Những người lính gieo mầm thiện nguyện
Trở về từ chiến trường với tinh thần thép và trái tim ấm, những người lính năm xưa nay tiếp tục lặng lẽ đứng vào 'hàng ngũ' - không phải để chiến đấu mà để đi trước, làm gương gieo mầm thiện nguyện. Từng hành động mà các bác vẫn cho rằng 'rất nhỏ' ấy, đã và đang góp phần mang ánh sáng, tình yêu thương đến từng mái nhà, từng mảnh đời còn cơ cực.
Ươm mầm cho tương lai
Ông Vũ Ngọc Tuynh năm nay 73 tuổi. Năm 1971, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường và công tác trong quân đội. Sau khi nghỉ hưu vào năm 1991, cuộc sống của ông gặp nhiều khó khăn nhưng được đồng đội quan tâm hỗ trợ, và với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Tuynh bắt đầu làm kinh tế. Làm ăn khấm khá, ông tiếp tục phát triển kinh doanh đa ngành: vừa kinh doanh, vừa chăn nuôi, sau đó là mở trường.
Hẹn gặp ông Vũ Ngọc Tuynh vào một chiều tháng 7 yên ả ở phường Trung Mỹ Tây (TPHCM), khi ánh nắng còn vương trên tán phượng sân trường, chúng tôi gặp ông trong chiếc áo sơ mi bạc màu bụi gỗ. Vừa từ xưởng mộc cách đó vài con phố, ông trở về khuôn viên Trường Mầm non tư thục Hoa Hồng, ngôi trường do chính ông sáng lập và điều hành gần 20 năm qua. Trên tay ông là mấy bộ đồ chơi bằng gỗ ông đem từ xưởng mộc về cho các cháu chơi.

Ông Vũ Ngọc Tuynh với các bé ở trường Mầm non tư thục Hoa Hồng. Ảnh: THU HOÀI
Với tâm thế “còn sức là còn phụng sự”, ông Tuynh tích cực tham gia và gắn bó với Hội Cựu chiến binh (CCB), Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi tại địa phương, là gương mặt quen thuộc của các hội từ thiện, khuyến học... Nhiều năm liền, ông hỗ trợ giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, đỡ đầu 3 cháu mồ côi do đại dịch Covid-19, trao học bổng hỗ trợ sinh viên đại học… Tại trường mầm non tư thục Hoa Hồng, ông miễn giảm học phí có năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trong Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi, ông Tuynh cũng thường xuyên chia sẻ mô hình, cách thức làm ăn với anh em đồng đội. Từ giới thiệu, bao tiêu sản phẩm, vận động tiêu thụ hàng hóa… ông luôn sẵn sàng kết nối và chia sẻ.
Nhưng điều khiến nhiều người cảm phục, quý mến ông không chỉ vì thoát nghèo nhờ làm kinh tế giỏi, mà vì tấm lòng với đồng chí, đồng đội, những người có hoàn cảnh khó khăn. “Làm kinh tế mà chỉ biết kiếm tiền thì chưa đủ. Phải có tâm, phải có lòng vì đồng đội, vì cộng đồng. Cho đi là còn mãi. Tôi luôn tin, giúp người là giúp mình”, ông Tuynh nói.
Sau buổi trò chuyện, ông mời chúng tôi đi dạo một vòng tham quan trường. Ông dừng lại bên khu vui chơi, nói: “Đây là 2 công trình tập thể nhà trường đăng ký chào mừng đại hội Đảng sắp tới, các cô giáo đang tích cực hoàn thiện. Làm công trình không phải để có thành tích, mà để thấy Đảng trong từng việc làm cụ thể. Nhìn mấy đứa nhỏ chơi đùa vui vẻ là tôi thấy xứng đáng lắm rồi”.
Giúp đồng đội vượt khó
Rời sân trường mầm non, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ trên đường Ba Vì, phường Hòa Hưng (TPHCM), nơi vợ chồng CCB - thương bệnh binh Nguyễn Ánh Thúy sống gần trọn đời bên nhau, luôn vang lên tiếng cười ấm áp. Ở tuổi gần 80, bà Thúy vẫn ánh lên sự lạc quan và một niềm tin cháy bỏng vào cuộc sống. Bên chồng tài liệu công tác, bà chậm rãi kể lại những tháng ngày tuổi trẻ rực lửa, từ cô bé giao liên khi mới 10 tuổi đến người thương bệnh binh với những vết sẹo bỏng chằng chịt còn hằn sâu trên đôi tay gầy guộc.
Sinh năm 1949 tại miền Nam, lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bà Thúy bước vào cuộc đời kháng chiến khi còn là cô bé 10 tuổi, làm giao liên cho ba, một cán bộ địch vận hoạt động ngay trong lòng thành phố. Năm 12 tuổi, bà thoát ly gia đình, tham gia Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định. Một lần thực hiện công tác cho trung đoàn, bà bị bom Napalm càn quét, thân trên bị cháy, hai tay bỏng nặng. Những vết thương ấy theo bà suốt đời, trở thành minh chứng cho một tuổi trẻ không biết sợ hãi, dám hiến dâng vì độc lập, tự do.
Sau ngày đất nước thống nhất, bà Thúy không nghỉ ngơi mà tiếp tục dấn thân vào công tác xã hội, từ hội phụ nữ đến lĩnh vực thương binh xã hội và hợp tác xã… Trong quá trình ấy, bà tận tâm giúp đỡ nhiều gia đình hoàn tất hồ sơ để người thân của họ được công nhận liệt sĩ. Những việc làm ấy không mang lại lợi ích vật chất nào ngoài niềm vui và sự biết ơn. Với bà, đó là trách nhiệm của trái tim, là lời tri ân với đồng đội đã hy sinh và là sự cảm thông với những gia đình còn khao khát nhìn thấy tên người thân được khắc ghi xứng đáng.
