Những người lính 2 lần cứu sống người nhảy cầu
'Khi nghe tin có người nhảy cầu, tôi cùng các chiến sĩ ở Hải đội 2 làm sao nhanh nhất có thể dùng ca nô chạy đến cứu nạn nhân. Việc cứu người không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của chúng tôi', Đại úy Nguyễn Văn Nam cho biết.
Trong một tuần của tháng 12, liên tiếp 2 người nhảy cầu xuống sông Đà Rằng qua địa phận TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) được các chiến sĩ của Hải Đội 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cứu sống.
Khoảng 9h ngày 7/12, trên cầu Hùng Vương qua hạ lưu sông Đà Rằng, nhiều người chứng kiến một cô gái 20 tuổi dừng xe máy giữa cầu, rồi leo qua lan can, gieo mình xuống sông trong tiết trời se lạnh. Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Hải đội 2 điều động ca nô BP 107.03 gồm 4 cán bộ do anh Lê Vũ Tuấn phụ trách. Sau 5 phút chuẩn bị, ca nô đã tiếp cận cứu vớt nạn nhân.
“Khi tiếp cận, thấy nạn nhân còn sống, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và cởi áo để giữ ấm cho nạn nhân. Lúc đó cảm xúc vỡ òa. Các anh em phải thật nhanh chóng để đưa nạn nhân vào bờ, rồi xe cứu thương đưa đến bệnh viện”, đồng chí Lê Vũ Tuấn nói.
5 ngày sau đó, khoảng 14h ngày 12/12, một nam sinh lớp đi xe đạp đến cầu Hùng Vương bỏ lại xe và cặp sách trên cầu, rồi gieo mình xuống sông. Nhận tin báo, các đồng chí ở Hải đội 2 đã nhanh chóng dùng ca nô tiếp cận cứu sống nạn nhân, rồi nhanh chóng đưa vào bờ chuyển đi bệnh viện.
Là người trực tiếp cứu sống các trường hợp nhảy cầu, Đại úy Trần Ngọc Cư (cán bộ Báo vụ tàu Hải đội 2) chia sẻ: “18 năm ở Hải đội 2, đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp cứu sống nạn nhân. Những lần trước, dù đã cố gắng hết sức nhưng tôi cùng các chiến sĩ không thể cứu được vì nạn nhân đã bị nước cuốn trôi. Cảm giác của những người lính khi cứu được người vui lắm, khó tả lắm. Bây giờ nhắc lại cảm giác vẫn còn rất hạnh phúc”
Đại úy Nguyễn Văn Nam - Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết, nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, cứu nạn cứu hộ là trách nhiệm của đơn vị. Đơn vị luôn đặc phương châm “luôn luôn trong tư thế sẵn sàng 24/24”, “cứu người dân như cứu người thân” lên hàng đầu. Từ đầu năm đến nay, đơn vị quán triệt và tập huấn cho các chiến sĩ tình hình cứu nạn cứu hộ trên sông, biển.
“Năm nào đơn vị cũng nhận được 4 - 5 vụ đuối nước. Vậy nên khi nhận được thông tin, chúng tôi phải làm sao xuất phát với thời gian nhanh nhất, cứu bằng được nạn nhân thì mới xứng đáng là người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam”, Đại úy Nam nói.
Đại úy Nam cho biết thêm, đơn vị có nguyện vọng được hỗ trợ thêm đồ lặn, bình lặn… cho các chiến sĩ để trong các trường hợp khẩn cấp, đơn vị có đầy đủ thiết bị làm nhiệm vụ cứu người.