Những người chồng Nhật đảm việc nhà
Nhật Bản là một đất nước đã từng 'nặng nề' tư tưởng phụ nữ phải ở nhà chăm con, đàn ông phải đi làm kiếm tiền. Đến nay, rất nhiều người đàn ông Nhật đã lựa chọn trở thành những người chồng ở nhà nội trợ và nuôi dạy con cái nhưng không vì thế họ trở nên phụ thuộc vào vợ hay tự ti, mất đi cảm giác là một người chủ gia đình.
Xu hướng nội trợ của đàn ông Nhật Bản
Hiroyuki Nakajima (40 tuổi), từng là giáo viên thể dục tại một trường trung học cơ sở tại tỉnh Chiba (Nhật Bản), cũng là cố vấn cho câu lạc bộ bóng rổ của trường. Từ khoảng 4 năm trước, khi vợ anh hết thời gian nghỉ thai sản và đi làm trở lại, Nakajima đã từ bỏ công việc để trở thành ông chồng nội trợ, người bố tại gia của 3 đứa trẻ.
Anh là nhân vật xuất hiện trong một bài phỏng vấn gần đây với tờ báo Asahi (Nhật), trong khuôn dự án “Father’s Moyamoya” – mục tiêu của dự án này nhằm đi sâu vào cuộc sống của những người đàn ông nội trợ và cách họ cân bằng giữa công việc và gia đình.
Nakajima chia sẻ: “Khi còn đi làm, tôi hầu như ít khi ở nhà. Có lớp học vào thứ bảy, còn chủ nhật là hoạt động của câu lạc bộ. Có khi bận rộn đến 7 ngày một tuần, hàng xóm thường bảo lâu lâu mới thấy mặt tôi. Nhưng khi mẹ tôi mất cách đây 8 năm, sau đó vài năm bố tôi cũng mắc chứng ung thư, tôi tự hỏi liệu cuộc sống như thế này có hạnh phúc hay không?
Sau khi nói chuyện với vợ, tôi quyết định trở thành người đảm nhiệm chính cho công việc nhà và chăm sóc con cái. Từng chút một, tôi nhận thấy cách bản thân tương tác với những đứa trẻ đã cải thiện nhiều hơn, công việc nhà trở nên dễ dàng và thú vị hơn, những món ăn tôi làm cho gia đình luôn được mọi người khen ngon. Đến nay tôi đã làm một ông bố nội trợ hơn 4 năm trời”.
Ngày nay, cũng như Nakajima, nhiều đàn ông Nhật Bản lựa chọn làm việc nhà, thậm chí nghỉ ở nhà để chăm sóc con cái. Ngày càng nhiều đàn ông Nhật chia sẻ rằng “Tôi muốn đóng vai chính trong việc gia đình và nuôi dạy con cái” hay “Tôi thực sự thích giặt giũ, đam mê nấu nướng và các công việc nhà khác”, “Tôi sẵn lòng hỗ trợ vợ làm việc nhà”….
Một cuộc khảo sát năm 2014 của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy 44,6% người dân ủng hộ quan điểm truyền thống là “đàn ông làm việc, phụ nữ ở nhà”, thấp hơn so với con số 60,1% vào năm 1992. Điều đó cho thấy, trong vòng hơn hai thập kỷ, rất nhiều đàn ông Nhật Bản đã thay đổi quan điểm của mình về việc phân bố việc nhà, chăm sóc con cái và gánh vác tài chính gia đình giữa vợ và chồng.
Một cuộc khảo sát khác của đài NHK vào năm 2015 cũng cho thấy, khoảng 20% nam giới được khảo sát trong độ tuổi từ 30 – 50 thoải mái làm các việc nhà như “nấu ăn, dọn dẹp và giặt giũ” vào các ngày trong tuần.
Theo đó, trung bình một người đàn ông trưởng thành dành khoảng 50 phút/ngày để làm việc nhà. Điều đó chứng tỏ, nam giới đang đảm nhiệm công việc nhà nhiều hơn trong các gia đình, mặc dù so với phụ nữ họ vẫn làm ít hơn.
Cụ thể, một phụ nữ Nhật trưởng thành dành khoảng 4 giờ 18 phút/ngày để hoàn thành các công việc nhà. Như vậy, mặc dù về mặt phân chia khối lượng công việc nhà, lượng thời gian nam và nữ phải bỏ ra vẫn chênh lệch khá lớn, tuy nhiên khoảng cách này cũng đang dần được thu hẹp.
Phá bỏ định kiến về giới
Tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, có một hội nhóm tên là “Himitsu Kessha Shufu no Tomo” (tạm dịch: Hội kín của những ông chồng nội trợ), được thành lập vào năm 2015 bởi hơn 20 ông chồng nội trợ thông qua nền tảng Facebook.
Hội này đã tổ chức một loạt các sự kiện thảo luận, lễ tôn vinh cho những ông chồng đảm việc nhà, giỏi chăm con, với hy vọng sẽ góp phần “phá bỏ” định kiến về giới trong gia đình Nhật Bản hiện đại.
Nhìn chung, các hội viên đồng tình rằng, nam giới cũng đóng vai trò quan trọng không kém gì nữ giới trong việc nội trợ và chăm con cái, trong thời đại mà cả nam và nữ đều có khả năng làm việc và tạo ra kinh tế.
Trả lời tờ Japan Times, Taizo Horikomi, 39 tuổi, trưởng hội và là người cha của hai đứa trẻ, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là khiến các cặp vợ chồng hiện đại nhận ra họ có nhiều sự lựa chọn hơn họ nghĩ. Tôi tin rằng việc nam giới chủ động tham gia nuôi dạy con và làm việc nhà là một quan điểm tiến bộ. Đây cũng là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu bình đẳng giới của chính phủ, trong đó có mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ tại các nơi làm việc”.
