Những người lính giữ 'mắt thần' của biển

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Gió mùa Đông Bắc tràn về khiến cái lạnh càng trở nên tê tái. Đoàn công tác Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân đã vượt sóng to, gió lớn để đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ của Trạm Rada 485, Tiểu đoàn 151, đóng quân tại đảo Trà Bản, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) - đơn vị được ví như 'mắt thần' trên vùng biển Đông Bắc bộ.

“Gùi” xuân lên đỉnh đảo

Đúng 14h15’, từ trụ sở chỉ huy Trạm Rada 485, chúng tôi bắt đầu hành trình lên đài rada trên đỉnh núi với độ cao 485 m so với mặt nước biển. Đường lên đài rada là con đường mòn dài chừng 7 km, xuyên qua rừng nguyên sinh, hai bên cây cối rậm rạp um tùm. Trung tá Nguyễn Công Nam, Chính trị viên Tiểu đoàn 151 góp chuyện: Tiểu đoàn quản lý 8 Trạm Rada phân tán từ đảo Trần (Quảng Ninh) đến núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Trong đó, có 4 trạm ngoài đảo, 4 trạm ở đất liền. Các trạm rada có nhiệm vụ tổ chức hệ thống rada quan sát, kết hợp với quan sát bằng khí tài quang học, quan sát 24/24 giờ trong ngày. Qua đó, phát hiện và báo cáo kịp thời các mục tiêu trên biển trong tầm quan sát của rada ở khu vực biển được phân công về Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh vùng, xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra. Bởi lẽ đó, 100% các đài quan sát phải đóng quân ở vị trí nơi núi cao.

Cán bộ Trạm Rada 485, đảo Trà Bản gói bánh chưng để chuyển lên đài Rada cho đồng đội đón Tết.

Cán bộ Trạm Rada 485, đảo Trà Bản gói bánh chưng để chuyển lên đài Rada cho đồng đội đón Tết.

Đài rada của Trạm Rada 485 “soán ngôi” cao nhất, xa nhất trong 8 Trạm Rada vùng biển Đông Bắc. Ở độ cao này, tứ bề là biển, đây là nơi đầu tiên hứng chịu những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về. “Cả đoàn chỉ cần vượt qua 1 con suối, 3 cái dốc ngắn, cao, dài là đến nơi. Trên đường đi sẽ nghỉ chân ở gốc đa đổ” - Trạm phó Quân sự, Trung úy Nguyễn Công Ân giới thiệu ngắn gọn.

Thú thực, đã không ít lần đi rừng nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm đi trên con đường rừng cheo leo, hiểm trở đến vậy. Chiếc gậy bằng cây dóc mảnh mai, hành trang của mỗi chúng tôi trên con đường ấy như oằn đi vì sức nặng. Mới qua dốc ngắn, nhiều người trong đoàn đã mệt phờ, không thể nói, cười nổi. Càng đi đến gần đài quan sát, dốc càng cao hơn, từng bước chân như càng nặng nề hơn. Nhiều đoạn phải bám rễ cây để leo, mồm, mũi tranh nhau thở… Ngước mắt lên, con đường nhỏ với dốc cao, đá hộc lởm chởm giống như con đường thẳng chọc trời. Không ai trong chúng tôi ngẩng đẩu, chỉ lặng lẽ cúi xuống chân mình, bước từng bước chắc chắn vì chỉ sơ sẩy chút thôi là sẽ trượt chân ngã, thậm chí có thể lăn xuống dốc đá.

Dẫu mang trên vai nặng trĩu chiếc ba lô nặng hành trang, nhu yếu phẩm nhưng đôi chân Trung úy Ân vẫn thoăn thoắt, luôn miệng nói cười: “Hôm nay thời tiết ủng hộ đoàn ta chứ nếu trời mưa thì vắt, muỗi rừng nhiều như vãi trấu ấy. Đá dính nước mưa thêm trơn trượt thì cả đoàn càng vất vả hơn, nguy hiểm hơn”. Nói rồi Trung úy Ân hóm hỉnh: “Các phóng viên có biết, rắn là “thú cưng” của chúng tôi trên đài quan sát không? Gặp rắn trên đường đi, gặp cả trên giường lúc ngủ là chuyện thường. Nhiều cán bộ, chiến sỹ ban đầu cũng “hãi” lắm nhưng miết rồi cũng quen”. Đơn vị có nhiều chiến sỹ trẻ là lính nghĩa vụ quân sự, lần đầu tiên nhận công tác ở đơn vị với nhiệm vụ đặc thù, gian khổ như này nên lãnh đạo đơn vị thường xuyên quan tâm, động viên, giáo dục chính trị tư tưởng để các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Khi nào nhìn thấy những bậc thang tức là đến trạm” - anh Ân bật mí. Đặt chân tới bậc thang xi măng, chúng tôi reo vang “Tới nơi rồi”. Song càng đi, con đường bậc thang dựng đứng càng trở nên heo hút. Khi đôi tai ù đi, từng bước chân như vét sạch chút sức lực cuối cùng, thì chúng tôi nghe văng vẳng tiếng hô “đoàn công tác đến nơi rồi”. Ập vào mắt chúng tôi, những người lính hải quân đã đứng đó, các anh nở nụ cười ấm áp, siết cái bắt tay thật chặt như người thân quen từ lâu.

