Những người con Lâm Đồng trên đảo Sơn Ca
Những người lính đảo đang ngày đêm vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương ở Trường Sa đến từ mọi vùng miền của Tổ quốc. Trong đó, ở đảo Sơn Ca (phía Bắc quần đảo Trường Sa) đang có những người con đến từ Nam Tây Nguyên Lâm Đồng.
Chung một ý chí
Trong chuyến công tác dài ngày đến thăm các đảo, điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa vào dịp cuối năm 2019, tôi có cơ duyên được gặp những người con Lâm Đồng đang công tác, làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Cả 3 người họ đang cùng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương mang cái tên thơ mộng: Sơn Ca. Cũng giống như những đồng chí, đồng đội đến từ khắp dải đất hình chữ S, những người con Lâm Đồng ở Sơn Ca đang thêm trưởng thành, rắn rỏi, ngày đêm góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp canh biển, giữ đảo.
Đặt chân lên đảo Sơn Ca, khi đang lâng lâng vì say sóng sau chuyến hải trình kéo dài 7 ngày 6 đêm trên con tàu KN 490 cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân ra thăm, chúc tết quân và dân Trường Sa, tôi được gặp Thiếu tá Vũ Mạnh Hải (33 tuổi, quê xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Anh Hải là Chỉ huy trưởng Cụm 1 (đảo Sơn Ca). Đây là năm thứ 4, anh nhận lệnh ra đảo xa làm nhiệm vụ. Trong 4 năm ở Trường Sa, anh Hải có 2 năm công tác tại đảo Sinh Tồn Lớn và 2 năm đón tết ở đảo Sơn Ca. Anh Hải chia sẻ: “Thời sinh viên học tại Trường Lục quân 2, tôi đã mơ ước được một lần ra Trường Sa công tác. Học xong và nhận lệnh ra đảo, dù phải xa gia đình, người thân nhưng tôi cảm thấy rất tự hào. Để rồi sau 4 năm sống, làm nhiệm vụ nơi đảo xa luôn đối mặt với gian nan, thử thách, sóng gió khiến sắt thép cũng phải mòn, nhưng thể chất, ý chí của những người lính đảo chúng tôi vẫn luôn hiên ngang. Tất cả chúng tôi, đều trên dưới một lòng yêu thương, chia sẻ và chung một ý chí sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Còn với Đại úy Cù Văn Thuần (31 tuổi, quê xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà), Trợ lý Quân khí đảo Sơn Ca, thì đây là lần đầu tiên anh được ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Anh Thuần xúc động: “Tôi còn nhớ cách đây 6 tháng, khi mới bước chân lên đảo Sơn Ca, cảm xúc lúc đó thật thiêng liêng khó tả và có đôi chút bỡ ngỡ. Ngay sau đó, tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ vừa ra đảo đã đến thăm những công trình tâm linh như: Chùa Sơn Linh, Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Những địa điểm này dường như là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ cùng thực thi nhiệm vụ ngày đêm bám biển, giữ đảo”.
Cùng với anh Hải và anh Thuần, cuộc đời binh nghiệp của Trung tá Nguyễn Tất Thu (quê Phường 2, TP Bảo Lộc), Chính trị viên Cụm 2 đảo Sơn Ca gần như gắn liền với quần đảo Trường Sa, nơi tuyến đầu Tổ quốc. Anh Thu đã có gần 10 năm ăn cơm, uống nước và hít những làn khí mặn chát ở các đảo, điểm đóng quân như Song Tử Tây, Tiên Nữ và Sơn Ca. Trong đó, đây là lần thứ 6, anh cùng cán bộ, chiến sĩ vui xuân, đón tết cổ quyền ở Sơn Ca. “Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đang sống, làm nhiệm vụ tại các đảo, điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa không có nhiệm vụ nào là nhỏ bé, bình thường cả. Ở đó, tất cả mọi công việc, nhiệm vụ của người lính đảo đều linh thiêng, cao cả vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong mỗi chúng tôi, Trường Sa luôn là một phần máu thịt của Tổ quốc và của chính bản thân mình. Vì thế, chúng tôi luôn chung một ý chí, một niềm tin và luôn sẵn sàng hy sinh bám biển, giữ đảo” - anh Thu tự hào.
