Những người hùng thầm lặng của tình báo Liên Xô
Đất nước Liên Xô đã sản sinh rất nhiều nhà tình báo kiệt xuất, bằng chiến công thầm lặng của mình, họ đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Mặc dù vậy, tên tuổi và chiến công của họ hiếm khi được nhắc đến trên báo chí và các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhân Ngày Tình báo 19/12/2023, Đại tá an ninh Viktor Sokolov bồi hồi nhớ lại các đồng nghiệp cũ của mình.
Aleksey Kozlov – người săn lùng bom nguyên tử
Nhà tình báo nổi tiếng Aleksey Kozlov đã cống hiến cho ngành tình báo Liên Xô hơn nửa thế kỷ. Tháng 6/1980, do kẻ đào tẩu Oleg Gordyevsky phản bội, Aleksey Kozlov đã bị bắt ở Nam Phi. Tại đây, ông bị tra tấn dã man và kết án tử hình.
Aleksey Kozlov ra đời tại thành phố Vologda nằm bên sông Volga, trong một gia đình đông anh em. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc trung học phổ thông, ông vào học Trường đại học Ngoại giao Moscow. Nhờ có năng khiếu ngoại ngữ, ông học giỏi tiếng Đức, tiếng Đan Mạch, tiếng Pháp, tiếng Ý và một số ngôn ngữ phức tạp khác. Vì vậy, trong tương lai, ông đã làm việc ở 86 quốc gia.
Dưới vỏ bọc của nhiều nghề khác nhau: nhân viên đồ họa, chủ tiệm giặt, người chào hàng, Aleksey Kozlov đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới. Đặc biệt, ông đã hoạt động hết sức hiệu quả ở châu Phi và Trung Đông.
Nhờ những thành tích đã đạt được ở Lebanon, Algeria, Ai Cập, Israel, Syria, Arập Saudi - Kozlov được gọi đùa là “Lawrence xứ Arập”
Ở khu vực Trung Đông, Aleksey Kozlov có nhiếu mối quan hệ hữu ích - họ hàng của các bộ trưởng, các sĩ quan quân đội Israel, các chính khách ở Israel và Ai Cập. Vì những thành tích của mình ở Trung Đông, Aleksey Kozlov được trao tặng Huân chương Sao Đỏ. Nhưng chiến công chính của ông là cuộc săn lùng bom nguyên tử ở Nam Phi.
“Năm 1977, lần đầu tiên Aleksey Kozlov được cử đến Nam Phi - Đại tá Viktor Sokolov nhớ lại - Lúc bấy giờ, tình báo Liên Xô rất quan tâm đến mối liên hệ bí mật của Nam Phi với phương Tây và sự hợp tác với Israel trong việc chế tạo bom nguyên tử”.
Năm 1978, tình báo Liên Xô ghi nhận một tiếng nổ tương tự như bom nguyên tử ở Nam bán cầu gần thành hố Cape Town. Aleksey Kozlov được giao nhiệm vụ kiểm tra dữ liệu tình báo vũ trụ.
Sau đây là những gì nhà tình báo Aleksey Kozlov đã viết trong hồi ký của mình:
“Lúc đó tôi quyết định đến Malawi, bởi đây là quốc gia châu Phi duy nhất có quan hệ ngoại giao với Nam Phi. Tôi đến thành phố Blantyre. Người da trắng ở đây quen biết nhau rất nhanh. Khi một người châu Âu mới xuất hiện, đặc biệt là người Đức, bạn sẽ được vui vẻ chào đón và kể cho nghe tất cả mọi thứ.
Một lần, chúng tôi bàn về bom nguyên tử. Tôi nói, ai cũng nghĩ rằng Nam Phi có bom nguyên tử, hóa ra, không phải thế. Bỗng nhiên, một phụ nữ lớn tuổi hào hứng nói: không đúng, tháng 12/1976, chúng tôi đã mở sâmbanh ăn mừng sự kiện này rồi. Tôi lập tức báo cáo thông tin này về Trung tâm. Nhân tiện xin nói, người phụ nữ này là thư ký của Tổng giám đốc căn cứ quân sự Pelendaba ở Zimbabwe, sau khi nghỉ hưu đã chuyển đến Malawi”.
