Những người giữ đất: Đào Duy Từ - người dựng lũy Thầy
Tài năng của một chính khách lão luyện đã giúp Đào Duy Từ vừa mềm dẻo, khéo léo vừa kiên quyết và mạnh mẽ, giúp chúa Nguyễn ứng xử, đối phó với các chính sách áp chế của chúa Trịnh ở xứ Đàng Ngoài
Lũy Thầy, cùng với lũy Trường Dục, là những công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ ở thế kỷ XVII, đã góp phần đắc lực trong việc giúp các chúa Nguyễn giữ chắc sự nghiệp Nam tiến - mở đất thần thánh của dân tộc. Tên gọi "Thầy" của lũy, cũng như của người dựng lũy, phản ánh và nói theo tên tuổi sự nghiệp của một nhân vật lịch sử lớn, trên thực tế, đã làm và được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tôn gọi là Thầy: Đào Duy Từ.
Con đường đến với chúa Nguyễn
Đào Duy Từ sinh năm 1572, đúng vào lúc chúa Nguyễn Hoàng, đương chức Trấn thủ các xứ Thuận Hóa - Quảng Nam, đánh bại cuộc tấn công của quân nhà Mạc, ngoài "Bắc triều", cắt đường vòng qua Thanh Nghệ vào phá đất Thuận Quảng của "Nam triều".
Ông quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa (nay là thôn Sơn Thắng, phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Cha ông là Đào Tá Hán - một kép hát nổi tiếng, từng làm chức lĩnh quan, trông coi đội nữ nhạc của "Nam triều", thời vua Lê Anh Tông và Thái sư Trịnh Kiểm.
Cha mất sớm nhưng được mẹ tận tâm nuôi dạy nên Đào Duy Từ đã sớm nổi danh học giỏi như thần đồng, 14 tuổi đã là học trò xuất sắc của Hương cống Nguyễn Đức Khoa. Tuy nhiên, do định kiến và chế độ thi cử hà khắc ở "Nam triều" lúc bấy giờ, coi "xướng ca (là) vô loài", nên Đào Duy Từ không được phép đi thi.
21 tuổi, vào năm 1593, lúc "Nam triều" của họ Lê - Trịnh vừa đánh bại "Bắc triều" của họ Mạc, tổ chức khoa thi Hương năm Quý Tỵ, Đào Duy Từ đổi tính danh theo họ mẹ thành Vũ Duy Từ, dự thi ở trường Hương thí xứ Thanh, đỗ Á nguyên. Nhưng vừa ra Thăng Long, chuẩn bị thi Hội thì sự việc "mạo danh" ứng thí bị phát giác. Đào Duy Từ bị đánh tuột danh hiệu Á nguyên, lột mũ áo đuổi về quê.
Bất đắc chí và lầm lũi sống ở quê nhà bằng nghề dạy học cho đến năm 1625, ở tuổi đã 53, Đào Duy Từ mới trốn được vào "xứ Đàng Trong", bấy giờ đang ở vào đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, kế nghiệp chúa Nguyễn Hoàng, trị vì.
Nhưng biết chưa thể đường đột ra mắt người đứng đầu xứ Đàng Trong ngay, nên đầu tiên Đào Duy Từ phải đánh đường vào tận Hoài Nhân (tỉnh Bình Định ngày nay), làm kẻ chăn trâu cho một phú hào để ẩn nhẫn, dò xét tình hình và chờ đợi thời cơ. Bài thơ "Ngọa Long Cương vãn" - tự ví mình với Khổng Minh Gia Cát Lượng, ở ẩn tại Ngọa Long Cương, chờ Lưu Bị tìm đến gặp - của Đào Duy Từ, ra đời vào thời gian này.
Sau đấy, nhờ có Khám lý Hoài Nhân là Trần Đức Hòa biết tiếng tăm và tông tích họ Đào mới thu nạp vào dưới trướng, lại đem con gái gả cho, rồi dâng "Ngọa Long Cương vãn", giới thiệu Đào Duy Từ với chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đường đến với vị chúa Xứ Đàng Trong của Đào Duy Từ mới hanh thông.
