Những người 'kết nối' niềm tin buôn làng

Nam Tây Nguyên mùa nắng lạnh. Mùa này, mây la đà theo điệp trùng núi non ôm lấy những buôn làng. Trên những cung đường rợp cờ hoa rộn ràng sắc xuân, tôi tìm về với Bon Đơng, Đăng Gia dưới chân núi Mẹ Lang Biang, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, để nghe những đảng viên, người có uy tín kể chuyện đổi thay của buôn làng. Họ là những người 'kết nối' niềm tin buôn làng với Đảng.

Đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên cùng vui ngày hội buôn làng

Đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên cùng vui ngày hội buôn làng

Những cung đường về với buôn làng của bà con dân tộc Cơ Ho, dưới chân Lang Biang rực rỡ cờ hoa, sắc xuân đang ùa về trên những nếp nhà. Trên đường Thống Nhất đã được trải nhựa, nối tổ dân phố Đăng Gia - Bon Đơng 1 - Bon Đơng 2, không khó để tìm nhà Kră Jăn Mơ, người có uy tín nhiều năm liền ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Cách nay chừng bảy năm, ở miền đất hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Ho bản địa này, ít ai có điều kiện để bỏ ra hơn hai tỷ đồng cất “biệt thự” giữa buôn làng như ông Mơ. Cạnh ngôi nhà khang trang, “rất dễ tìm”, ông Mơ cho xây dựng không gian phục vụ du khách đến giao lưu, thưởng thức biểu diễn cồng chiêng. “Mình tên Mơ mà. Mơ lâu rồi cũng thành hiện thực”, ông Kră Jăn Mơ nói vui và chúng tôi hòa vào câu chuyện.

Huyền thoại kể rằng, xưa, núi Lang Biang trong dãy Bidoup - Núi Bà là đồi trọc. Do K’Srai trừng phạt những người không tốt bụng. Cư dân vùng này làm rẫy thì bị nhổ hết cây và trồng ngược ngọn xuống đất, cỏ gai mọc um tùm. Từ đó, vùng này gọi là “lạch”, nghĩa là đồi trọc. “Đây là vùng đất thiêng, nhưng cư dân thì nghèo khó, bởi cảnh du canh, du cư và chỉ quẩn quanh với cây lúa nước. Giờ thì khác nhiều, nhiều lắm rồi. Nhất là từ khi buôn làng từ thôn “lên” tổ dân phố cách đây hơn 15 năm…”, ông Kră Jăn Mơ thổ lộ.

Ông Kră Jăn Mơ trò chuyện cùng tác giả.

Ông Kră Jăn Mơ trò chuyện cùng tác giả.

Trò chuyện cùng tôi trong không gian đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên, ông Mơ nói rằng, tổ dân phố Đăng Gia, nơi ông làm trưởng ban công tác mặt trận, hiện có 220 hộ, hơn 900 nhân khẩu, là bà con đồng bào Cơ Ho Lạch. Chi bộ thôn có bảy đảng viên, tất cả đều là người Cơ Ho. “Người có uy tín và là đảng viên, thì tiếng nói của mình càng có trọng lượng hơn với bà con buôn làng. Không những thế, mình phải biết làm gương, phải biết vận dụng hợp lý phong tục, tập quán trong đời sống thì bà con mới nể”, ông Mơ nói.

Ông thấy thế nào khi người có uy tín được kết nạp Đảng? - Tôi hỏi. Kră Jăn Mơ nói ngay: “Tốt quá. Theo cách nghĩ của bà con đồng bào mình, thì đảng viên là người giỏi, có uy tín và là người biết tính toán làm ăn, sản xuất giỏi, đời sống khấm khá hơn. Bà con nhìn vào những người như mình để học hỏi, làm theo, nên mình phải tiếp tục phấn đấu, phải đi trước, làm trước. Và quan trọng, đảng viên, người có uy tín phải am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình để phát huy cái tốt, phải hiểu biết xã hội nữa…”.

