Những 'người mẹ' thầm lặng

Thầm lặng mang niềm vui, hạnh phúc, nụ cười cho các gia đình mỗi khi chào đón các 'thiên thần nhỏ' chào đời là công việc của những nữ hộ sinh. Mỗi ngày, họ vẫn miệt mài cống hiến, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Y tế và hơn hết là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đồng hành cùng sản phụ “vượt cạn”

Gần 10 năm qua, Trung tâm Y tế huyện Mộc Hóa có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Đội ngũ nhân viên y tế luôn tận tụy với nghề, có trách nhiệm với công việc. Là cán bộ quản lý hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Trung tâm Y tế huyện Mộc Hóa, chị Nguyễn Ngọc Thu luôn hết lòng vì nhiệm vụ.

Được biết, từ năm 2003-2005, chị theo học ngành Hộ sinh tại Trường Trung cấp Y tế Long An. Năm 2006, chị công tác tại thị xã Kiến Tường. Từ khi chia tách huyện, chị được điều động về Trung tâm Y tế huyện Mộc Hóa. Đến nay, chị có 17 năm gắn bó với nghề. Theo chị Thu, công việc này giờ giấc không ổn định, sản phụ chuyển dạ giờ nào thì mình làm việc giờ đó. Những bữa cơm dang dở, những ca trực buổi tối là chuyện bình thường.

Hộ sinh Nguyễn Ngọc Thu luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp

Hộ sinh Nguyễn Ngọc Thu luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp

Mỗi sản phụ có một tính cách khác nhau, khi đau chuyển dạ, nhiều chị không kiểm soát được hành động của mình. Trước những tình huống đó, chị dùng kinh nghiệm, kỹ năng để động viên, hướng dẫn sản phụ bởi yếu tố tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình “vượt cạn”. Ngày mới ra trường, chị còn nhiều bỡ ngỡ nhưng càng gắn bó, chị càng thấy yêu công việc này hơn. Bản thân là phụ nữ, cũng đã làm mẹ nên chị Thu luôn đồng cảm với các sản phụ, hiểu được những lo lắng, nỗi đau đớn của sản phụ khi chuyển dạ, nhất là những phụ nữ sinh con lần đầu.

Chị Thu chia sẻ: “Khi đến với cơ sở thì sản phụ và gia đình đã đặt hết niềm tin vào đội ngũ nhân viên y tế. Vào phòng sinh, nhiều sản phụ nghĩ mình là mẹ đỡ đầu của con họ nên mình càng phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến nay, tôi không nhớ hết số lượng sản phụ mà bản thân đã đồng hành, chỉ nhớ mỗi khi một “thiên thần nhỏ” ra đời là một cảm xúc vui mừng, hạnh phúc khó tả bằng lời. Những cái nắm tay, lời cảm ơn từ sản phụ và gia đình là niềm động viên to lớn giúp tôi vững tin hơn trên con đường làm nghề”.

Hộ sinh Nguyễn Ngọc Thu có 17 năm công tác trong ngành Y

Hộ sinh Nguyễn Ngọc Thu có 17 năm công tác trong ngành Y

Sau khi đứa trẻ chào đời, người hộ sinh hướng dẫn sản phụ, người thân cách vệ sinh cho mẹ và bé, chăm sóc trẻ sơ sinh và sản phụ,... Chính vì vậy, để gắn bó với công việc này, đòi hỏi mỗi người phải trang bị đầy đủ kỹ năng chuyên môn, yêu nghề, kiên nhẫn trong công việc, nhất là phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ.

Song song đó, với vai trò là cán bộ quản lý hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, chị Thu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm nghề với những hộ sinh mới; tích cực hỗ trợ các tuyến y tế cơ sở; phối hợp thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình;...

