Những người được tăng lương hưu khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7
Sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, có nhiều nhóm đối tượng sẽ được điều chỉnh lương hưu.
Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cụ thể ra sao cần chờ văn bản quy định của các cơ quan liên quan.
Mới đây, Bộ LĐTBXH đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu từ 1/7, phân chia thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là những người nghỉ hưu thông thường. Với nhóm này, lương hưu được điều chỉnh không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
Nhóm thứ hai là những người hưởng lương ngân sách mà nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024. Bộ này cho rằng Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Nhóm thứ ba là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, Nhà nước sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.
Trước đó ngày 29/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với 9 đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Chín đối tượng này đã hưởng mức lương hưu được điều chỉnh, áp dụng từ 1/7/2023 đến trước 1/7/2024. Sau ngày 1/7/2024, Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã quy định. Như vậy, với những người này, lương hưu tăng liên tiếp.
Cụ thể, 9 nhóm đối tượng được đề cập gồm:
Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng; quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng; công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước ngày 1/1/1995.
Các nhóm đối tượng được đề cập nêu trên nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995, sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 3 triệu đồng/tháng.
Thay đổi cách tính lương hưu tối thiểu
Khoản 5 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng do đó, mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, việc bãi bỏ lương cơ sở đã mở đường cho một cơ chế mới trong việc xác định mức hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất. Điều này đánh dấu một bước ngoặt trong quản lý chính sách an sinh xã hội, phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách và tối ưu hóa hệ thống BHXH.
Minh Hoa (t/h)