Những người 'chèo đò' trên rẻo cao
Trong số những thầy, cô giáo ở miền rẻo cao Nam Trà My (Quảng Nam), có nhiều người từ dưới xuôi lên. Họ tình nguyện lên các thôn, nóc dưới chân núi Ngọc Linh quanh năm mây mù che phủ để dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số miền rẻo cao, từ lúc còn thanh xuân, hừng hực bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Và nhiều người, khi đến gần tuổi hưu, lòng nhiệt huyết vẫn cháy mãi trên từng trang giáo án. Họ vẫn luôn gắn bó với đồng bào miền ngược như người thân trong gia đình mình, lặng thầm “gieo chữ” cho con, em nơi này…
Cô giáo Nguyễn Thị Hoạt, công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập đã có gần 30 năm gắn bó với miền rẻo cao Nam Trà My. Nhớ lại chặng đường đã qua, cô Hoạt kể rằng, ngày đó cô tốt nghiệp ra trường tuổi mới đôi mươi. Khi được biết nhiều trường học ở Nam Trà My đang thiếu giáo viên, cô liền tự nguyện xin lên xã Trà Tập để dạy chữ cho con em đồng bào nơi đây.
Ngày đó, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Phải vượt dốc cao, suối sâu, men theo những con đường mòn xuyên qua rừng rậm thâm u. Chỉ từ thị trấn Trà My lên tới điểm dạy, phải đi mất 3 ngày đường. Hầu như phương tiện chính chỉ là… đôi chân. Đó là chưa kể chuyện những điểm trường ở bên kia sông Tranh phải đi đò qua sông, trong mùa mưa lũ nước chảy khá xiết, rất nguy hiểm. Dù rất sợ, nhưng với nhiệt huyết và niềm đam mê, cô cũng như nhiều thầy, cô giáo khác ở miền xuôi đã vượt qua nỗi lo sợ để đến với các em học sinh.
“Lúc đó, chưa có cầu treo nối Tắc Pỏ qua Trà Tập, muốn qua những điểm trường này, tôi và các đồng nghiệp đều phải vượt sông Tranh để đến trường. Nếu có đò sang sông thì đỡ vất vả phần nào, nhưng những ngày không có đò, thì phải dùng thân chuối kết thành bè chèo qua sông. Những lúc không có bè, thì phải dùng bao nilon bỏ hết quần áo, đồ dùng dạy học bơi qua sông”, giọng cô Hoạt chùng xuống.
Cô kể tiếp, cũng trong chặng đường đến trường vất vả ấy cô đã mất đi đứa con chưa kịp chào đời của mình. Nhắc lại chuyện cũ, mắt cô Hoạt ngấn đỏ... Lát sau, cô Hoạt trầm ngâm bảo: “Bây giờ thay đổi nhiều quá, 11 điểm trường thôn đã ổn định, các trường có điện năng lượng mặt trời, đêm đến không tối om như ngày xưa. Tất cả đã dần thay đổi, thanh xuân ở đó mà giờ mình đã già thật rồi”.
Trải qua bao gian nan, vất vả, dù đôi lần có ý định bỏ cuộc, nhưng rồi vì tình yêu con trẻ, vì tấm lòng của đồng bào miền rẻo cao mà cô Hoạt và các đồng nghiệp đã ở lại, gắn bó với đất rừng này suốt một thời thanh xuân, đến tận bây giờ đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, họ vẫn gắn bó với nghề, vẫn muốn cống hiến.
“Người dân ở vùng núi họ rất quý giáo viên. Đầu năm học khi nghe giáo viên chuẩn bị vào nóc là họ xuống đến nơi dẫn lên đến nơi. Thậm chí còn sắm cả nồi nấu ăn cho giáo viên, thương lắm. Hơn nữa là các em học sinh rất thân, có hôm đi học cha mẹ bảo mang bó rau má, khúc mía tặng cho thầy, cô…”, cô Hoạt cười nhắc lại từng kỷ niệm…
Có cùng tâm sự như cô Hoạt, thầy giáo Lê Huy Phương cũng kể rằng, thầy đã có hơn 20 năm làm công tác giáo dục tại huyện Nam Trà My. Những ngày đầu mới xung phong lên giảng dạy, thầy Phương được phân công giảng dạy tại các điểm trường ở xã Trà Vân. Những ngôi trường xa xôi với nhiều cái… không, trong đó khó khăn nhất là đường sá, không có điện thắp sáng…
Thế nhưng, chừng ấy năm gắn bó, thầy vẫn không ngại khó, ngại khổ truyền con chữ cho các em học sinh. Năm 2015, thầy Phương được phân công về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. Nhận thấy nơi đây còn rất nhiều thiếu thốn, đặc biệt hầu hết các điểm trường đều đã xuống cấp, chỉ có một điểm trường duy nhất nằm vào diện “tạm bợ”, thầy đã đi khắp nơi vận động, kêu gọi, tranh thủ các nguồn giúp cho học sinh nơi đây có nơi học ổn định, khang trang hơn. Giờ đây, sau hơn 2 năm thực hiện, hầu hết các điểm trường Trà Tập đã được kiên cố hóa. Thầy Phương còn tổ chức thực hiện cải thiện bữa ăn cho các em học sinh.
“Các em học sinh ở trường đã được nhà nước hỗ trợ tiền bán trú, nhưng để các em có thêm rau, thịt có thêm dinh dưỡng, trong 2 năm nay nhà trường tổ chức tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi lợn. Tranh thủ những giờ giải lao và ngoài giờ học, các giáo viên cùng những em học sinh sẽ cùng nhau chăm sóc”.
Thầy Phương thẳng thắn bày tỏ: “Quan điểm của tôi là nếu muốn nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh miền núi, nhất là các miền rẻo cao như Nam Trà My, trước hết phải quan tâm đến giáo viên, xóa hết các điểm trường tạm, cho cả giáo viên và học sinh có chỗ ở, chỗ học ổn định, an toàn. Thú thật, bây giờ nếu có cho về miền xuôi dạy học tôi cũng không về, bởi đã quá quen với cuộc sống, con người và học sinh nơi đây. Ở nơi đây có biết bao kỷ niệm trong khoảng thời gian làm thầy mà tôi không thể nào quên”…
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/nhung-nguoi-cheo-do-tren-reo-cao-571121/