Những người mẹ thứ hai của công nhân xa quê
Không chỉ giảm tiền thuê phòng, tặng quà vào dịp Lễ, Tết, nhiều nữ chủ nhà trọ còn tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân ở trọ.
"Là người con xa xứ nên tôi hết sức cảm thông với anh chị em công nhân ngoại tỉnh. Khi dịch COVID-19 ập đến, các công ty xí nghiệp đóng cửa, người lao động rất khó khăn. Ban đầu, tôi tặng mỗi phòng trọ 1 phần quà nhưng sau đó hưởng ứng lời kêu gọi của UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cùng các đoàn thể, tôi trở thành người mẹ chủ nhà trọ của các em, cháu"- bà Nguyễn Thị Dung (70 tuổi, chủ nhà trọ phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ tại Chương trình tuyên dương chủ nhà trọ tiêu biểu sáng 31-10. Chương trình do LĐLĐ TP HCM phối hợp cùng Hội LHPN thành phố tổ chức.
Khu trọ bà Dung 20 năm nay vẫn giữ giá rẻ nhất trong khu vực (từ 650.000 đến 700.000 đồng/phòng) nhưng mùa dịch bà giảm còn 300.000 đồng phòng trọ/tháng. Hiện nay, trước tình hình nhiều công ty thiếu đơn hàng, người lao động giảm việc, mất việc, nhiều người khó khăn, bà lại tiếp tục giảm giá. Có nữ công nhân đến mượn 1 triệu đồng để đóng học phí cho con, bà Dung bảo: "Thôi. cô cho luôn, khỏi trả"- bà Dung kể. Với 58 công nhân ở 20 phòng trọ, bà Dung như người mẹ thứ 2 của họ.
Đến nay, tại TP HCM có 173 CLB nữ chủ nhà trọ với 4.014 thành viên. Công đoàn các cấp đã xây dựng và duy trì hoạt động 1.304 Tổ công nhân tự quản với hơn 98.000 công nhân lao động. Từ đó phối hợp với các chủ nhà trọ phát triển các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ thành mô hình "Khu nhà trọ xanh – sạch – đẹp", "Khu nhà trọ văn minh – nghĩa tình" góp phần đa dạng hóa các hình thức vận động xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động nhập cư trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Bạch Mai, ghi nhận những đóng góp của các nữ chủ nhà trọ đã thực hiện thời gian qua, góp phần phát huy tinh thần tương thân tương ái, đồng hành cùng chính quyền địa phương, các cấp hội và tổ chức Công đoàn trong tuyên truyền, nắm tình hình dư luận trong công nhân và hỗ trợ người lao động ở trọ hoàn cảnh khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai, mô hình nữ chủ nhà trọ tại các địa phương là rất thiết thực và cần thiết. Do đó, bà Mai mong muốn trong thời gian tới, các nữ chủ nhà trọ sẽ tiếp tục phát huy tốt bai trò là câu nối giữa tổ chức hội và tổ chức Công đoàn với công nhân lao động. Đồng thời đồng hành với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, chia sẻ, hỗ trợ người lao động, góp phần xây dựng TP HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Để chuẩn bị chăm lo tốt công nhân lao động khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024, bà Nguyễn Thị Bạch Mai đề Hội LHPN thành phố và tổ chức Công đoàn thành phố phối hợp, phát huy vai trò của CLB nữ chủ nhà trọ và Tổ công nhân tự quản để nắm tình hình người lao động không có điều kiện về quê đón Tết. Từ đó, phối hợp với đơn vị, đoàn thể tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho công nhân ở lại, xứng đáng TP HCM là thành phố ấm áp, nghĩa tình.