Không đợi đến tuổi xế chiều, bà Thúy đã gắn bó với công việc thiện nguyện suốt mấy chục năm qua. Hàng chục căn nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh, liệt sĩ khó khăn được dựng lên từ sự vận động và vốn cá nhân của bà. Đầu năm 2025, bà đã vận động xây 2 con đường ở tỉnh Bến Tre, tổng trị giá hơn 150 triệu đồng. Bà cười hiền, nói người dân tin tưởng tìm đến vì biết bà luôn sẵn lòng làm việc thiện. Không chỉ dừng lại ở cầu đường, bà Thúy và gia đình còn tặng hơn 130 phần quà cho các hộ khó khăn, ủng hộ 1 tấn gạo cho phường để chăm lo gia đình chính sách. Số tiền ấy, bà gom góp từ chính đồng lương hưu và chế độ thương bệnh binh của hai vợ chồng.
Theo lãnh đạo Hội CCB TPHCM, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2025), Thường trực Hội CCB TPHCM đã đề xuất và trình Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ CCB nghèo thành phố phê duyệt kinh phí chăm lo cho nhiều gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn cũng như vận động nhiều suất học bổng nghĩa tình trao tặng cho học sinh là con, cháu CCB có hoàn cảnh còn khó khăn... "Những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã không quản sống chết của bản thân, sẵn sàng hy sinh để giành cho được tự do cho dân tộc, nay đất nước yên bình, mình không thể đứng ngoài những khó khăn của đồng bào được. Có thể chỉ là những việc rất nhỏ thôi, nhưng mỗi người góp một phần sẽ thành nghĩa tình lớn", Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch Hội CCB TPHCM, chia sẻ.
Không làm vì những bằng khen, cũng không cần những danh hiệu, nhiều người lính năm xưa vẫn đang lặng thầm giữ gìn khí chất Bộ đội Cụ Hồ bằng những việc làm tử tế giữa đời thường. Họ hiểu rằng, lòng yêu nước không chỉ là câu chuyện chiến đấu anh dũng gìn giữ từng tấc đất quê hương mà còn là hành động cụ thể trong cuộc sống hôm nay - với đồng bào, với cộng đồng.
Thượng tướng BẾ XUÂN TRƯỜNG, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam (phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước Hội CCB Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029):
Toàn hội đã chung tay xóa trên 23.930 nhà dột nát, nhà tạm
Qua 35 năm xây dựng và phát triển, Hội CCB Việt Nam đã có hơn 3 triệu hội viên, sinh hoạt tại hơn 13.600 tổ chức cơ sở hội. Giai đoạn 2019-2024, các hoạt động tình nghĩa, giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo đã được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống hội viên. Trong đó, toàn hội đã xóa trên 23.930 nhà dột nát, nhà tạm. Cùng với đó, CCB cả nước đã xây dựng 8.587 doanh nghiệp, 1.684 hợp tác xã, 3.677 tổ hợp tác, 186.736 trang trại, gia trại, tạo công ăn việc làm cho 816.000 lao động, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
Thiếu tướng NGUYỄN MINH HOÀNG, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch Hội CCB TPHCM:
Chắt chiu, gom góp hơn 18 tỷ đồng hỗ trợ con em hội viên nghèo
Hội đã chắt chiu, gom góp, vận động xây dựng nhiều căn nhà tình nghĩa, đồng thời thực hiện chương trình trao quà, hỗ trợ dụng cụ học tập cho con em hội viên nghèo với 35.356 suất quà, tổng trị giá hơn 18,38 tỷ đồng. Những hoạt động này không chỉ thể hiện nghĩa tình, trách nhiệm với đồng đội, với cộng đồng mà còn góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng của TPHCM.
Th.S NGUYỄN BẢO MINH, Bí thư Đoàn Cơ quan ĐHQG-HCM:
Ngày xưa giữ nước, giờ giữ nghĩa
Tôi bắt đầu công tác Đoàn từ những năm đầu học cấp 3, khi lần đầu được khoác lên mình chiếc áo xanh thanh niên. Lúc đó, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của hai chữ “tình nguyện”, chỉ biết rằng được góp sức mình làm điều gì đó cho cộng đồng là một niềm vui giản dị mà ấm áp. Những năm sinh viên tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM và đến khi công tác tại ĐHQG TPHCM, tôi và bạn bè có cơ hội tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa hơn đến cộng đồng. Mỗi chiến dịch, mỗi chuyến đi đều cho tôi thêm một bài học về tình người, về trách nhiệm của người trẻ đối với xã hội.
Điều đọng lại sâu sắc trong tôi khi tham gia những hoạt động ấy, là hình ảnh tình nguyện của các cô chú cựu chiến binh. Dù đã về hưu, nhiều bác vẫn không ngơi nghỉ, tiếp tục đi khắp nơi để giúp đỡ đồng đội, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, làm từ thiện không quản ngại tuổi tác, sức khỏe. Có bác nói với tôi: “Ngày xưa giữ nước, giờ giữ nghĩa”. Chính các cô chú là tấm gương lớn về nghị lực, lòng nhân hậu và tinh thần cống hiến không ngừng. Nhìn các bác làm thiện nguyện mà không hề đòi hỏi điều gì cho bản thân, chúng tôi không thể đứng ngoài. Bởi vì, phục vụ cộng đồng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cách người trẻ viết tiếp một chương đẹp cho cuộc đời mình.
NHÓM PV ghi
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-nguoi-linh-gieo-mam-thien-nguyen-post805629.html