Những người không nghỉ lễ để giữ cho phố phường sạch đẹp
Trong khi người người nhà nhà đang sum vầy, đi chơi, ăn uống dịp nghỉ lễ, thì ở đâu đó trên từng con phố, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn cặm cụi với xe rác, chổi tre. Không phàn nàn, không than vãn, họ lặng lẽ làm sạch phố phường...
Lặng lẽ giữa dòng người nghỉ lễ
Chạy quanh một vòng thành phố Vinh (Nghệ An) vào những ngày lễ, hình ảnh quen thuộc là những người công nhân vệ sinh môi trường cùng chiếc xe lôi rác cũ kỹ, chậm rãi đi dọc các tuyến đường. Trong khi phố xá tấp nập người xe đi chơi, mua sắm, các công nhân môi trường vẫn lặng lẽ cúi xuống nhặt từng túi rác, kéo theo xe rác nặng trĩu, quét từng lớp bụi đường để giữ cho thành phố luôn sạch sẽ.
Làm nghề này đồng nghĩa với việc không có ngày nghỉ đúng nghĩa. Những ngày lễ, lượng rác thải tăng cao đột biến, chủ yếu từ các quán ăn, nhà hàng.
Chị Hồ Thị Tiên (32 tuổi) chia sẻ: “So với ngày bình thường thì ngày lễ lượng rác sẽ nhiều hơn, chủ yếu từ các quán ăn, nhà hàng. Nhưng quen rồi nên cũng không nghĩ ngợi gì, cứ làm thôi”.


Chị Tiên và đồng nghiệp vừa dọn dẹp xong một điểm tập kết rác tại phường Đội Cung. Ảnh: Thiên Ý.
Bắt đầu công việc từ chiều tối, thường từ 5 - 6 giờ tối, có hôm đến tận 2 giờ sáng, những công nhân vệ sinh môi trường luôn phải đối mặt với mùi hôi thối, khói bụi và cả sự nguy hiểm khi phải đi làm giữa đêm khuya.
Chị Đinh Thị Huyền (46 tuổi, đã đổi tên) thẳng thắn nói: “Nói thật chú chứ ngày lễ nhìn họ đi chơi còn mình đi làm thì cũng buồn. Nhưng biết sao được, công việc mà, phải chấp nhận thôi. Có hôm làm tới hơn 1 giờ sáng mới về, cơm nước thì về tới đâu ăn tới đó”.

Chị Đinh Thị Huyền đang cặm cụi dọn rác. Ảnh: Thiên Ý.
Chị Huyền nói thêm: “Nhiều người dân rất ý thức, bỏ rác đúng chỗ, đúng giờ. Nhưng cũng không ít người thiếu ý thức, có hôm mình đi qua, họ ném rác đằng sau. Nhiều lúc họ còn nói khó nghe rằng: ‘Tao đóng tiền rồi, việc chúng mày thì chúng mày phải làm’, nhưng mình chỉ im lặng dọn thôi, nói ra sợ họ lại chửi, thậm chí đánh mình”.

Dọn xong điểm này, chị Huyền tiếp tục đi tới điểm tiếp theo. Ảnh: Thiên Ý.
Xa xỉ những bữa cơm tối bên gia đình
Với nhiều công nhân vệ sinh môi trường, một bữa cơm tối bên gia đình đã trở thành điều xa xỉ. Còn những đứa trẻ phải tự học bài, tự chăm lo cho giấc ngủ vì mẹ chưa đi làm về.
Chị Nguyễn Thị Tình (36 tuổi, đã đổi tên) tâm sự: “Tôi làm ca tối từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng, có khi 3 giờ mới về. Chiều nào cũng tranh thủ ăn cơm trước chồng con để còn kịp đi làm, sáng về thì tranh thủ ăn miếng cơm rồi ngủ bù. Chồng con muốn ngồi ăn cùng cũng khó. Nhiều khi thấy nhà người ta quây quần dịp lễ mà tủi thân, nhưng tôi cũng không mặc cảm với nghề, tôi thấy tự hào vì công việc giúp thành phố sạch đẹp hơn”.

Chị Tình tự hào vì công việc giúp thành phố sạch đẹp hơn. Ảnh: Thiên Ý.
Cùng cảnh ngộ, chị Đinh Thị Thu Huyền (40 tuổi), người đã gắn bó với công việc này 16 năm, chia sẻ: “Lễ nhìn người ta chở con đi chơi, lòng cũng chùng xuống. Nhiều lúc chỉ mong được một hôm nghỉ, đưa con đi ăn gì đó, chơi ở đâu đó. Nhưng rồi cũng quen, mỗi người một công việc, có người còn nguy hiểm hơn mình nhiều. Chỉ mong người dân hiểu và ý thức hơn chút, đừng để rác vương vãi ra ngoài, đừng đổ rác khi xe vừa đi khỏi”.


Những bữa cơm tối với chồng và con rất xa xỉ với chị Đinh Thị Thu Huyền. Ảnh: Thiên Ý.
Công việc bắt đầu từ lúc chiều muộn đến rạng sáng hôm sau. Có hôm chị Huyền về tới nhà là 4 – 5 giờ sáng. Gia đình chỉ ăn cơm trưa cùng nhau, còn sáng và tối, mỗi người một giờ giấc, chồng đi làm, vợ đi ca, con tự ăn, tự học, tự ngủ.
Anh Quân (24 tuổi), công nhân trẻ mới làm được gần một năm, chia sẻ rằng nghề nào cũng vất vả nhưng công việc này thực sự gian truân hơn nhiều. “Nhất là vào ngày lễ, bạn bè đi chơi mà mình đi làm, cũng buồn, nhưng đã chọn thì phải chấp nhận. Chỉ mong người dân khi vứt rác thì chịu khó bỏ gọn vào bao, buộc lại đàng hoàng để tụi em đỡ vất vả”.


Anh Quân mong muốn người dân thấu hiểu để không còn tình trạng vứt rác vương vãi. Ảnh: Thiên Ý.
Mức thu nhập trung bình của công nhân vệ sinh môi trường chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, có cao hơn một chút vào dịp lễ. Nhưng so với công việc phải đánh đổi cả sức khỏe, thời gian và những hiểm nguy khi làm việc giữa đêm khuya, thì con số đó vẫn còn rất thấp.
Họ, những con người âm thầm giữ sạch thành phố vẫn đang miệt mài với chiếc xe rác, chiếc chổi tre trên từng con đường, góc phố. Họ không cần được tung hô, chỉ mong được thấu hiểu và tôn trọng, chỉ mong mỗi người dân có thêm một chút ý thức, để công việc của họ đỡ nhọc nhằn hơn.