Những người 'giữ hồn' đình làng

Đình làng không chỉ là nơi thờ tự mà còn là nơi lưu giữ hồn cốt dân tộc. Đằng sau những mái đình cổ kính là cả một câu chuyện về lịch sử, văn hóa và những con người hết lòng gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng.

Ông Võ Hữu Tài thực hiện nghi thức cúng tế tại lễ Kỳ yên đình thần Tân Phước Tây (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ)

Ông Võ Hữu Tài thực hiện nghi thức cúng tế tại lễ Kỳ yên đình thần Tân Phước Tây (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ)

1. 72 tuổi, có 35 năm gắn bó với công việc của đình thần Tân Phước Tây (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), công lao ông Võ Hữu Tài là người không thể không nhắc đến khi đến đình thần cũng như Đại lễ Kỳ yên được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Cũng như những đình làng khác trong tỉnh, đình thần Tân Phước Tây gắn với quá trình khai hoang mở đất lập làng của lưu dân người Việt trên vùng đất này vào đầu thế kỷ XIX. Đình được phong sắc thần từ sớm nhưng do bị mất nên vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), đình được phong sắc lại.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mái đình xưa bị đạn bom tàn phá, nhiều lần được người dân dựng lại, mặc dù không kiên cố. Đến năm 1989, một bộ phận người dân tại địa phương đồng lòng xây dựng lại đình. Ông Võ Hữu Tài là người chịu trách nhiệm xin giấy phép xây dựng và làm thủ tục xin lại đất thổ của đình. Được sự cho phép của chính quyền và sự đồng thuận của người dân, đình thần Tân Phước Tây được xây dựng lại kiên cố. Và cũng từ đó, các nghi lễ cúng tế dần được khôi phục, trong đó có không ít công lao của Trưởng ban Quý tế - Võ Hữu Tài.

Để khôi phục được đầy đủ các lễ cúng như truyền thống, ông dành không ít thời gian hỏi và ghi chép lời các vị cao niên, đọc, đối chiếu và tìm hiểu thông tin từ các sách nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa cũng như trao đổi trực tiếp với các nhà nghiên cứu. Sau nhiều năm, ông cùng Ban Quý tế tìm lại được các nghi thức lễ Kỳ yên của đình thần Tân Phước Tây, phù hợp với tục lệ địa phương và văn hóa đình làng của người Việt tại Nam Bộ. Và theo thông lệ, Đại lễ Kỳ yên đình thần Tân Phước Tây được tổ chức 3 năm 1 lần, những năm còn lại là trung lễ. Năm 2014, Đại lễ Kỳ yên đình thần Tân Phước Tây được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ Kỳ yên đình thần Tân Phước Tây diễn ra trong 3 ngày, từ 15 đến 17 tháng Chạp nhưng công tác chuẩn bị bắt đầu trước đó hơn 1 tháng. Dù gắn bó với lễ Kỳ yên mấy mươi năm nhưng lần nào ông Tài cũng lo lắng, cố gắng chuẩn bị thật chu đáo. Đến khi lễ chính thức kết thúc thì ông mới thở phào nhẹ nhõm. Là Trưởng ban Quý tế, ông Tài chịu trách nhiệm chính trong việc trông coi đình, tham gia tổ chức lễ cúng, bảo đảm các nghi thức cúng tế được thực hiện đúng theo truyền thống, giữ gìn được nét văn hóa tốt đẹp vốn có của lễ hội tại quê nhà.

Hơn ai hết, ông nắm rõ các nghi thức cúng tế truyền thống và quan tâm gìn giữ, nhất là khi Đại lễ Kỳ yên đình thần Tân Phước Tây được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ý thức rõ ý nghĩa lớn lao của việc giữ gìn di sản, ông Tài cùng Ban Quý tế không dám để xảy ra sai sót dù chỉ một chi tiết nhỏ trong suốt quá trình tổ chức lễ Kỳ yên. Tất cả các phần việc dù là nhỏ nhất cũng đều được quan tâm và thực hiện cẩn trọng.

