Những người nặng lòng với âm nhạc truyền thống

Với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình giải trí mới, các thể loại âm nhạc truyền thống đang ngày càng mai một, ít được nhiều người, nhất là giới trẻ quan tâm. Thế nhưng, ngay giữa lòng Thủ đô vô cùng náo nhiệt, hiện đại bậc nhất cả nước vẫn có những người trẻ luôn 'nặng lòng' với âm nhạc truyền thống.

Để “ngọn lửa” Tuồng cháy mãi

Tuồng (còn gọi là hát bộ, hát bội) là một loại hình nghệ thuật sân khấu cân đối có tính cổ điển, bác học bậc nhất của Việt Nam. Với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn Nôm, tuồng là nghệ thuật tổng hợp có cả văn học, hội họa, âm nhạc, trò diễn… thể hiện giá trị và bản sắc truyền thống của dân tộc. Với việc đưa nghệ thật tuồng xuống phố, những người nghệ sĩ đã và đang đưa một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đến gần hơn với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế…

Các bạn trẻ trong lớp học hát Xẩm tại đình, đền Hào Nam.

Các bạn trẻ trong lớp học hát Xẩm tại đình, đền Hào Nam.

Vào buổi tối cuối tuần, người dân và du khách khi đến tham quan phố cổ Hà Nội, khi ngang qua khu ngã tư Mã Mây, Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), sẽ được xem nhiều trích đoạn tuồng nổi tiếng.

Tuồng cổ ngoài đường phố giúp mọi người dân đều có thể tiếp cận loại hình nghệ thuật vốn thường biểu diễn trong nhà hát phải mua vé vào cửa. Đều đặn 2 buổi biểu diễn vào 20h thứ Sáu và Chủ Nhật hàng tuần, một sân khấu nhỏ trước cửa đền Hương Tượng trên phố Mã Mây, Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại sáng đèn phục vụ công chúng với những vở diễn Tuồng, được biểu diễn bởi các nghệ sĩ Tuồng đã về hưu biểu diễn.

Đối với mỗi nghệ sĩ, niềm đam mê cháy bỏng với nghề đã thôi thúc họ tiếp tục biểu diễn để luôn giữ được ngọn lửa Tuồng còn cháy mãi với thời gian.

Theo nghệ sĩ nhân dân Văn Thủy: “Với niềm đam mê nghề nghiệp, say nghề, bởi chúng tôi sống với nghề từ nhỏ tới lúc nghỉ hưu là hơn 40 năm, cái nghề nó ngấm vào máu nên khi nào có thể biểu diễn được để phục vụ nhân dân là chúng tôi đi diễn”.

Các trích đoạn được lựa chọn đều có đề tài dễ hiểu với mục đích giới thiệu về nhạc tuồng, múa tuồng, hóa trang và phục trang tuồng từ đó hiểu về đặc sắc cơ bản của hình thức diễn xướng sân khấu này. Với công chúng, khi bộ hành qua những con phố cổ có mang tâm thế xem để giải trí, để biết mà không quá khắt khe thì chính cách các nghệ sĩ nghiêm túc làm nghề cũng để lại dấu ấn tốt đẹp về tuồng trong lòng công chúng.

Bạn Nguyễn Như Quỳnh - du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Ở Thành phố Hồ Chí Minh, mình có học và biết qua về nghệ thuật tuồng, chèo. Mình khá là ấn tượng bởi nó có cái thu hút đặc biệt mà mình không tả được. Khi mình đi qua phố cổ và mình muốn dừng chân lại để xem và mình thấy nó khá là thú vị, để mình có thể biết thêm được về văn hóa của đất nước mình”. Chị Nguyễn Thanh Hằng (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) cho biết: “Mình cảm thấy rất vui, cảm thấy như mình được quay lại cảm xúc xa xưa thời mình còn nhỏ. Bởi hiện tại những chương trình biểu diễn như này rất là ít, may ra ở thành phố lớn thì họ có biểu diễn chứ ở địa phương của mình không có biểu diễn trực tiếp mà chỉ được xem qua tivi, mà trẻ em giờ hiện tại lại không xem những chương trình này”.

