Những người mẹ và hành trình cứu con khỏi bàn tay tử thần

Người mẹ nào sinh con ra chẳng mong chúng lành lặn, khỏe mạnh. Nhưng mười ngón tay cũng có ngón cao ngón thấp, con không toàn vẹn vẫn là con của mẹ. Cả đời này mẹ vẫn mãi bên con.

Cùng con chiến đấu với tử thần

Ngày nhận tin công chúa bé bỏng của mình mắc căn bệnh ung thư buồng trứng, chi Phạm Thị Hiền (trú tại thôn 3, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long, Đắk Nông) như chết lặng. Thế rồi, chị đã mạnh mẽ trở lại, đồng hành cùng con suốt chặn đường dài chiến đấu với “tử thần” và điều kỳ diệu đã xảy ra.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Hiền vào một chiều mưa lạnh, lúc này chị đang loay hoay ở tiệm thuốc mua thuốc cảm về cho cô con gái Nguyễn Thị D.P. (SN 2009). Chị Hiền cho biết, căn bệnh ung thư đã được chế ngự nhưng sức khỏe bé còn yếu nên hay bị bệnh khi thời tiết thay đổi.

Nhớ về ngày tháng cùng con chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, chị Hiền lại rơi nước mắt kể: Từ lúc sinh ra, P. đã bị vẹo cột sống bẩm sinh. Bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật nhưng gia đình không có tiền chữa trị đành để con sống chung với căn bệnh vẹo cột sống. Vậy mà số phận nghiệt ngã vẫn chưa buông tha P.

 Diễm Phương (bên phải) trong ngày khai giảng năm học mới.

Diễm Phương (bên phải) trong ngày khai giảng năm học mới.

Tháng 1/2018, khi tắm cho con, chị Hiền phát hiện bụng em có một cục u, sờ vào di chuyển được. Đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, họ bảo em bé bị u mỡ, kê thuốc uống nhưng không hết. Chị ôm con xuống Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh khám mới hay P. bị ung thư buồng trứng. Tin này khiến chị chết lặng bởi chẳng thể ai tin nổi căn bệnh ung thư lại vận vào người cô bé mới hơn 8 tuổi. Bệnh đã gần giai đoạn cuối, P. bắt buộc phải mổ cắt bỏ khối u nặng hơn 1kg mới có thể duy trì được sự sống.

Từ ngày phát hiện căn bệnh ung thư, gia đình chị Hiền bước vào hành trình giành giật sự sống cùng con. Chồng phải lao lực kiếm tiền đóng viện phí, còn chị ngày ngày bên con, truyền thêm sức mạnh tinh thần cho con gái. Với người bị ung thư, mổ cắt bỏ khối u mới là bước đầu, xạ trị là điều khủng khiếp nhất. Có người đã ngã gục ngay lần đầu truyền hóa chất vậy mà cô bé đã vượt qua hàng chục đợt truyền hóa chất.

Những ngày nằm viện điều trị, em luôn tỏ ra lạc quan, còn mọi đớn đau dồn hết vào cuốn nhật ký. Chị Hiền không biết con gái viết nhật ký từ khi nào, khi dọn phòng mới thấy quyển vở được trang trí đẹp mắt. Mở ra xem, chị mới hay, cô con gái bé nhỏ của mình lại có suy nghĩ rất mạnh mẽ, rất người lớn. Từng dòng nhật ký như thước phim quay chậm, tái diễn những tháng ngày khó khăn nhất của em trong hành trình giành lại quyền sống…

Khi định buông xuôi tất cả, mẹ con Diễm Phương nhận được tin tốt lành: tế bào ung thư được ngăn chặn, cô bé được xuất viện. Không còn lời nào để diễn ta hạnh phúc, chị ôm con mà mà nức nở… Gần một năm trời đồng hành cùng con chiến đấu với “tử thần”, phép màu diệu kỳ đã đến với chị và với cả bé Phương.

 Hai mẹ con chị Hiền

Hai mẹ con chị Hiền

Được về nhà, điều đầu tiên P. muốn làm là được đến trường với bạn bè. Chiều ý con, chị Hiền lên trường xin gặp Ban giám hiệu và kết quả, em được vào học trường Tiểu học Kim Đồng.

Ngày tựu trường, em vui mừng lắm và em lại viết tiếp nhật ký. Qua cách chọn cuốn số mới có màu hồng có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc, lạc quan của em, từ đây cuộc đời em sẽ sang trang vở mới tươi đẹp hơn.

Mẹ già bán rau nuôi 4 con tâm thần

Về thôn 3, xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), hỏi nhà bà Liên (tên thật là Nguyễn Thị Hải, SN 1954), người dân hỏi lại: “Cho gạo bà hả”, “Con bà lại gây ra vụ chi à”... rồi chỉ tay tít xuống con dốc cuối đường.

Nghe tiếng gọi, người đàn bà có mái tóc muối tiêu, đôi mắt u sầu đi từ phía sau ra chào hỏi, mời khách vào nhà. Bước vào trong, một cảnh tượng khó tả, bàn ghế, tủ kính bị đập nát còn ngổn ngang chấn cả lối đi.