Ông Tài chia sẻ: “Các nghi lễ cúng tế trong lễ hội vốn được ông bà truyền lại từ xưa, cần được giữ gìn cẩn trọng, nhất là khi Đại lễ Kỳ yên tại đình trở thành di sản. Việc giữ gìn những cái hay, cái đẹp trong phong tục không chỉ giúp thế hệ sau thấy được nét đẹp truyền thống của quê hương mà còn góp phần giữ gìn văn hóa của dân tộc”. Bởi vậy, không chỉ nghiêm túc giữ gìn các nghi thức cúng tế, ông Tài còn tự mình soạn thảo văn tế trong Đại lễ Kỳ yên thành văn bản, lưu hành nội bộ Ban Quý tế của đình bởi ông sợ, nếu không có văn bản rõ ràng, cụ thể thì theo thời gian, các nghi thức sẽ dần mai một.

2. Nỗi lo thế hệ sau không hiểu rõ về gốc tích, cội nguồn dường như là nỗi lo chung của những người đang ngày đêm ra sức gìn giữ “hồn cốt” đình thần tại các địa phương. Vậy nên bất cứ khi nào có dịp, những người “giữ đình thần” sẵn sàng “rút ruột” sẻ chia về lịch sử, giá trị của mái đình trên quê hương mình. Có dịp nhìn thấy Trưởng ban Quản trị đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Văn Sang thuyết minh về lịch sử đình Vĩnh Phong cho du khách, chúng tôi mới thấu hiểu hết tấm lòng ông dành cho mái đình trăm tuổi trên quê hương mình.

Ông Sang như một "cuốn sử sống" khi nắm rõ những cột mốc thời gian quan trọng, từ thời điểm ông Mai Tự Thừa đặt chân đến vùng đất bên dòng kênh Trà Cú đến lúc mái đình làng Bình Thạnh (tiền thân đình Vĩnh Phong) được thành lập cũng như thời điểm làng và đình đổi tên thành Vĩnh Phong,... Ông Sang kể như thể kể câu chuyện về chính gia đình mình, một cách đầy tình cảm và lòng trân trọng. Chính vì vậy, câu chuyện về vùng đất mang tên người mở đất và mái đình thờ phụng vị tiền hiền được du khách gần xa đón nhận và ghi nhớ.

Ông Nguyễn Văn Sang (áo dài cam) thực hiện nghi thức thỉnh sắc tại lễ Kỳ yên đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa)

Ông Nguyễn Văn Sang (áo dài cam) thực hiện nghi thức thỉnh sắc tại lễ Kỳ yên đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa)

Đến nay, ông Sang đã gắn bó với đình Vĩnh Phong trên dưới 25 năm. Từng ấy thời gian đủ để ông am hiểu một cách sâu sắc về mái đình của quê hương, từ lịch sử đến phong tục cúng tế hàng năm. Ông Sang chia sẻ, hàng năm, đình Vĩnh Phong có các lễ cúng lớn là lễ Kỳ yên (17-18 tháng Giêng), lễ giỗ ông Mai Tự Thừa (10/10 Âm lịch) và lễ Vía bà (18-19 tháng 02 Âm lịch). Mỗi lễ cúng tại đình Vĩnh Phong đều lưu giữ được nét độc đáo riêng và ông Sang là một trong những người khởi xướng việc phục hồi các nghi thức cúng khi tổ chức lễ tại đình Vĩnh Phong.

Cũng giống như ông Tài, ông Sang dày công cùng những người làm công tác nghiên cứu và chính quyền địa phương tìm hiểu để phục hồi những giá trị tốt đẹp trong các phong tục cúng tế tại đình Vĩnh Phong. Ông Sang chia sẻ: “Những giá trị tốt đẹp của đình làng cần phải được gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau, bởi đình làng từng là đại diện cho làng xã, đó chính là quê hương, nguồn cội, là nơi để nhớ về”.

Những người như ông Võ Hữu Tài, ông Nguyễn Văn Sang thực sự dành rất nhiều tâm huyết để gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Họ không chỉ là những người "giữ hồn" đình làng mà còn "truyền lửa" cho thế hệ trẻ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cội nguồn và ý nghĩa của những giá trị văn hóa truyền thống./.

Thu Lam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-nguoi-giu-hon-dinh-lang-a189984.html