Những người giữ hồn dân ca Jrai
Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.
Ôm chiếc đàn goong mộc mạc do mình chế tác, buông nhịp chầm chậm rồi ông Ksor San (buôn Rưng Ma Nhiu) say sưa cất lên làn điệu dân ca sâu lắng, ngọt lịm. Ở tuổi 65, ông San vẫn hàng ngày luyện tập những làn điệu dân ca Jrai, bởi với ông, còn hát dân ca là niềm vui, là hạnh phúc.
“Những làn điệu dân ca như cơm ăn, nước uống hàng ngày của tôi rồi. Tôi thường hát vào các dịp lễ hội, đám cưới, tân gia, khi đi làm rẫy hoặc ngay khi cùng bạn bè ngồi trò chuyện, lai rai. Mỗi làn điệu có cách hát khác nhau, giai điệu cũng khác nhau nên nếu không yêu, không hiểu nó thì không thể hiện hay được”-ông San giãi bày.
Nở nụ cười hiền, ông San chia sẻ: Dân ca Jrai lưu truyền bằng miệng, bằng trí nhớ nên ngoài giai điệu chính, về phần lời, người hát có thể thêm vào cho phù hợp với hoàn cảnh. Vì vậy, nội dung bài hát vô cùng phong phú, mang đậm hơi thở cuộc sống. Ngoài thể hiện năng khiếu ca hát, cách lấy hơi, luyến láy sao cho tròn vành, rõ chữ, người hát dân ca đòi hỏi có thêm khả năng sáng tác.
Khi thể hiện tình yêu đôi lứa, lời ca phải lãng mạn, sâu lắng. Khi ca ngợi tinh thần hăng say lao động, làn điệu lại rộn ràng, hối hả. Hát dân ca có thể vừa làm việc vừa hát mà không cần nhạc cụ. Tuy nhiên, trong những lễ hội thường kèm theo đàn goong để tăng tính nhạc và sự hòa điệu của bài dân ca, từ đó mà thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc hơn.
Với chất giọng đặc trưng, truyền cảm và sự am hiểu về văn hóa dân tộc, ông San trở thành “hạt nhân” trong nhiều hội thi, hội diễn văn hóa. Tại Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số xã Ia Rbol năm 2024, ông San trình diễn bài “Nong tuôn” với nội dung ca ngợi tình yêu và nỗi nhớ.
Phần thi để lại nhiều ấn tượng với đông đảo khán giả. Ông bày tỏ: “Hy vọng những hội thi như này được tổ chức thường xuyên để lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng”.
Cũng như ông San, dù bước sang tuổi 60 nhưng bà Ksor H’Vưn (buôn Rưng Ma Nin) vẫn dành tình cảm đặc biệt cho những làn điệu hát dân ca. Bà thấy mình may mắn khi được sở hữu chất giọng cao vút và khả năng cảm âm tốt. Để hát được những bài dân ca thật hay và giàu cảm xúc, theo bà H’Vưn, ngoài năng khiếu, nghệ nhân cũng phải không ngừng rèn luyện. Mỗi sáng, bà đều dành 10 phút để tập luyện.
Niềm yêu thích, sự say mê với các làn điệu dân ca của bà đã truyền cảm hứng cho tất cả thành viên trong gia đình. Trong gia đình bà H’Vưn, ai cũng hát được nhiều bài dân ca.
Gia đình bà H’Vưn có truyền thống ca hát. Lúc còn trẻ, mẹ bà là người hát hay có tiếng trong vùng. Lúc nào mẹ cũng có thể hát, cả khi lao động hay khi rảnh rỗi. Cứ như vậy, dân ca tự nhiên thấm sâu vào tâm hồn bà lúc nào không hay. Hơn 10 tuổi, bà đã ghi nhớ và có thể hát theo nhiều làn điệu dân ca từ mẹ. Khi là một thiếu nữ, tiếng hát của bà đã làm xao xuyến bao trái tim chàng trai trong vùng.
Ông Trần Trọng Kim-Chủ tịch UBND xã Ia Rbol: Ngày 28-12-2024, UBND xã tổ chức Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thu hút hơn 150 nghệ nhân tham gia. Bên cạnh các tiết mục biểu diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, các nghệ nhân đã mang đến hội thi nhiều tiết mục hát dân ca đặc sắc. Nhiều nghệ nhân dù tuổi cao song vẫn ra sức lưu giữ di sản âm nhạc cổ truyền, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, theo bà H’Vưn: Ngày nay, nhiều người trẻ không còn mặn mà với dân ca. Điều này khiến những nghệ nhân lớn tuổi như bà rất trăn trở. Với mong muốn làn điệu dân ca không bị mai một, mỗi khi rảnh rỗi, bà lại dạy hát cho mọi người. Bất kể ai muốn học, dù chỉ 1 người bà cũng chỉ dạy. Bà tỉ mỉ hướng dẫn cách học thuộc phần lời rồi mới dạy cách lấy hơi, cách thể hiện tình cảm qua từng câu hát. Bà cũng phân tích cái hay, cái đẹp của những làn điệu dân ca để mọi người cùng có ý thức giữ gìn.
“Tôi chưa nghĩ tới ngày mình không còn yêu mến, không muốn hát dân ca. Các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm đều được tổ chức tại địa phương rồi nhưng truyền dạy hát dân ca thì còn thưa thớt quá. Hy vọng ngành Văn hóa tiếp tục quan tâm hỗ trợ mở lớp để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”-bà H’Vưn bộc bạch.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhung-nguoi-giu-hon-dan-ca-jrai-post307262.html