Vì chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã nghe chuyện cha mình là Nguyễn Hoàng, từ thuở còn làm "con thoi" ra Bắc vào Nam, qua xứ Thanh, từng để ý đến Đào Duy Từ, nay được Trần Đức Hòa bảo lãnh, lại trực tiếp "phỏng vấn" và đọc "Ngọa Long Cương vãn" của họ Đào, nên cả mừng như bắt được vàng, phong ngay Đào Duy Từ làm Nha úy Nội tán tước Lộc Khê hầu, trông coi mọi việc quân cơ, quốc chính.
Bấy giờ là năm 1627 và Đào Duy Từ đã 55 tuổi.
Công trình lũy Thầy
Năm 1627 cũng là thời gian bùng nổ cuộc chiến lần thứ nhất, giữa thế lực của chúa Trịnh Tráng ở "xứ Đàng Ngoài" và lực lượng chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở "xứ Đàng Trong", mở đầu cho 7 lần giao tranh tàn khốc của chuỗi sự kiện "Trịnh - Nguyễn phân tranh", kéo dài 45 năm giữa thế kỷ XVII (1627 - 1672).
Từ tháng 3-1627 ấy, chúa Trịnh Tráng rước vua Lê Thần Tông, đem theo tướng Nguyễn Khải, cùng đại binh từ Thăng Long vượt sông Gianh, vào bày trận ở bờ Bắc sông Nhật Lệ, chờ đánh tan lực lượng chống đỡ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên do tôn thất Nguyễn Phúc Vệ và danh tướng Nguyễn Hữu Dật chỉ huy, từ thủ phủ xứ Đàng Trong lúc bấy giờ là Dinh Cát (ở huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị bây giờ) kéo ra, rồi thì - nếu thắng - sẽ tiến vào, chiếm lấy Dinh Cát.
Nhưng cuộc chiến đối trận (đối lũy, đối ngạn) trên chiến trường Nhật Lệ, sau đấy đã diễn ra dữ dội, phức tạp mà không theo như mong muốn của chúa Trịnh, khiến Trịnh Tráng phải bãi binh, rút quân về Thăng Long, chuẩn bị cho lần sau lại dẫn quân vào đánh tiếp.
Trong khi đó, Đào Duy Từ theo dõi toàn bộ diễn biến của cuộc chiến, đã nhận ra vị thế trọng yếu - chiến lược của vùng sông Nhật Lệ, không chỉ ở (và đối với) cuộc chiến lần thứ nhất này, mà chắc chắn còn ở (và đối với) các lần đánh nhau sau nữa, cho nên đã đi tới một quyết định trọng đại: Chọn vùng Nhật Lệ xây dựng một hệ thống công sự phòng ngự, dạng thành lũy kiên cố và linh động, thật lợi hại, bảo đảm cho sự nghiệp giữ đất của xứ Đàng Trong!
Vậy là, theo tâu bày của Đào Duy Từ, vào năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã xuống lệnh huy động tối đa lực lượng quân dân "xứ Đàng Trong", xây dựng lũy Trường Dục.
Lũy này, lấy sông Nhật Lệ làm hào, đắp nổi mà chạy dài 9 km, cao 3 m, dày 6 m, từ chân núi Trường Dục ở phía Tây, ra đến phá Hạc Hải ở mạn Đông.
Đến năm sau (1631), Đào Duy Từ lại tâu xin chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho xây đắp một chiến lũy nữa, kỳ công hơn, "tung hứng" cùng lũy Trường Dục mà giữ chắc lấy đất. Đó là lũy Nhật Lệ nhưng được quen gọi hơn là "lũy Thầy" (tức "Lũy của Thầy Đào Duy Từ").
Lũy Thầy - Nhật Lệ được mô tả trong sử cũ, như sau: Cao 1 trượng 3 thước, mặt ngoài ốp (đóng) gỗ lim, mặt trong đắp đất làm 5 bậc, để voi ngựa có thể đi lại được. Chiều dài của lũy là 3.000 trượng, cứ cách mỗi trượng lại đặt một khẩu súng "quá sơn", cách 3 hoặc 5 trượng, lập một pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa chất như núi.
