Những người đi vào tâm dịch
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã trở thành nỗi lo của cả cộng đồng khi số ca mắc liên tục tăng cao, đặc biệt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vào những ngày cao điểm của chiến dịch vệ sinh môi trường, những người trực tiếp làm công việc phun thuốc muỗi, dập ổ dịch luôn trong tình trạng quá tải.
Liên tục tăng ca
Một buổi theo chân anh Công Đình Nguyên - Đội trưởng Đội xử lý dịch, khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế (TTYT) quận Đống Đa đi phun thuốc muỗi trong ngày nắng gắt, thời tiết oi nồng, tôi hiểu hơn về công việc của những người phòng dịch quá ư vất vả, gian nan.
Anh chia sẻ: Ngay từ đầu năm, Hà Nội đã rải rác ca mắc SXH nên cán bộ trung tâm đã phải chuẩn bị công tác phòng chống dịch. Từ tháng 4 đến nay, số ca liên tục tăng cao, nhiều ổ dịch xuất hiện trên địa bàn, những người làm công tác phòng dịch luôn phải làm việc hết công suất. Ngay cả thứ Bảy, Chủ nhật cũng không có thời gian nghỉ ngơi.
“Tôi đã công tác trong lĩnh vực xử lý dịch được 5 năm. Thường ngày, nếu không có dịch, chúng tôi chỉ làm giờ hành chính nhưng mấy tháng nay, anh em liên tục phải tăng ca. Dạo gần đây, tôi chưa được ăn một bữa cơm trọn vẹn cùng gia đình. Khi trở về nhà, bố mẹ đã chìm vào giấc ngủ nhưng vì công việc nên phải đành chấp nhận. Chỉ mong sớm hết dịch, người dân đỡ lo, chúng tôi đỡ bận” - anh Nguyên tâm sự.
Trên địa bàn Đống Đa có nhiều bệnh viện, các ca dịch đều được bệnh viện báo xuống TTYT quận. Sau đó, Trung tâm gửi xuống các trạm y tế phường để xác nhận thông tin, địa chỉ, tên tuổi từng trường hợp, qua đó cán bộ giám sát côn trùng của Trung tâm xuống từng hộ dân điều tra, bắt muỗi và diệt bọ gậy quanh nhà người bệnh trong bán kính 100m.
Những ngày triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi cùng các công nhân, anh và mọi người gặp muôn vàn nỗi nhọc nhằn, những tình huống trớ trêu, dở khóc dở cười.
Đề cập đến chuyện nghề, anh Nguyễn Thành Công - cán bộ giám sát côn trùng, Khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT quận Đống Đa) kể: “Trước khi xuống phun muỗi tại các tổ dân phố, chúng tôi đều thông báo đến các hộ dân. Nhưng, có hộ yêu cầu phải phun từ 6 giờ sáng để họ còn đi làm hoặc có hộ dân khó tính, nhất quyết không cho phun. Chưa hết, có gia đình chỉ đạo công nhân phải phun theo ý họ, chỉ được phun chỗ này, không được phun chỗ kia”.
Thậm chí có gia đình còn đuổi xơi xơi “như đuổi tà” khi cán bộ phòng dịch đến tư vấn và phun thuốc diệt muỗi. Mặc dù trước đó tổ trưởng tổ dân phố đã đến tận nhà để phát và dán thông báo vào bản tin của tổ, nhưng nhiều người vẫn coi thường việc phòng dịch.
“Một lần, tôi xuống giám sát hộ nhà dân phun thuốc muỗi, thấy trong nhà vẫn còn người, tôi chạy vào gọi, nhưng lại bị họ cầm gậy đuổi.” - anh Công ngậm ngùi nhớ lại.
Chuyện cán bộ, công nhân đi phun thuốc muỗi bị xua đuổi, mắng chửi, thậm chí dọa nạt, đuổi đánh không còn là chuyện hiếm, kể cả trong thời điểm nhiều ổ dịch đang bùng phát trên địa bàn. Nhiều người dân "dịch đến chân", hàng xóm có nhiều người mắc, nhưng vẫn bình chân như vại.
