Những người lính trên sông Tiền
Chòng chành cùng sóng nước, chúng tôi ra thăm những tổ, chốt đặc biệt trên sông Tiền. Cao điểm dịch bệnh đã qua đi, nhưng nhiều người lính vẫn bám trụ nơi đó, lặng lẽ canh giữ biên giới đường sông.
Áp lực giữ gìn biên giới sông Tiền (đoạn thuộc Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia) chia đều cho nhiều lực lượng vũ trang, mà nòng cốt vẫn là Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Các anh thường xuyên tuần tra, kiểm soát địa bàn quản lý, không thể buông lỏng phút giây nào.
2 năm qua, hàng trăm tổ chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 được dựng lên khắp biên giới đường bộ, đường sông của An Giang. Khi dịch bệnh tạm ổn, số lượng tổ chốt giảm bớt, riêng chốt trên sông Tiền vẫn được duy trì, tiếp tục phòng, chống dịch, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép.
Tổ chốt số 4 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, BĐBP An Giang) được thành lập 2 năm, thì trung úy Lê Hải Đăng (Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 962, Quân khu 9) đã bám chốt 1,5 năm. Anh là nhân viên hàng hải, phụ trách quản lý thiết bị, quan sát tàu bè trên sông, canh gác 24/24.
“Dù đã qua cao điểm dịch, tôi cùng biên đội tàu vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ được giao. Khó khăn lớn nhất là phải sinh hoạt dài lâu trên tàu, neo đậu giữa sông, luôn đối mặt với sóng gió, thời tiết thất thường. Nhưng xung quanh chúng tôi, là sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của cấp trên, của đoàn thể, địa phương. Nhờ vậy, chúng tôi thêm vững tin thực hiện nhiệm vụ” – trung úy Lê Hải Đăng chia sẻ.
Những hôm trời mưa, sóng to gió lớn, những người lính hải quân lại căng mình vật lộn với con nước, với thời tiết, cố gắng chằng chéo, neo đậu tàu chắc chắn.
Ngoài nhiệm vụ canh gác trên sông, cán bộ, chiến sĩ biên đội tàu của Lữ đoàn 962 duy trì hoạt động đặc thù của đơn vị, của người lính thời bình. Đó là thường xuyên huấn luyện, học tập chính trị theo quy định của cấp trên.
Mỗi bài giảng chính trị sẽ hun đúc khát vọng cống hiến trong sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Điều này càng phù hợp với tình huống “bám tàu, bám sông” của các anh hôm nay.
Phút giây thư giãn của những người lính xa nhà, xa đơn vị.
Trên tàu, các anh nuôi nhiều loại gia cầm, vừa để thêm phần sinh động của cuộc sống hàng ngày, vừa là nguồn “tăng gia”, cải thiện bữa ăn khi cần thiết.
Cách đó không xa, là tổ chốt số 1 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương), do lực lượng BĐBP tỉnh Tiền Giang phụ trách.
Mọi sinh hoạt, đi lại của cán bộ, chiến sĩ gắn liền với sông nước, vất vả trăm bề so với chốt đường bộ. Tuy nhiên, “sống đâu quen đó”, khó đến đâu, các anh khắc phục đến đó, bằng mọi giá hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Trần Năng Vĩnh Đông, Phó thuyền trưởng tàu BP 150402, rời Tiền Giang, “chi viện” về An Giang tháng 9/2022. Suốt 8 tháng qua, anh bám sóng gió, bám đường biên giới trên sông. “Công tác ở đâu cũng vậy, người lính đều vất vả, nhưng áp lực công việc ở biên giới sông cao hơn, khác tuyến biển tôi từng phụ trách trước đó” – anh chia sẻ.
Cuối năm nay, binh nhất Dương Quốc Khánh hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về với gia đình, với quê mình. Trời nắng gay gắt, rồi lại chuyển mưa sầm sập, hôm trước Khánh đổ bệnh, sốt, hôm nay lại tiếp tục nhiệm vụ canh gác thường lệ.
“Những tháng ngày công tác ở chốt biên giới trên sông sẽ là trải nghiệm rất quý của tôi, ít ai có được. Chúng cũng giúp tôi thêm nhiều kinh nghiệm trong môi trường quân đội. Hiểu được điều ấy, tôi cố gắng giữ tinh thần, giữ sức khỏe để cùng đồng đội bám trụ lâu dài trên sông” – Dương Quốc Khánh bày tỏ.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhung-nguoi-linh-tren-song-tien-a364174.html