Đo đạc di tích còn lại đến nay thì thấy lũy Thầy có chiều dài 18 km, gấp đôi lũy Trường Dục, bắt đầu từ núi Đâu Mâu ở phía Tây, chạy ra cửa biển Nhật Lệ ở phía Đông, vòng ngược lại lên mạn Đông Bắc mà chốt lại ở làng Đông Hải.
Hai chiến lũy Trường Dục và lũy Thầy hợp lại thành một ô phòng thủ, phối hợp với việc thả xích sắt chắn ngang các cửa biển Nhật Lệ (cửa Đồng Hới) và Minh Linh (cửa Tùng), trên thực tế, đã che kín địa đầu phía Bắc của Xứ Đàng Trong, chặn kỹ hướng xâm nhập từ Xứ Đàng Ngoài vào. Một "vùng đệm" chạy từ mặt trước lũy ra phía Bắc, tới bờ Nam sông Gianh, cũng được Đào Duy Từ chỉ ra cho chúa Nguyễn thiết lập, thành bãi chiến trường để hỗ trợ hệ thống lũy phát huy hiệu quả chống đỡ hướng tấn công từ bờ Bắc sông Gianh sang.
Ngay lập tức, sau khi hình thành rồi thành hình hệ thống công sự gọi chung là lũy Thầy này, những hiệu quả tác chiến phòng thủ của chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong chống lại chúa Trịnh ở xứ Đàng Ngoài đã được phát huy tối đa, trong lần chiến tranh thứ hai - năm 1633.
Và trong các lần chiến tranh sau đó nữa, như ở lần thứ 4 - năm 1648, kể cả ở lần thứ 7 - năm 1672, lũy đã bị phá vỡ đến 30 trượng nhưng ngay trong đêm, quân chúa Nguyễn lại cố sức "vá" lại, khiến cho trong suốt 45 năm của cuộc chiến "Trịnh - Nguyễn phân tranh", không lần nào quân Trịnh có thể vượt qua lũy mà vào sâu xứ Đàng Trong được.
Sự nghiệp giúp chúa Nguyễn giữ xứ Đàng Trong
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng lũy Thầy, mà còn nữa, cả một hệ thống những công sức và trí tuệ, đã được Đào Duy Từ cống hiến cho sự nghiệp giữ đất xứ Đàng Trong.
Tài năng của một chính khách lão luyện đã khiến Đào Duy Từ vừa mềm dẻo, khéo léo vừa kiên quyết và mạnh mẽ, giúp chúa Nguyễn ứng xử, đối phó với các chính sách áp chế của chúa Trịnh ở xứ Đàng Ngoài.
Đến khi xảy ra cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh tàn khốc thì tuy không thân chinh, chỉ huy các trận đánh nhưng Đào Duy Từ vẫn là một nhà quân sự đại tài, khi đưa ra những quyết sách chiến lược, tổ chức và xây dựng lực lượng chiến đấu, cả chế tạo vũ khí, đặc biệt là viết bộ binh thư nổi tiếng "Hổ trướng khu cơ" - không chỉ có tác dụng lớn về cả thực tiễn và lý luận quân sự đối với đương thời ở xứ Đàng Trong mà còn lâu dài về sau, trên bình diện toàn đất nước.
Một sự nghiệp đồ sộ như thế, mà lại chỉ có 8 năm để thực hiện!
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu
Ngày 17 tháng 10 năm Giáp Tuất (7-12-1634), Đào Duy Từ lâm bệnh nặng, mất, thọ 63 tuổi. Trước đó, được chúa Nguyễn Phúc Nguyên thân đến bên giường bệnh thăm hỏi, Đào Duy Từ đã khóc và nói lời cuối cùng: "Thần gặp được thánh minh, chưa báo đáp được mảy may, nay đã bệnh đến thế này, còn biết nói chi nữa!".
Sử cũ chép: Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc, phong cho làm Hiệp mưu Đồng đức Công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu.