Những người lan tỏa phong trào phụ nữ vùng đồng bào Chăm

Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị Đặng Thị Duyên ở xã Phan Thanh và Kim Nữ Trầm Ngâm ở xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã vận động nhiều chị em tham gia phong trào hội, góp phần từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chị em phụ nữ Chăm.

Đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Hòa (xã thuần Chăm), huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận từ năm 2014 đến nay, chị Kim Nữ Trầm Ngâm luôn được chị em phụ nữ địa phương và người dân quý mến, coi như người thân trong gia đình.

Chị Ngâm kể: Khoảng 5 năm trước, việc kêu gọi chị em tham các phong trào như “Con đường hoa”, “Tuyến đường không có rác, không nước thải sinh hoạt” cũng rất khó, họ nêu lý do bận này bận nọ và vô số lý do khác. Thực chất, chỉ vì hiểu biết hạn chế nên họ không hợp tác. Muốn chị em tham gia phong trào, cần phải nói cho họ hiểu được vẻ đẹp, giá trị tinh thần mà con đường hoa mang lại. Hay để làm được phong trào “Nuôi heo đất, nhận đỡ đầu trẻ mô côi, giúp đỡ người già neo đơn”, ngoài tuyên truyền thì phải nêu cao tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, mới nhận được sự chung tay, chia sẻ của chị em.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Hòa Kim Nữ Trầm Ngâm trả lời phỏng vấn

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Hòa Kim Nữ Trầm Ngâm trả lời phỏng vấn

Để tập hợp hội viên tham gia phong trào thực sự không dễ, nhưng khi triệu tập chị em tham gia luyện tập văn nghệ thì được hưởng ứng ngay. Nắm được tâm lý trên, trong kế hoạch sinh hoạt hằng năm của mình, chị Ngâm thường gắn với các cuộc thi văn nghệ, qua đó thu hút nhiều hội viên tham gia. Đến nay chị đã mở rộng mô hình “Nhóm múa phụ nữ Chăm” với số lượng lên tới 18 thành viên. Qua đó, chị lồng ghép các nội dung vào để tuyên truyền như cuộc vận động xây dựng “5 không 3 sạch”, mô hình tổ phụ nữ bảo vệ môi trường.

Chị Kim Nữ Trầm Ngâm tâm sự: "Phụ nữ ở đây là vậy. Họ ít quan tâm đến tình hình của địa phương. Điểm mạnh của hội là tổ chức cuộc thi. Ví dụ, hằng năm, phối hợp với các xã Phan Hiệp, Phan Thanh tổ chức các hội thi truyên truyền về bảo vệ môi trường, tuyên truyền pháp luật, từ đó thu hút nhiều hội viên đến với phong trào hội. Nói chung tổ chức dịp 20/10, 8/3 chị em tới đông lắm, còn mà sinh hoạt chuyên đề thì ít lắm."

Cũng như chị Kim Nữ Trầm Ngâm, chị Đặng Thị Duyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Thanh (xã thuần Chăm), huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là người con của đồng bào Chăm. Điều mà chị luôn trăn trở, mong muốn, đó là được học hỏi và chia sẻ thật nhiều kiến thức, kinh nghiệm để giúp chị em tự tin hơn, mạnh dạn hơn, khẳng định được vị trí vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Đặng Thị Duyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Thanh phát biểu tại hội nghị

Đặng Thị Duyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Thanh phát biểu tại hội nghị

Chị Duyên chia sẻ, nếu như năm 2023, Hội Phụ nữ xã Phan Thanh có 1.560 hội viên thì cuối năm 2024, tăng thêm 80 hội viên. Tỷ lệ hội viên hiện nay đạt trên 60% số phụ nữ ở địa phương. Toàn xã có 7 chi hội phụ nữ và cả 7 chi hội đều đạt tỷ lệ 60% tập hợp hội viên có mặt tại địa bàn. Kết quả này có sự đóng góp lớn của chị Đặng Thị Duyên.

Chị luôn tích cực, chủ động phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng trạng mua bán số đề; vận động giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ con em của hội viên vượt khó…

Để làm tốt hơn phong trào thi đua, mô hình của hội, Hội phụ nữ xã Phan Thanh xác định, trước hết là phải nâng cao kiến thức cho các hội viên phụ nữ. Mà để cho có kiến thức thì Hội phụ nữ xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức tùy thuộc vào tình hình thực tế từng thôn. Có thể tuyên truyền trên không gian mạng, sinh hoạt nhóm trên Zalo, Facebook đối với các hội viên đi làm công ty, ít có thời gian sinh hoạt tập tung với hội. Từ đó thu hút nhiều hội viên đến với hội. Chị Duyên nói.

Một buổi sinh hoạt của Hội Phụ nữ xã Phan Thanh

Một buổi sinh hoạt của Hội Phụ nữ xã Phan Thanh

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Bình Thuận cho biết, với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp hội ở cở sở, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thu hút ngày càng nhiều hội viên. Tính đến đầu tháng 10 năm nay, toàn tỉnh có 691 chi hội, 3.655 tổ phụ nữ, với gần 278.000 hội viên trên 420.000 phụ nữ, chiếm tỷ lệ 66%:

Bà Nguyệt cho biết thêm: "Để đạt được tỷ lệ này, hội phải đổi mới nội dung phương thức hoạt động; nội dung chuyển tải đến phụ nữ có phù hợp với từng nhóm đối tượng hay không; nhu cầu hiện nay của họ là gì, họ muốn kiến thức, muốn kỹ năng hay họ muốn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nếu đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm đối tượng thì sẽ tập hợp, thu hút nhiều hơn chị em vào tổ chức hội. Ở đâu có phụ nữ thì ở đó có hoạt động hội."

Hội viên phụ nữ xã Phan Hòa trong một buổi sinh hoạt

Hội viên phụ nữ xã Phan Hòa trong một buổi sinh hoạt

Nhờ có những cán bộ hội phụ nữ như chị Ngâm, chị Duyên ở 2 xã thuần Chăm Phan Thanh và Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã góp phần từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ Chăm trong xây dựng kinh tế gia đình, khẳng định vai trò của chị em trong gia đình và xây dựng, phát triển cộng đồng.

Đoàn Sĩ/VOV TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-lan-toa-phong-trao-phu-nu-vung-dong-bao-cham-post1144705.vov