Năm nay Kră Jăn Mơ đã bước sang tuổi lục tuần. Xưa, người được đi học chữ đến lớp chín, sau đó bổ túc lên 12 như ông là chuyện hiếm ở buôn làng. Có cái chữ, ông tiếp tục theo học sơ cấp dược, rồi về rong ruổi trên những buôn làng, đảm đương chuyện sức khỏe nhân dân. Từ năm 1996 đến nay, Kră Jăn Mơ từng được điều động, giao nhiệm vụ phó trưởng thôn kiêm trưởng an ninh thôn Đăng Gia; phó trưởng công an xã Lát, khi chưa tách xã Lát và thị trấn Lạc Dương; rồi trưởng ban văn hóa thị trấn Lạc Dương. Sau hơn 25 năm làm cán bộ, năm 2010, Kră Jăn Mơ xin được nghỉ để về chăm cái rẫy của gia đình và tiếp tục phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Với uy tín của mình, ông tiếp tục được bầu chọn làm tổ trưởng dân phố, rồi trưởng ban công tác mặt trận… Năm 2015, Kră Jăn Mơ vinh dự được kết nạp Đảng, bà con buôn làng rất vui và tự hào. “Đối với bà con đồng bào mình thì nói chưa tin đâu, thấy mới tin. Và khi người có uy tín được kết nạp đảng, thì uy tín càng nhiều hơn đối với bà con”, Kră Jăn Mơ nói.

Ông Kră Jăn Mơ (đứng giữa) cùng nhóm biểu diễn cồng chiêng.

Ông Kră Jăn Mơ (đứng giữa) cùng nhóm biểu diễn cồng chiêng.

Chiều buông, và câu chuyện với Kră Jăn Mơ vẫn hấp dẫn tôi. Nào chuyện giải quyết các vấn đề khúc mắc của bà con buôn làng; giải thích chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho bà con rõ; đến chuyện hòa giải, vận động và thuyết phục bà con hiến đất làm đường Thống Nhất; phân tích, vận động bà con phải giữ đất sản xuất, rồi chuyện làm đẹp buôn làng… góp phần vào sự thay đổi diện mạo thị trấn Lạc Dương hôm nay. “Kră Jăn Mơ nói, bà con mình ủng hộ; bà con mình thắc mắc, Kră Jăn Mơ tận tình giải thích. Ông Mơ là đảng viên, người có uy tín mà”, bà Kră Jăn Ben, hàng xóm Kră Jăn Mơ nói, khi nghe chuyện.

Câu chuyện vẫn chưa dứt, bên không gian biểu diễn cồng chiêng, nhiều du khách đã tìm về miền đất huyền thoại. Kră Jăn Mơ bảo, thời gian qua, ông đã tận tình hướng dẫn nhiều đoàn sinh viên đến tìm hiểu văn hóa dân tộc Cơ Ho, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Cùng với nơi phục vụ thưởng thức cồng chiêng này, gia đình ông đang đầu tư khu nghỉ chân sinh thái bên thác Liêng Pàng Pài để phục vụ du khách. “Đăng Gia (Ja), nghĩa là đồi cỏ tranh. Nhưng nay đã thay bằng sắc màu của hoa, rau công nghệ cao, những vườn cà phê xanh tốt và những ngôi nhà xây đàng hoàng”, ông Kră Jăn Mơ diễn tả.

Chia tay người “kết nối” buôn làng Kră Jăn Mơ trong tiếng cồng, tiếng chiêng trầm bổng, thao thiết; trên cung đường Thống Nhất nối dài, tôi tìm gặp Bí thư chi bộ Tổ dân phố Bon Đơng 1, thị trấn Lạc Dương Păng Ting Sin, để được nghe chuyện thay ruộng lúa bằng những cánh đồng hoa hồng và “người dân tộc thiểu số nói không với cái nghèo”. Theo lời ông Kră Jăn Mơ thì Păng Ting Sin gọi ông bằng chú. “Sin được tín nhiệm làm bí thư chi bộ bốn nhiệm kỳ rồi đó, nó là người nổi tiếng về sản xuất hoa hồng ở Lạc Dương. Thời mình làm Phó công an xã thì Sin là công an viên”, ông Mơ giới thiệu, khi tôi nhắc chuyện.

Trước ngôi nhà khang trang giữa trung tâm thị trấn, đón tôi trong lần gặp không hẹn trước, Bí thư Păng Ting Sin mở lời: “Ồ, chuyện xưa không kể hết đâu, xứ này một thời cái nghèo cứ đeo bám… Giờ khác lắm rồi, thay đổi nhiều rồi. Bà con đang chung sức để xây dựng đô thị văn minh”. Năm 2010, Păng Ting Sin bén duyên với hoa hồng, là người tiên phong mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thị trấn Lạc Dương. Ngồi bên hệ thống “chăm sóc” vườn từ xa, vừa điều chỉnh nước tưới, anh Păng Ting Sin vừa kể: “Đây là mảnh vườn hơn 0,5 ha trước đây trồng lúa nước của cha mẹ để lại, giờ mình mua thêm, mở rộng lên 1,5 ha. Tất cả đều làm nhà kính, quy trình sản xuất hoa hồng đều khép kín, có hệ thống tưới nước và bón phân tự động. Doanh thu đạt hơn 600 triệu đồng/ha, lợt nhuận khoảng 60%”. Theo anh Sin, khi mới bắt đầu làm quen với hoa hồng, còn thiếu kinh nghiệm, khó khăn bộn bề lắm. Nhưng nhờ cán bộ nông nghiệp địa phương chỉ dẫn tận tình, rồi tự tìm tòi, học hỏi, qua thời gian ngắn, những bông hồng vườn nhà đã vượt núi, vươn ra thị trường rộng lớn.

