Những người chưa thể gượng dậy sau bão
Trong đợt mưa, bão vừa qua, nhiều hộ dân nằm sát bờ biển ở xã Bình Hải (Bình Sơn) đã bị cơn cuồng phong đánh sập nhà cửa; một số hộ bị sóng lớn ngoạm sâu vào trong móng nhà, đành rời tổ ấm đi nương nhờ chỗ ở. Họ trở thành những người 'không nhà', chưa thể gượng dậy sau bão...
Mỗi nhà ở nhờ một bữa
Chúng tôi trở lại thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn) sau hơn mười ngày bão số 9 quét qua làng chài nhỏ này. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, bộ đội, công an, cùng với người dân đã cơ bản khắc phục, lợp lại nhà bị bão làm tốc mái. Song, có những trường hợp "không còn gì" để khắc phục.
Bà Nguyễn Thị Năm, ở thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn) ngồi thẩn thờ trên nền nhà đã bị sóng biển đánh sập trong bão số 9.
Sống ở sát bờ biển, bà Nguyễn Thị Năm, ở thôn An Cường lường trước được sự nguy hiểm của bão biển, nên từ nhiều năm nay làm lụng, tích góp được bao nhiêu tiền, bà đều đầu tư vào làm hàng chục mét kè chắn sóng bằng bê tông cốt thép để bảo vệ nơi ở duy nhất của mình. Nhưng rồi cơn bão số 9 quá dữ dội đã cuốn phăng tất cả. Sau bão, bà Năm vội trở về xem nhà cửa còn tài sản gì không, nhưng tất cả chỉ là bãi đất đá nát vụn.
Ngồi thẩn thờ trên nền nhà đã bị sóng biển đánh sập trong bão số 9 vừa qua, bà Năm chẳng biết phải bắt đầu khôi phục lại nhà cửa từ đâu vì móng nhà cũng không còn. Đôi mắt đượm buồn của người phụ nữ ngoài ngũ tuần ấy chỉ biết nhìn xa xăm về hướng biển. Mới có mấy ngày sau bão mà trông bà như già thêm vài tuổi.
Không còn nhà, chẳng còn đất để dựng tạm chỗ ở, mấy ngày qua, bà Năm phải đi trú ngụ ở nhà bà con chòm xóm. Thấy hoàn cảnh của bà, ai cũng ngỏ ý mời đến ở, nhưng bà cũng ngại nên mỗi nhà chỉ ở một bữa. Dường như từ lúc bão tàn phá vùng quê biển này đến giờ, chưa có đêm nào bà Năm được yên giấc. “Mất hết rồi con ơi. Giờ chỉ mong Nhà nước sớm xem xét, tạo điều kiện cấp cho tôi đất để xây dựng một chỗ ở an toàn trong những ngày tháng sắp tới”, bà Năm nói trong nước mắt.
Huyện Bình Sơn là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do bão số 9 gây ra. Trong chuyến thị sát của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và của lãnh đạo tỉnh sau bão, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đỗ Thiết Khiêm đã đề nghị, các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hộ dân bị sập nhà sớm có nhà mới, gầy dựng lại cuộc sống.
Rất cần sự hỗ trợ
Cách nhà bà Năm không xa là ngôi nhà mới xây dựng được một năm của vợ chồng anh Huỳnh Xuân Quang. Căn nhà bề thế được hình thành từ sự chắt chiu sau nhiều năm làm lụng vất vả cùng với vay mượn thêm. Ông bà xưa có câu “an cư lạc nghiệp”, song niềm vui an cư chưa được bao lâu, thì nay gia đình anh phải rời tổ ấm của mình đi lánh nạn ở chỗ khác.
Sóng biển đã ngoạm sâu vào nhà của gia đình anh Huỳnh Xuân Quang, ở xã Bình Hải (Bình Sơn).
Nhìn căn nhà còn mới toanh nằm chông chênh bên mép sóng đã bị sóng dữ đánh sập một số công trình phụ, đồng thời ngoạm sâu vào trong nền nhà, ai cũng cảm thấy lo sợ. Anh Quang chia sẻ: Giờ chúng tôi không thể ở trong căn nhà của mình nữa rồi. Không biết những ngày tháng sau này sẽ như thế nào nữa.
Theo người dân địa phương, khi làm nhà họ đã đề phòng, nên đã xây nằm cách xa biển. Tuy nhiên, sau mỗi năm, sóng lại tiến sâu vào đất liền; đặc biệt bão số 9 đã đưa nước biển ăn sâu vài chục mét khiến nhiều gia đình phải “bỏ của chạy lấy người”
Nhà là tổ ấm duy nhất để mỗi người tìm về. Nhưng giờ tổ ấm duy nhất ấy đã không còn nữa. Họ rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, nhằm giúp họ gầy dựng lại chỗ ở mới, an tâm hơn trong những cơn bão sắp đến. Hàng chục hộ dân ở xã Bình Hải cũng mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng bờ kè chắn sóng để không còn tình trạng mất đất, mất nhà, giúp người dân ở ven biển an tâm sống trong những ngôi nhà của mình.