'Những người khốn khổ' phiên bản Việt: Khán giả không muốn về
Diễn xuất của các nghệ sĩ trong vở nhạc kịch phiên bản Việt Những người khốn khổ đã khiến những nhân vật điển hình trong trang sách của Victor Hugo 'bước' lên sân khấu.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) vừa có 8 đêm công chiếu vở nhạc kịch kinh điển Những người khốn khổ tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Những tràng pháo tay không ngớt, những khán giả nán lại không muốn về chỉ mong được gặp ekip nói lời cảm ơn đã cho thấy sức hấp dẫn của vở. Đặc biệt, buổi diễn còn có rất nhiều vị khán giả là người ngoại quốc vốn quen thuộc với tác phẩm của đại văn hào Pháp Victor Hugo trên sân khấu quốc tế.
Trong kiệt tác Những người khốn khổ, nhân vật chính Jean Valjean là hiện thân cho những xung đột thiện và ác rất đỗi con người bởi cuộc chiến giằng xé giữa một bên tôn trọng luật pháp và một bên đạo lý con người được Victor Hugo miêu tả lên tới đỉnh điểm rất hay. Đây có thể coi là một chìa khóa vàng cho những lầm tưởng bất lâu nay trong xã hội nước Pháp về "con người của tầng lớp dưới".
Và với vở nhạc kịch Những người khốn khổ do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) dàn dựng, hơn 150 nghệ sĩ đã cho khán giả từng yêu tác phẩm bất hủ của Victor Hugo thấy được trực diện bức tranh rộng lớn về cuộc sống của những người lao động nghèo khổ ở Pháp. Qua hàng loạt nhân vật điển hình, tác phẩm đã thể hiện tình yêu thương vô hạn đối với những nạn nhân khốn cùng của xã hội tư bản. Nhưng dẫu bị vùi dập họ vẫn hiện lên với vẻ đẹp lung linh trong tâm hồn cũng như dáng vẻ. Tác phẩm như một bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội cũ bất công, vô nhân đạo với cả một mạng lưới luật pháp, tòa án, nhà tù, quân đội, cảnh sát, những kẻ giàu có nhưng bản chất lưu manh, bẩn thỉu...
Những người khốn khổ phiên bản Việt là kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu. Lâu nay, các nghệ sĩ của Việt Nam luôn được đánh giá là hát opera tốt, nhưng lại không được học về kỹ năng trình diễn trên sân khấu. Thế nhưng, với những gì các nghệ sĩ khiến người xem "đã tai, mãn nhãn" trong đêm biểu diễn vừa qua có thể thấy rằng, không gì có thể thách thức được các nghệ sĩ - trừ khi họ hết đam mê. Diễn xuất của các nghệ sĩ đã khiến những nhân vật điển hình trong trang sách của Victor Hugo 'bước' lên sân khấu.
Vở diễn trong vòng 2 tiếng được thể hiện bằng tiếng Anh để giữ được linh hồn của tác phẩm kinh điển. Toàn bộ âm nhạc và các nghệ sĩ tham gia biểu diễn đều hát live và chỉ cần một nghệ sĩ lạc nhịp, thành quả của cả ekip sẽ bị ảnh hưởng. Thế nên hơn 50 nhạc công của VNOB trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh với những bản nhạc kinh điển như Look down, Do you hear the people sing, One day more, I dreamed a dream… được trình diễn với sự chính xác tuyệt đối. Vở diễn cho thấy đỉnh cao của các nghệ sĩ Việt Nam, từ cách chơi của dàn nhạc cho tới kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu.
Jean Valjean của Việt Nam không phải là một nhân vật to cao, mạnh mẽ như của Pháp mà lại mang vóc dáng thanh mảnh với diễn xuất của nghệ sĩ Tùng Lâm. Anh đã chinh phục khán giả với chất giọng vang rền, ấm cùng lối diễn xuất tự nhiên. Nguyên mẫu là nhân vật có tuổi đời ngoài 50, trải đời và nhiều kinh nghiệm, nhưng nghệ sĩ Tùng Lâm trẻ hơn rất nhiều. Dẫu khó khăn chênh lệch tuổi tác như vậy nhưng người xem không cảm thấy nhân vật của anh bị khiên cưỡng mà nhận thấy sự cố gắng tròn vai của nam nghệ sĩ.
Javert (Nguyễn Huy Đức) với vóc dáng thấp đậm nhưng khi cất giọng lên thì đầy sự cứng rắn, uy lực. Nhiều khán giả đang xem vẫn quay sang người bên cạnh tấm tắc, gật gù: "Cứ tưởng Việt hóa mà xem vẫn chất như xem ở sân khấu nước ngoài vậy". Ấn tượng về từng giọng ca, từng nhân vật cứ đeo đuổi đến mức ám ảnh khán giả tới tận khi vở diễn kết thúc.
NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB - Tổng đạo diễn vở nhạc kịch Những người khốn khổ cho biết ê kíp sản xuất đều là những người trẻ, đã và đang học tập về nhạc kịch ở nước ngoài.
"Ê-kíp đạo diễn, biên đạo có sự cống hiến của sức trẻ và tri thức được học từ những nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới. Đó là Giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đạo diễn trẻ Triều Dương từ Anh về, hay biên đạo múa Linh An, chuyên ngành vũ đạo Broadway tại Mỹ…", NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.
Là khán giả có mặt xem vở diễn, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ: ''Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam với những nỗ lực tuyệt vời của cả một tập thể. Dù có nhiều khó khăn nhưng nhà hát vẫn rất dũng cảm và dám làm. Đào Tố Loan nên sớm có một concert riêng để thỏa sức vẫy vùng chứ chỉ vào vai Cosette thì hơi ít đất diễn. Nghệ sĩ vào vài Jean Valjean hát rất cảm xúc, tương tự vai Javert xuất thần trong uy lực và diễn tốt''.