Bí thư Đảng ủy Thị trấn Lạc Dương tham quan vườn hoa hồng của anh Păng Ting Sin.

Bí thư Đảng ủy Thị trấn Lạc Dương tham quan vườn hoa hồng của anh Păng Ting Sin.

Qua gần mười năm gắn nghiệp hồng hoa, khi đã chắt chiu được chút vốn liếng kinh nghiệm, điều kiện kinh tế và gánh vác trách nhiệm “người dẫn đường” cho buôn làng theo Đảng, anh Păng Ting Sin quyết tâm giúp đỡ bà con thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu bằng chính hoa hồng. Hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số dưới chân Lang Biang đã mạnh dạn học hỏi, làm theo tấm gương Păng Ting Sin mà cuộc sống trở nên khấm khá. “Nhờ anh Sin giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thực tế, mình mới dám chuyển sang canh tác trong nhà kính. Giờ không lo cái ăn, cái mặc nữa, chỉ mong con cái học hành thành đạt”, anh Păng Ting Diệp chia sẻ.

Không những là nông dân sản xuất giỏi, Păng Ting Sin còn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ tổ dân phố nay đã bốn nhiệm kỳ. “Trong hội thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của thị trấn vừa qua, chi bộ tổ dân phố Bon Đơng 1 làm tiểu phẩm chủ đề “Người dân tộc thiểu số nói không với cái nghèo”, đó chính là hình ảnh mô hình sản xuất của bí thư Păng Ting Sin”, Bí thư Đảng ủy Thị trấn Lạc Dương Bùi Văn Thụy cho biết. Qua những mô hình “điểm” như thế, giờ đây, tư duy làm nông nghiệp công nghệ cao đã lan tỏa mạnh mẽ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, với các nhà nông công nghệ cao như Kră Jăn Théo, Cil Nôm, Cil Mup Noa, Păng Ting Kris…

Bí thư Păng Ting Sin cho rằng: “Phải thấu hiểu cuộc sống của bà con buôn làng mới giúp họ tìm cách thoát nghèo được. Và quan trọng, là cán bộ, đảng viên thì phải gần dân, giúp dân và làm gương trước. Nhưng muốn làm gương thì phải có kiến thức, phải hiểu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và quan trọng là chọn “kênh” tuyên truyền, phổ biến phù hợp”. Tổ dân phố Bon Đơng 1 có 173 hộ, hơn 1.260 nhân khẩu, phần lớn là bà con đồng bào Cơ Ho bản địa. Với vai trò bí thư chi bộ, Păng Ting Sin luôn đau đáu về sự đổi thay trên những nếp nhà. Anh nói: “Cái bụng mình muốn mọi người cùng nhau phát triển, đừng trông chờ ỷ lại. Phải phấn đấu thoát nghèo và vươn lên làm giàu”. Nghĩ là làm, anh đã chắt chiu thời gian để trực tiếp giúp đỡ các nông hộ canh tác hoa hồng, kết nối thị trường và vận động bà con tham gia kinh tế hợp tác để ổn định đầu ra. Song song chuyện phát triển kinh tế, Păng Ting Sin luôn quan tâm vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Hương mùa xuân lướt thướt giữa đại ngàn, những cánh chim Ch’rao đang tung cánh giữa nền trời xanh thẳm. Chia tay những người “kết nối” niềm tin buôn làng dưới chân Lang Biang, chợt thổn thức âm giai “Nồng nàn cao nguyên” của Kră Jăn Dick: “Ngàn thông xanh vi vu reo vui đón những người con về đây/ Rộng vòng tay, cùng hòa lời ca, tình anh em…”.

Đảng bộ Thị trấn Lạc Dương hiện có 58 đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 17% tổng số đảng viên toàn thị trấn. Bí thư Đảng ủy Thị trấn Lạc Dương Bùi Văn Thụy chia sẻ: “Thành công lớn nhất của địa phương là sự thay đổi nếp nghĩ của bà con, vượt qua tư tưởng ỷ lại, đồng lòng xây dựng buôn làng ngày càng văn minh, phát triển”.

MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43100202-nhung-nguoi-%E2%80%9Cket-noi%E2%80%9D-niem-tin-buon-lang.html