Kết nối Xẩm với thế hệ trẻ

Hát Xẩm là loại hình âm nhạc dân gian giàu tính nhân văn, độc đáo cả về nội dung và cách thể hiện. Những năm qua, những nghệ nhân tâm huyết đã và đang nỗ lực truyền dạy, bảo tồn môn nghệ thuật dân gian truyền thống này cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Kỳ nghỉ hè năm nay, thay vì lựa chọn đi du lịch, em Nguyễn Phúc Tường Uyên (tỉnh Quảng Ninh) lại lựa chọn tham gia lớp học hát Xẩm. Cứ đều đặn hàng tuần, Tường Uyên lại đến lớp học hát xẩm do nghệ sĩ Thu Phương truyền dạy tại di tích đình, đền Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội). Điều đặc biệt của lớp học này là lớp học không thu học phí, không yêu cầu trình độ đầu vào, chỉ cần có niềm yêu thích, đam mê với âm nhạc dân gian và hát xẩm.

Nguyễn Phúc Tường Uyên cho biết: “Giai điệu của Xẩm rất là hay, nó có một cái đặc trưng riêng của nó khiến em cảm thấy rất sâu sắc. Trong quá trình học, em thấy có nhiều cái rất khó như làn điệu khó hát, khi được cầm phách thì em cũng cảm thấy khó cầm và dễ đánh sai nhịp”. Còn chị Lê Thị Giang (quận Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ: “Từ khi mình còn đang bầu bạn ý thì mình đã nghe các làn điệu dân ca rồi, từ nhỏ lớn lên mình cũng mở cho bạn ý nghe, ru bạn ý ngủ bằng dân ca. Bởi mình mong muốn con thích âm nhạc dân tộc, hồn cốt quê hương qua đó có thể gìn giữ và phát huy được nghệ thuật truyền thống”.

Từ lúc chưa biết gõ phách, đánh nhịp… đến lóng ngóng những câu hát xẩm đầu tiên, sau một thời gian tham gia học và thực hành, đến nay, các thành viên nhí của lớp đã có thể tự tin trình diễn trên những sân khấu chuyên nghiệp, tiếp tục kế thừa, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo nghệ sĩ Thu Phương - Trung tâm Nhạc truyền thống Thăng Long: “Với mong muốn được bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của cha ông để lại, trong đó có hát xẩm. Và để nối tiếp lịch sử dân gian thì việc đào tạo rất là quan trọng, chúng tôi cũng có quan niệm rằng không có việc nào tốt hơn bằng việc đào tạo con người. Sau khi hướng dẫn các bạn nhỏ có thể học được các bài hát, những làn điệu cơ bản của hát xẩm thì chúng tôi sẽ đưa ra sân khấu để trình diễn và giới thiệu với công chúng”.

Việc truyền dạy hát xẩm cho thế hệ trẻ không chỉ làm sống lại nghệ thuật xưa, mê mẩn trước “sức sống” bền bỉ của loại hình nghệ thuật này trong xã hội đương đại mà còn là bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, để thế hệ trẻ có cái nhìn mới về văn hóa truyền thống.

Nghệ sĩ nhân dân Hương Thơm cho biết: “Ngọn lửa tuồng trong người chúng tôi lúc nào cũng luôn luôn cháy, bởi mình vẫn còn sức khỏe, vẫn còn khả năng biểu diễn, vẫn muốn gửi đến khán giả những gì đặc trưng nhất của nghệ thuật tuồng. Thứ hai là khi mình biểu diễn, mình cũng sẽ là tấm gương để thế hệ trẻ nhìn vào những nghệ sĩ như chúng tôi mặc dù lớn tuổi nhưng vẫn luôn cháy bỏng niềm đam mê với nghệ thuật”.

Trần Việt - H.Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-nguoi-nang-long-voi-am-nhac-truyen-thong-175161.html