Theo chỉ thị của Trung tâm, các nhân viên tình báo Liên Xô đã thu thập các mẫu đất nhiễm phóng xạ tại địa điểm thử bom nguyên tử. Một vụ bê bối lớn đã nổ ra tại Liên hợp quốc. Phương Tây bắt buộc Nam Phi chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Vì sự phản bội của kẻ đào tẩu Gordyevsky, Aleksey Kozlov bị bắt và trả thù một cách tàn bạo. Ngày Kozlov bị bắt, bố ông qua đời vì một cơn đau tim. Tại cơ quan phản gián Nam Phi, các cuộc thẩm vấn diễn ra suốt ngày đêm. Trong tuần đầu tiên, ông không ngủ được dù chỉ một giây. Trong xà lim tràn ngập những âm thanh giọng nói con người. Như thể có ai đó đang bị tra tấn bên cạnh. Tiếng người la hét, nghiến răng, khóc lóc như đang bị đánh.
Một tháng sau, Aleksey Kozlov được chuyển đến nhà tù trung tâm ở Thủ đô Pretoria. Ông bị giam ở xà lim các tử tù, bên cạnh giá treo cổ. Cứ vào 5 giờ sáng ngày thứ Sáu, các vụ hành quyết diễn ra ở đó. Nhiều lần Kozlov được dẫn tới xem treo cổ tử tù.
Kozlov bị đánh đập và tra tấn như dưới thời phát xít Đức. Khi được trả tự do để trao đổi điệp viên, ông chỉ còn cân được 59 kg. Mà trước khi bị bắt, ông nặng hơn 90 kg.
Một lần, giám thị trại giam đến, mang theo một bộ vest khá tươm tất, áo sơ mi và cà vạt. Aleksey Kozlov được đưa đến gặp Thiếu tướng Broderick, Phó giám đốc Cơ quan phản gián Nam Phi. Broderick nói với Aleksey Kozlov rằng ông được chuyển đến Tây Đức để trao đổi điệp viên. Nhưng các cuộc tra tấn vẫn chưa kết thúc. Aleksey Kozlov được dẫn đến một tảng đá lớn, cạnh tượng đài những người khai phá Nam Phi, nơi diễn ra trận huyết chiến giữa người Zulu và người da trắng. “Chúng tôi sẽ bắn ông ở đây”, - những tên lính áp giải nói. Sau đó, chúng đẩy ông lên một chiếc ôtô và chạy ra sân bay. Trên chiếc Boeing 747 khổng lồ, chỉ có 8 người: Kozlov và đội bảo vệ. Đến thành phố Frankfurt am Main, ông được chuyển sang trực thăng của Bộ đội Biên phòng Tây Đức. Máy bay hạ cánh gần trạm kiểm soát biên phòng “Herleshausen”. Ở đó diễn ra cuộc trao đổi điệp viên.
Tất cả gồm 11 người - 10 điệp viên Đức và 1 sĩ quan quân đội Nam Phi bị bắt ở Angola trong một cuộc đột kích của quân đội Nam Phi. Đây là cuộc trao đổi điệp viên bất cân nhất trong lịch sử ngành tình báo. Nhưng Aleksey Kozlov xứng đáng với điều đó.
Africa De Las Heras – người mẹ bí mật của các điệp viên
Theo Đại tá Sokolov, bà có một cái tên khác thường - Africa (Châu Phi). Bố bà, một sĩ quan Tây Ban Nha, đặt tên cho con gái mình sinh ra ở Maroc, đất nước Châu Phi như vậy. Trong các tài liệu mật của Trung tâm ở Moscow, bà mang mật danh Patria - Rodina. Và chỉ những người rất thân thiết, đồng nghiệp và sinh viên mới gọi bà một cách trìu mến và thân thương - Maria Pavlovna. Các điệp viên trẻ tuổi, học viên của bà, gọi bà là “người mẹ bí mật của chúng ta”. Người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, gan dạ này là nhân viên tình báo rất thành đạt của Liên Xô trong hơn 45 năm.
Năm 1937, bà nhận lời hợp tác với tình báo đối ngoại Liên Xô. Cho đến nay, hầu hết các nhiệm vụ mà Africa tham gia đều được đóng dấu “Tuyệt mật”.
Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, người phụ nữ trẻ Tây Ban Nha di cư sang Liên Xô và tình nguyện ra mặt trận. Sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo nhân viên điện đài, bà được cử đến đội đặc nhiệm “Những người chiến thắng” dưới sự chỉ huy của D. Medvedev. Đã nhiều lần Africa tham gia các chiến dịch và đã dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Mùa hè năm 1944, Africa De Las Heras trở thành nhân viên tình báo chính thức. Ngoài tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha, bà còn thông thạo tiếng Pháp và tiếng Nga. Năm 1947, Trung tâm quyết định cử bà sang hoạt động tại một trong những quốc gia Mỹ Latinh, nơi bà định cư 20 năm. Trong suốt thời gian đó, nữ nhân viên tình báo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng là thu thập và chuyển những thông tin tình báo có giá trị về Trung tâm.