Trong trường hợp của Horikomi, anh đã tốt nghiệp tại Đại học Tokyo danh tiếng, từng làm kỹ sư tại một hãng ô tô lớn ở Nhật Bản. Khi đứa con đầu lòng của anh ấy chào đời cách đây 9 năm, anh đã xin nghỉ phép 2 năm để được ở nhà chăm con. Sau đó, anh quyết định nghỉ hẳn công việc đó, làm ở nhà toàn thời gian với tư cách là một dịch giả tự do để chăm sóc hai đứa trẻ đều chưa tới 10 tuổi. Trong khi đó, vợ anh là người đi làm và kiếm tiền chính.
Trong gia đình của Horikomi, anh là người chuẩn bị bữa trưa cho bọn trẻ, đưa chúng đến bệnh viện khi chúng ốm và tham gia hội phụ huynh của các con. Dù vậy, theo anh sự hiện diện của người cha nội trợ vẫn chưa thực sự được chú ý trong khi định kiến chung của xã hội về chăm sóc con cái vẫn là nghĩa vụ và trách nhiệm của người vợ.
Anh chia sẻ: “Khi con trai tôi được 4 tháng tuổi, tôi đưa cháu đi kiểm tra sức khỏe. Điều đầu tiên bác sĩ hỏi tôi là mẹ nó đâu. Hay khi cậu bé nhà tôi học ở trường mẫu giáo, cô giáo từng gửi một bức thư về cho phụ huynh ghi rằng, cậu bé đã rất thích bữa trưa do mẹ chúng chuẩn bị. Trong khi tôi là người đã nấu những bữa ăn đó”.
Horikomi cho biết anh thường được hỏi liệu anh có hối hận khi từ bỏ một sự nghiệp đầy hứa hẹn hay không, trong khi nhiều đồng nghiệp của anh có thể đã nắm giữ các vị trí quản lý. Horikomi cười: “Chà, tôi ghen tị với họ vì có nhiều tiền nhưng đó là chuyện của họ. Thật là khó để kiếm được tiền khi làm nghề tự do nhưng niềm hạnh phúc xây dựng gia đình của tôi đã vượt quá điều đó”. Horikomi tin rằng cả hai giới đều nên chăm sóc con cái hoặc làm việc nhà, và đó là một công việc đáng tự hào.
Hạnh phúc của phụ nữ không chỉ là… góc bếp
Nếu như trước đây, những người phụ nữ chính trong ngôi nhà, hay người vợ nội trợ được người Nhật gọi chung là “shufu” thì nay thuật ngữ này đã mở rộng sang cả nam giới. Thậm chí gần đây còn có một thuật ngữ mới, phổ biến khác là “ikumen”, nhằm chỉ riêng những người đàn ông nội trợ và ở nhà chăm con.
Vào khoảng những năm 2000, ngôi nhà, góc bếp của những bà nội trợ được gọi là “shufu no za” (tạm dịch: ngai vàng của các bà nội trợ) – một nơi được coi là “tấm hộ chiếu” đến với tình yêu, sự an toàn và sự tôn trọng trong xã hội. Đó cũng là ước mơ của hàng triệu cô nữ sinh trung học ở Nhật. Những người vợ nội trợ có kỹ năng nấu nướng và làm việc nhà ấn tượng còn có thể được xã hội vinh danh với những tên gọi rất “ngầu”, ví như “ryori no tetsujin” (đầu bếp sắt).
Bởi lẽ, từ thời thơ ấu, phụ nữ Nhật đã được dạy rằng: “Nếu một cô gái không có nghệ thuật giữ gìn gia đình, cô ấy sẽ không thể lấy chồng”, “Người phụ nữ giỏi dọn dẹp nhà sẽ có phúc có con gái đẹp”…. Phụ nữ Nhật Bản buộc phải tin rằng gần như không thể làm người vợ, người mẹ và một người phụ nữ thành công trong sự nghiệp. Nhưng đàn ông Nhật Bản không phải học những điều này.
Ngày nay, phụ nữ Nhật Bản đang đặt câu hỏi ngược lại về xu hướng nêu trên: Tại sao các cô gái phải làm như vậy? Trong khi ở các đất nước khác trên thế giới, phụ nữ vừa có việc làm, vừa duy trì sự bền vững của các gia đình. Do đó, rất nhiều phụ nữ Nhật Bản hiện đại đã không còn cảm thấy tự hào khi bị gọi là “sengyo shufu”, tức là “phụ nữ không có thu nhập độc lập mà phải ở nhà làm nội trợ”. Ngược lại, có nhiều người còn cảm thấy bị xúc phạm.
Mặc dù giỏi nội trợ là một đức tính tốt giúp phụ nữ trưởng thành và thích nghi tốt hơn nhưng không phải là giá trị duy nhất của người phụ nữ. Hay nói cách khác, một cô gái Nhật Bản có thể có bằng thạc sĩ về khoa học hạt nhân hoặc thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhưng xã hội lại nói rằng cô ấy chỉ hạnh phúc và thành công khi trở thành một người vợ, người bạn, người mẹ tốt.
Thật đáng mừng, ngày nay, xã hội Nhật Bản đang dần phá bỏ những khuôn mẫu về giới như vậy với phụ nữ. Như tiểu thuyết gia Koji Suzuki – tác giả cuốn tiểu thuyết kinh dị nổi tiếng “The Ring” (Vòng tròn ác nghiệt) từng chia sẻ trong một phỏng vấn: “Thực ra đàn ông phù hợp hơn cho công việc nội trợ”.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-nguoi-chong-nhat-dam-viec-nha-post417442.html