Bà Hải ánh mắt đượm buồn, giải thích, thằng Ước (con trai bà) vừa mới lên cơn phá rồi bỏ nhà đi, bà đi bán rau từ sáng, giờ về mới hay nó lại bỏ đi hoang rồi.

 Bà Nguyễn Thị Hải chăm sóc các con bị bệnh tâm thần.

Bà Nguyễn Thị Hải chăm sóc các con bị bệnh tâm thần.

Hỏi về gia cảnh, bà Hải hỏi ngược lại: “Ở tầm tuổi này, cô có thấy ai khổ như bác không?”.

Rồi bà kể, chồng bà từng là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và bị nhiễm chất độc da cam. Vợ chồng bà sinh được 10 người con nhưng mất 2 còn 8 đứa song có tới 6 người con bị di chứng chất độc da cam. Từ ngày sinh ra, các con của bà đi chậm, nói chậm, không lanh lẹ hoạt bát như bao đứa trẻ khác. Kể từ đó, bà xác định cả đời mình sẽ chăm lo cho những đứa con này. Chồng mất, mọi gánh nặng gia đình đều đè lên đôi vai bé nhỏ của bà.

Hằng ngày bà đạp xe ra chợ bán rau, trưa trời lại lật đật về cơm nước cho đàn con. Vất vả, khổ cực đã đành, điều bà Hải lo lắng nhất chính là những đứa con không được bình thường. Chúng đau ốm triền miên, đến bệnh viện như cơm bữa, hết đứa này lại tới đứa kia đến nỗi hầu hết các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar quen mặt với mẹ con bà.

Khổ nhất là những ngày con lên cơn điên, đập phá nhà cửa, bỏ nhà đi hoang rồi gây gỗ với người khác. Người nào biết hoàn cảnh thì thông cảm bỏ qua, còn không họ gọi mắng chửi bà thậm tệ. Có hôm bức quá, bà phải xích con lại, nhốt kín trong phòng nhưng chúng vẫn tìm cách phá nhà để đi. Con làm, mẹ chịu chứ biết sao giờ. Người bà lúc nào cũng căng như dây đàn, không dám rời điện thoại, sợ con xảy ra chuyện.

Đang tâm sự, bỗng phía sau nhà bếp có tiếng kêu réo, bà Hải vội chạy xuống kiểm tra. Thì ra, hai người con của bà đang “biểu tình” vì đói bụng. Bà Hải dỗ ngọt, bới cơm rồi nhẹ nhàng xoa tay, bóp chân cho con. Những lúc tủi hờn, bà Hải chỉ biết nức nở chứ biết kêu ai. Nhưng rồi tận sâu trong nỗi cô đơn ấy, bà Hải vẫn chắt lọc cho mình những niềm vui riêng. Với bà, vui nhất là khi đi làm về có đàn con đứng chờ trước cửa. Đứa xách giỏ, đứa nắm tay mẹ ríu rít như con chim non.

“Chúng dù sao vẫn là máu mủ của bác. Bác chỉ cần có sức khỏe để chăm lo cho chúng. Chỉ sợ mai kia sức tàn lực kiệt, ai sẽ thay bác chăm lo, bảo vệ các con”, bà Hải đưa đôi mắt nhìn về phía xa xăm.

 Bà Nguyễn Thị Hải phải khóa cửa chặt mỗi khi các con lên cơn.

Bà Nguyễn Thị Hải phải khóa cửa chặt mỗi khi các con lên cơn.

Được nghe, chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình yêu của người mẹ dành cho con, càng thấm thía sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Làm mẹ là một thiên chức, là một khát khao nguyên thủy trong mỗi người phụ nữ và sinh con là bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời.

Người con chính là món quà vô giá mà thượng đế ban tặng cho mỗi người phụ nữ một cách vô điều kiện. Cho dù họ là ai, xinh đẹp hay khiếm khuyết, có chồng hay đơn thân thì cũng đều có quyền và xứng đáng trở thành một người mẹ tuyệt vời. Mỗi lần sinh là một lần người mẹ đi qua cửa tử, nhưng chính bởi sự gắn kết máu thịt thiêng liêng ấy mà người phụ nữ luôn dốc hết tâm sức, hy sinh bản thân để con cái có được những ngày tháng yên bình nhất.

Đứa con chính là lẽ sống, là niềm tin để mọi bà mẹ quên đi những hỉ- nộ- ái- ố của cuộc đời. Người mẹ chẳng còn sống cho bản thân mình nữa mà phải vì con vượt qua khó khăn và kiên cường, dành trọn cuộc đời của mình, để yêu thương che chở cho những đứa con.

Còn tình yêu thương nào thiêng liêng hơn, còn mối quan hệ nào bền chặt, khăng khít và bao dung hơn tình mẫu tử. Cho dù ngày mai ra sao thì những bà mẹ vẫn luôn bên cạnh con, đón con trở về:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con…”. (Trích bài thơ “Con Cò” của Chế Lan Viên)

Thủy Phan

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nhung-nguoi-me-va-hanh-trinh-cuu-con-khoi-ban-tay-tu-than-78339.html