Africa De Las Heras đã làm việc cho ngành an ninh Liên Xô hơn 45 năm. Phần lớn thời gian bà hoạt động ở nước ngoài trong điều kiện bí mật. Bà chỉ nghỉ hưu vào năm 1985 ở tuổi 76. Nhưng cho đến cuối đời, bà vẫn tham gia đào tạo các cán bộ tình báo trẻ.
Tướng Rem Krasilnikov – “thợ săn gián điểm hai mang”
Hơn 20 năm, Thiếu tướng Rem Krasilnikov phụ trách Ban Anh và sau đó là Ban Mỹ thuộc Tổng cục 2 (phản gián) của KGB Liên Xô. Tên tuổi ông gắn liền với các chiến dịch thú vị và hiệu quả nhất chống lại các cơ quan tình báo phương Tây. Một số chiến dịch đã được phản ánh trên báo chí Liên Xô.
Một trong những chiến dịch tiêu biểu nhất của Rem Krsilnikov là ngăn chặn hoạt động gián điệp của tình báo Mỹ ở Moscow.
Ngày 16/3/1986, tại Moscow, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Mỹ Michael Sellers bị bắt quả tang khi đang tổ chức một cuộc gặp bí mật với công dân Liên Xô. Trong quá trình điều tra, các bằng chứng thu được đã tố cáo nhân viên Đại sứ quán Mỹ hoạt động gián điệp, không phù hợp với vị thế chính thức của mình. Michael Sellers bị tuyên bố là nhân vật không được hoan nghênh. Sau đó, cơ quan an ninh đã tiến hành một cuộc điều tra và điệp viên tình báo Mỹ đã bị bắt giữ.
Theo lời kể của Đại tá Sokolov, hóa ra, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, Michael Sellers, là nhân viên CIA. Còn “Điệp viên tình báo Mỹ bị bắt giữ” - Thiếu tá Sergey Vorontsov, nhân viên của KGB ở Moscow, - là “cá chìm” với mật danh “Cole”. Để nâng cao giá trị của mình trong con mắt CIA, Sergey Vorontsov tự giới thiệu với các nhân viên tình báo Mỹ là cán bộ của cơ quan phản gián trung ương, Tổng cục 2, cấp dưới của Tướng Krasilnikov khét tiếng. Thời bấy giờ, có “cá chìm” ở KGB, hơn nữa là ở Ban Mỹ là điều chưa từng thấy. Xét về tầm quan trọng thì anh ta cũng tương tự như Aldrich Ames trong cơ quan tình báo Mỹ.
Trong cuốn sách “Lời thú tội của một điệp viên”, nhà báo Mỹ Pete Earley viết: “10/3, KGB đã bố trí phục kích nhân viên CIA Michael Sellers khi ông ta đang trên đường đến gặp điệp viên. Sau đó, CIA biết tên và họ anh ta là Sergey Vorontsov. Vorontsov làm việc cho CIA từ năm 1984, nhiệm vụ của anh ta là báo cáo về việc cơ quan KGB địa phương theo dõi Đại sứ quán Mỹ ở Moscow”. Nhà báo Mỹ viết rằng Vorontsov đã chuyển cho người tùy phái của mình một loại bột mà cơ quan phản gián Liên Xô đã bí mật đánh dấu những chiếc xe của Đại sứ quán Mỹ. Dưới ánh sáng của các thiết bị đặc biệt, xe của các nhà ngoại giao-điệp viên Mỹ phát sáng ngay cả vào ban đêm. Điều này giúp việc theo dõi chúng dễ dàng hơn.
Thiếu tướng Krasilnikov đã chỉ huy hàng chục chiến dịch như vậy. Chỉ tính từ năm 1985, 13 nhân viên CIA hoạt động dưới vỏ bọc của Đại sứ quán Mỹ ở Moscow bị bắt quả tang khi đang thực hiện các hoạt động gián điệp, đã bị trục xuất khỏi đất nước. Cũng vào thời điểm này, hơn 20 công dân Liên Xô và Nga làm việc cho CIA đã bị phát giác và truy tố. Hơn 30 nhân viên tình báo Mỹ ở nước Nga đã bị phát hiện.