Đơn vị là nhà, biển đảo là quê hương

Đài rada hầu như có sương phủ quanh năm. Nơi đây, độ ẩm cao với khoảng 80%. Sự nồng hậu, thân tình, những câu chuyện của chúng tôi với các anh làm xua đi cái lạnh giá nơi đỉnh cao của đảo Trà Bản.

Cán bộ, chiến sỹ trên đài Rada đang chuẩn bị đón Tết sớm.

Cán bộ, chiến sỹ trên đài Rada đang chuẩn bị đón Tết sớm.

Căn phòng rộng chừng vài mét vuông vừa là phòng khách, vừa đặt 2 chiếc giường ngủ. Ấm cúng hơn bởi có cành đào trang trí đèn nhấp nháy, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh. “Với cán bộ, chiến sỹ trạm Rada 485, ngày đón các đoàn lên Trạm tặng quà và chúc Tết cũng là Tết sớm của cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Gặp mặt anh chị em trong đoàn, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, vững tin phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc” - đồng chí Trung úy Vũ Văn Lợi, Trạm Phó Quân sự bày tỏ.

Đời sống sinh hoạt trên đài rada gặp muôn vàn khó khăn. Nguồn nước sinh hoạt ở đây chỉ trông vào “nước trời”. Đứng cạnh 2 bể chứa nước mưa ngoài sân, chúng tôi được nghe các anh kể, năm 2009, trạm thực hiện chiến dịch gùi từng viên gạch, từng cân xi măng lên xây 2 bể chứa nước lớn cũng như nâng cấp nhà ở, nhà bếp ngay trên đài rada. Định mức là mỗi người gùi 25 kg vật liệu mỗi lần lên xuống quãng đường 14 km. Nước ở bể chứa chỉ dùng để nấu ăn, làm nước uống. Vào mùa hè, mỗi lần tắm các chiến sỹ phải đi xa hơn 1 km xuống khe nước. Tắm xong leo trở lên đài lại đầm đìa mồ hôi, quần áo ướt như vừa ngâm dưới nước. Mùa đông này cực hơn vì phải lấy nước khe, đun nước tắm ngay ở đó.

Mỗi kíp trực, cán bộ, chiến sỹ hành quân từ trụ sở chỉ huy trạm lên đài quan sát, mang theo lương thực, thực phẩm, quân tư trang trong vòng 1 tuần, đôi vai phải đeo thêm ba lô nặng từ 10 - 15 kg. Để chủ động nguồn thức ăn, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội, cán bộ, chiến sỹ của Trạm tận dụng diện tích đất đai, tích cực tăng gia, sản xuất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Lợn, gà được chăm sóc tốt, các loại rau theo mùa đua nhau xanh mơn mởn.

Trung sỹ Vũ Bình Nguyên, trắc thủ rada, quê Hải Phòng bày tỏ, thực sự những ngày đầu mới nhập ngũ, nhận nhiệm vụ nơi đảo xa, núi cao này em không khỏi bỡ ngỡ, vì điều kiện công tác quá vất vả. Các đồng chí lãnh đạo đã luôn quan tâm, động viên tinh thần kịp thời để chúng em hòa nhập, nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ. Tết này em không về. Tuy nhớ nhà song cảm giác ăn cái Tết với đồng chí, đồng đội rất háo hức. Bố mẹ em cũng thường xuyên gọi điện, động viên tinh thần để em yên tâm làm nhiệm vụ.

So với nhiều đồng đội, Trung úy Ân năm nay may mắn hơn vì có 1 cái Tết đầm ấm, sum vầy với gia đình nhỏ của mình ngay trên đảo. Trung úy Ân là người Đô Lương, Nghệ An, công tác ở trạm đã 2 năm. Anh vừa lập gia đình cách đây mấy tháng. Vợ anh là Bí thư Đoàn xã Bản Sen. Anh và chị biết nhau qua những lần đơn vị phối hợp làm công tác dân vận. Chúng tôi trêu anh “Tình quân dân phải gắn bó khăng khít, keo sơn như vậy chứ”. Anh Ân cười bảo, xác định cuộc đời gắn bó với vùng biển, vùng trời này nên anh cũng phải có 1 “căn cứ” hậu phương vững chắc để yên tâm làm nhiệm vụ.

Chia tay những người lính rada hải quân trong lưu luyến, chúng tôi rời đài quan sát lúc chập tối. Khi đi lên đường vốn đã khó, đi xuống còn khó khăn hơn, đôi chân chúng tôi như khụy ngã. Giữa bóng tối trùm khắp cánh rừng rộng lớn, cây cối xào xạc, gió rít từng hồi, ánh đèn pin le lói, những chú chó của trạm vẫn sủa vang dẫn đoàn xuống núi. Dù hành trình mang Tết đến Trạm Rada 485 là sự trải nghiệm cái khó, cái khổ ngắn ngủi song cũng đủ để chúng tôi thêm trân quý, biết ơn sự hy sinh thầm lặng của các anh. Vượt qua những khó khăn, gian khổ, những người lính rada hải quân ấy vẫn đang ngày đêm sát cánh cùng đồng đội và nhân dân trên đảo canh giữ, bảo vệ biển đảo.

Đơn vị là nhà, biển đảo là quê hương, những người lính rada của Trạm Rada 485 vẫn mãi khắc ghi tinh thần “Đoàn kết, bám trụ, kiên cường giữ đảo” để góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Ghi chép: Bích Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhung-nguoi-linh-giu-mat-than-cua-bien-127849.html