du khách chu du vùng di sản. Cùng với niềm vui có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống từ công việc chèo đò, ai cũng mong muốn mang lại cho du khách một trải nghiệm thật đáng nhớ khi đặt chân tới mảnh đất Cố đô lịch sử.

Tới bến thuyền Tràng An khi đã có rất đông du khách, chị Hoa Cúc và nhóm bạn đến từ tỉnh Hải Dương phải chờ khá lâu mới tới lượt xuống thuyền, bắt đầu hành trình thưởng lãm vẻ đẹp vùng di sản. Người chèo đò cho nhóm của chị là cô Đỗ Thị Dung, gần 60 tuổi cho biết, cô là một trong những người chèo đò đầu tiên của bến thuyền Tràng An. Tay chèo của cô thoăn thoắt, nhanh nhẹn, chiếc thuyền nhỏ lướt trên mặt nước đưa du khách bắt đầu cuộc hành trình dài hàng giờ đồng hồ, lần lượt qua các địa điểm: Đền Trình, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu, đền Trần, hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt, hang Sơn Dương, phủ Khống, hang Khống, hang Trần và hang Quy Hậu. Đến với mỗi hang, du khách được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên ban tặng và đắm chìm trong những huyền tích của vùng đất lịch sử này. Thuyền đi trong hang, thỉnh thoảng du khách được cô Dung nhắc: "Phía trước có nhũ đá, các chị cúi đầu xuống một chút nhé", "phía trước là khúc cua, các chị nghiêng sang bên phải/trái một chút"…

Chị Cúc chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được tới tham quan Quần thể danh thắng Tràng An. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Ban đầu, những nhũ đá nhọn, những vách đá nghiêng ngả trong hang tối khiến tôi có chút căng thẳng. Vào những khúc cua lắt léo, cô Dung vừa trấn an du khách, vừa khéo léo điều khiển con thuyền nhỏ đi theo ý của mình và không quên nhắc chúng tôi không được chạm vào nhũ đá. Chuyến tham quan của chúng tôi càng thêm hấp dẫn bởi những câu chuyện đời, chuyện nghề, chuyện về lịch sử của vùng đất Tràng An non nước hữu tình. Từ sự tích hang Ba Giọt đến những câu chuyện lịch sử về phủ Khống, đền Trình… được kể một cách dung dị, hồn hậu bởi những người lái đò như cô Dung. Những người chèo đò không kém gì một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Họ đã làm cho hành trình của chúng tôi thêm vui vẻ, ấm áp bởi sự chân tình, cởi mở và mến khách. Chắc chắn tôi sẽ trở lại đây nhiều lần nữa.

Du khách trải nghiệm non nước Tràng An. Ảnh: Minh Đường

Bến thuyền Tràng An hiện có trên 2.000 người làm nghề chèo đò chở khách du lịch, có độ tuổi từ 40-60, trong đó hầu hết là phụ nữ. Trước đây, người làm nghề chèo đò chủ yếu từ 50 tuổi trở lên do người trẻ đi làm ở các doanh nghiệp có công việc ổn định hơn. Những năm gần đây, lực lượng này đã trẻ hóa, vì thu nhập từ nghề được cải thiện hơn nhiều, tình yêu với miền di sản vì thế mà càng thêm gắn bó. Hành trang cho một ngày làm việc của người chèo đò rất đơn giản, chỉ bao gồm áo phao, ô, áo mưa, nước uống và một hộp cơm chuẩn bị sẵn. Chèo đò là công việc tưởng chừng rất dễ, nhưng để được nhận vào làm ở đây, người làm phải trải qua khóa đào tạo ngắn hạn, khi vượt qua các bài thi sát hạch mới được cấp chứng chỉ. Vào làm rồi, mỗi người vẫn không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm để làm việc khéo léo, chuyên nghiệp hơn.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ làm dịch vụ du lịch, những năm qua, huyện Hoa Lư, các doanh nghiệp tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với phát triển du lịch, tập trung ở các nghề như: Hướng dẫn viên du lịch, chụp ảnh, chèo thuyền…, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của huyện tại các xã Ninh Hải, Trường Yên, Ninh Xuân. Hàng năm, những người chèo đò còn được tham gia vào cuộc thi chèo thuyền khéo tại Lễ hội Hoa Lư. Sở Du lịch cũng thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn, thuyết trình về kỹ năng giao tiếp với khách du lịch cho người chèo đò. Thông qua các lớp tập huấn góp phần nâng cao kỹ năng ứng xử, sự hiểu biết của lái đò; xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động du lịch…, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Đặc biệt, mỗi người chèo đò cũng tích cực tham gia và để lại nhiều ấn tượng tốt tại các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, qua đó, lan tỏa văn hóa cộng đồng-yếu tố cốt lõi trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Tràng An. Cô Trần Thị Khuyến, người chèo đò lâu năm ở bến Tràng An phấn khởi cho biết: Năm ngoái, tôi và hơn 300 người lái đò đã được lựa chọn tham gia tập luyện biểu diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II năm 2023. Mặc dù trong những ngày tập luyện, biểu diễn, việc chèo đò phải tạm gác lại, nhưng khi được lựa chọn để tập luyện văn nghệ chuẩn bị cho đêm khai mạc Festival, ai cũng hào hứng, phấn khởi, sẵn sàng bố trí, sắp xếp thời gian tham gia. Được đứng trên nền sân khấu thực cảnh, tham gia kể câu chuyện về cuộc sống lao động, sinh hoạt, về tình yêu, trách nhiệm với di sản… là một trải nghiệm ý nghĩa, khó quên đối với tôi.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-nguoi-cheo-do-tren-ben-trang-an/d20240417085535548.htm