Hơn nửa đời người tận tụy với công việc

Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Kỹ thuật Y tế Trung ương 3 (nay là Trường Trung học Kỹ thuật Y tế 3), bà Nguyễn Thị Kiều Nga về công tác tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Long An. Khi BV Sản Nhi TWG Long An (nay là BV Đa khoa TWG Long An) thành lập, Sở Y tế và Tập đoàn TWG phối hợp chuyển giao đội ngũ y, bác sĩ của Khoa Sản Nhi từ BV Đa khoa Long An sang BV Sản Nhi TWG Long An. Trong đội ngũ nữ hộ sinh tại BV Sản Nhi TWG Long An, bà Nguyễn Thị Kiều Nga là một trong những thế hệ gạo cội.

Bà Nga tâm sự, mỗi ca là một câu chuyện, nhiều sản phụ có ngưỡng chịu đau tốt nên dễ dàng hợp tác với mình, cũng có sản phụ ngưỡng chịu đau thấp nên quá trình làm việc gặp nhiều khó khăn. Khi đau chuyển dạ thì biết bao tình huống “dở khóc, dở cười” xảy ra. Vào phòng sinh không có người thân đi cùng, nhân viên y tế đóng vai trò như người thân vừa động viên, an ủi giúp họ lấy lại bình tĩnh, vừa hỗ trợ sản phụ trong suốt quá trình sinh. Hiện tại, BV có kỹ thuật giảm đau sản khoa nên cũng giúp sản phụ giảm được cơn đau, quá trình sinh diễn ra thuận lợi hơn.

Mỗi khi được phân công theo dõi một trường hợp, hộ sinh Nguyễn Thị Kiều Nga luôn quan tâm, gần gũi, hỗ trợ sản phụ hết lòng

Mỗi khi được phân công theo dõi một trường hợp, hộ sinh Nguyễn Thị Kiều Nga luôn quan tâm, gần gũi, hỗ trợ sản phụ hết lòng

Được biết, đồng hành cùng sản phụ có ít nhất 2 nữ hộ sinh, nhiều lần đảm nhận vai trò trưởng ca, bà Nga cho biết: “Khi đảm nhận trưởng ca, tôi phụ trách điều phối, phân công nhiệm vụ cho các thành viên khác. Song song đó, tôi phải đánh giá được những tình huống có thể xảy ra, trường hợp nào cần mời bác sĩ cùng tham gia, nhất là những ca sinh khó. Mỗi người một việc, cùng nhau phối hợp để mang lại hiệu quả, sự an tâm cho sản phụ và gia đình. Mỗi khi các ca được “mẹ tròn, con vuông”, chúng tôi cảm giác rất hạnh phúc. Sau này, có dịp gặp lại sản phụ và họ vẫn nhớ đến mình thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến”.

Nhiều năm gắn bó với nghề, có những kỷ niệm đến giờ bà vẫn không thể quên dù đã trên 35 năm. Bà Nga kể: “Năm đó, tôi thực tập tại BV Từ Dũ và lần đầu tiên được đồng hành cùng sản phụ “vượt cạn”. Vợ chồng sản phụ quý tôi nên đã lấy tên tôi đặt cho con; đồng thời, nhận tôi làm mẹ đỡ đầu cho bé. Ngày xưa, điện thoại chưa phổ biến như bây giờ nên tôi chủ yếu viết thư thăm hỏi gia đình. Mặc dù hiện tại chúng tôi đã mất liên lạc nhưng đó mãi là kỷ niệm đẹp trong quá trình làm nghề của tôi”.

Ở tuổi 57, bà Nga luôn không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên lên mạng cập nhật những kiến thức mới liên quan đến nghề nghiệp. Mỗi khi được phân công theo dõi một trường hợp, bà Nga luôn quan tâm, gần gũi, hỗ trợ sản phụ hết lòng.

Có dịp trò chuyện cùng chị Thu và bà Nga, chúng tôi phần nào hiểu được những vất vả của nghề HS, đây là công việc thầm lặng nhưng vô cùng cao quý./.

Nguyễn Dung

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-nguoi-me-tham-lang-a150410.html