Luôn xem đảo là nhà
Sống chung dưới một mái nhà đảo Sơn Ca anh hùng, nhưng đầy thơ mộng và kiêu sa, cũng như bao đồng đội, những người con Lâm Đồng luôn xem “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Đó chính là niềm tin, để các anh vượt qua sức bào mòn của sóng, gió và muối mặn cùng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Nhiệm vụ của Thiếu tá Vũ Mạnh Hải là quản lý và huấn luyện bộ đội. Với vai trò của người chỉ huy, anh luôn có những yêu cầu khắt khe chấp hành nghiêm kỷ luật đối với bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. “Tôi thường nhắc nhở đồng chí, đồng đội để vững tâm làm nhiệm vụ thì phải gác lại tất cả những việc riêng tư của bản thân và gia đình. Phải luôn xem đảo là nhà, để cùng yêu thương, đùm bọc, chia sẻ và giúp đỡ nhau hoàn thành xuất sắc các mặt công tác. Đối với việc tăng gia sản xuất, mình phải hướng cho bộ đội “có ngày trồng cây, chắc chắn sẽ có ngày hái quả”. Nhờ đó, ngoài rau xanh luôn cung cấp đủ hàng ngày, chúng tôi còn nuôi được gà, vịt. Thậm chí, trong khu tăng gia của Cụm 1, anh em còn trồng được cả dưa lê...” - anh Hải bộc bạch.
Đối với Trung tá Nguyễn Tất Thu, với nhiệm vụ thực hiện tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ mà đặc biệt là chiến sĩ mới ra đảo thì vai trò của người chính trị viên như anh hết sức nặng nề. Cùng với việc chấp hành nghiêm kỷ luật, còn phải mềm dẻo và thấu hiểu được tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Theo anh Thu, chiến sĩ trẻ mới ra đảo là những thanh niên mới lớn bước chân vào quân ngũ. Nhiệm vụ ở đảo xa lại vất vả gấp bội phần so với đất liền cả về công việc lẫn khoảng cách địa lý. Đặc biệt, ra đảo phải thực hiện nhiều điều cấm như cấm thuốc lá, rượu bia, cấm sử dụng điện thoại thông minh. Do vậy, lúc mới ra đảo công tác, sự hụt hẫng, nhớ nhà, người thân là khó tránh khỏi. “Khi hiểu được những điều đó, đòi hỏi người chính trị viên như tôi cần phải gần gũi, sâu sát với anh em để nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh… của từng người. Qua đó, mình có những liệu pháp tâm lý để động viên và giáo dục anh em nhận thức về nhiệm vụ người lính đảo nơi tuyến đầu Tổ quốc. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ để cán bộ, chiến sĩ giao lưu xích lại gần nhau. Nhờ vậy, tất cả những người lính đảo ngày càng được tôi luyện bản lĩnh, thấm nhuần truyền thống cha ông dần rắn rỏi và kiên trung nơi đầu sóng, ngọn gió” - anh Thu chân thành chia sẻ.
Theo Đại úy Cù Văn Thuần, mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình cùng phấn đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào các anh cũng vững tin sẵn sàng chiến đấu để canh biển, giữ đảo một bước không lùi.
Tạm biệt Sơn Ca tiếp tục chuyến hải trình, chúng tôi gửi lời chào thân ái và không quên gửi tới các cán bộ, chiến sĩ nói chung và những người con Lâm Đồng niềm mong ước sẽ có một ngày ra Trường Sa thăm các anh. Cùng với những cái bắt tay, vẫy tay chào và cả những cái ôm đầy yêu thương, trìu mến tạm biệt, các anh không quên gửi tới đồng bào ta ở đất liền lời chúc mừng năm mới Canh Tý 2020 sum vầy, hạnh phúc và bình an. Ở nơi đảo xa, các anh luôn vững niềm tin, đồng lòng, chung ý chí vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để các đảo, điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202001/nhung-nguoi-con-lam-dong-tren-dao-son-ca-2983833/