Khi cán bộ y tế đến tư vấn phòng dịch, diệt muỗi, khuyến cáo thay lọ hoa, lật úp những vật dụng chứa nước, họ còn cho rằng đó là việc riêng của gia đình họ, không ảnh hưởng đến ai và đề nghị y tế không đến làm phiền.
Vẫn gắn bó với nghề
Không chỉ nỗi vất vả gánh lên đôi vai những cán bộ chuyên môn, mà những người công nhân phun thuốc muỗi cũng cơ cực chẳng kém.
Anh Lương Xuân Thủy, người có nhiều năm kinh nghiệm làm công nhân phun thuốc muỗi tại TTYT quận Đống Đa chia sẻ: “Quá trình làm việc, tôi đã gặp không ít tình huống oái oăm. Có gia đình nhà chật, gác xép nhỏ không thể leo lên được. Dù giải thích, nhưng họ vẫn một mực bắt chúng tôi leo lên, cuối cùng, vất vả leo lên nhưng loay hoay mãi mới đi xuống được, có lần suýt ngã cầu thang".
Ngoài việc đi sớm về khuya, công việc của anh cũng khá vất vả, nhọc nhằn: “Đeo chiếc bình phun muỗi nặng 20kg, leo lên khắp các tòa nhà cao tầng hay nhà dân trong hẻm tốn rất nhiều sức lực. Nhiều hôm, tới nơi mệt quá, chúng tôi phải nghỉ một lát rồi mới bắt đầu công việc được.
Những ngày cao điểm, mỗi công nhân phải phun khoảng 40 nhà trong một buổi sáng. Nếu hộ dân nào có ý thức, họ sẽ hợp tác để công việc suôn sẻ. Nhưng có những hộ dân liên tục sai giờ giấc, khi đó, chúng tôi đành ngậm ngùi vác bình quay về, lần sau lại vác bình đến” - anh Thủy cho biết.
Nhiều hôm đi phun thuốc muỗi trên diện rộng, cán bộ và công nhân phải đi từ 5 giờ sáng để chuẩn bị máy móc, pha thuốc diệt muỗi, chuẩn bị xăng và thuốc dự trữ. Đến giờ nghỉ trưa, mọi người tranh thủ ăn vội ăn vàng, thật nhanh rồi lại tất bật pha hóa chất, đổ thêm xăng vào máy phun, cho thêm thuốc để tiếp tục ca chiều, nhiều hôm 21 giờ tối mới xong việc.
Chưa kể, làm công việc này thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất nên ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Cũng nhiều lần gia đình khuyên anh Thủy nên tìm công việc khác nhưng vì mưu sinh và để giúp cộng đồng loại trừ dịch bệnh nên anh tiếp tục với công việc.
Còn với anh Nguyên, có lúc cũng nản nghề vì quá nhọc nhằn, nhất là những lúc bị xua đuổi, chửi bới nhưng anh quan niệm, công việc nào cũng có vất vả riêng, nếu ai cũng từ chối, đùn đẩy thì ai sẽ làm công tác phòng dịch?
Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn - Giám đốc TTYT quận Đống Đa cho biết, quận Đống Đa với dân số gần 500.000 dân, là địa bàn có nhiều người ngoại tỉnh sinh sống, học tập và làm việc nên khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo TTYT quận đã tham mưu cho chính quyền tổ chức 3 đợt tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống SXH.
Với công việc, dù đôi lúc phải nhận những lời nói khó nghe, những hành động khiếm nhã, thậm chí bị đe dọa tính mạng, nhưng cán bộ phòng dịch – họ vẫn gạt bỏ tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Điều mà họ trăn trở, mong mỏi là được người dân, cộng đồng ủng hộ, cùng vào cuộc, cùng có trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, nhất là vào những thời điểm dịch SXH diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát trên toàn TP như hiện nay.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhung-nguoi-di-vao-tam-dich-353974.html