Những người nâng tầm giá trị nông sản Việt

Xuất phát từ tình yêu nông nghiệp, hiểu được sự vất vả của bà con, cùng với tư duy đổi mới, sáng tạo, nhiều phụ nữ ở Long An đã tự tin, mạnh dạn chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, vươn lên làm kinh tế giỏi, làm chủ doanh nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần nâng tầm giá trị nông sản, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.

HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thuận ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất thay thế phương thức sản xuất truyền thống. Ảnh: Ái Vân

HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thuận ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất thay thế phương thức sản xuất truyền thống. Ảnh: Ái Vân

Vĩnh Thuận là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Hưng, thu nhập của người dân dựa vào cây lúa, nhưng tình trạng được mùa, mất giá xảy ra thường xuyên. Người dân phần lớn sản xuất theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng công nghệ kỹ thuật vào trồng lúa. Do đó, gieo xạ rất dày, bón nhiều phân, phun thuốc cũng nhiều, trung bình 200kg/ha.

Băn khoăn trước tình trạng này, bà Nguyễn Thị Diệu Ngân đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa giống với 5 thành viên tham gia. Những thành viên Tổ hợp tác bắt buộc phải giảm lượng giống gieo xạ từ 200kg/ha xuống còn 100kg/ha, đưa cơ chế hóa vào đồng ruộng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào đồng ruộng. Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thuận được thành lập, chuyên sản xuất gạo sạch và chất lượng, do bà Nguyễn Thị Diệu Ngân làm Giám đốc. Khi mới thành lập, HTX có 9 thành viên, với diện tích sản xuất 35ha.

Bằng sự khéo léo, nhiệt tình, tâm huyết trong sản xuất nông nghiệp, lại được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thuận từng bước xây dựng được uy tín cho riêng mình. Đến nay, diện tích của HTX sản xuất trên 500ha, có hơn 80 thành viên tham gia. Trong đó, có 120ha lúa giống theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, 50ha sản xuất theo hướng VietGap hữu cơ, phần diện tích còn lại HTX tổ chức sản xuất theo hướng an toàn. HTX hỗ trợ chi phí từ 10 đến 20% tùy vào các loại máy cho các thành viên khi sử dụng dịch vụ, cơ giới hóa.

Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết: "Ban đầu, đào tạo người gieo giống, bà con cũng không tin tưởng lắm vào những hợp đồng đã ký có thực hiện được hay không. Tuy nhiên, sau một, hai vụ, bà con thấy hợp đồng ký có bao tiêu cả đầu ra lẫn đầu vào, giá cả ổn định nên nhiều người cũng muốn tham gia. Muốn tạo niềm tin, mình phải đem lợi ích về cho bà con, nhất là việc giảm chi phí nhưng không bị phụ thuộc vào lợi nhuận, bà con nhìn thấy sẽ tin tưởng và xin vào HTX".

Để làm nên thương hiệu HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thuận, tiếp cận nhanh các chính sách mới của Đảng, Nhà nước dành cho kinh tế tập thể là phương châm được bà Ngân thực hiện. Nhờ vậy, HTX được đầu tư hơn 7 tỷ đồng từ dự án Vnsas để đầu tư đường giao thông, nhà xưởng, trạm bơm, điện. 100% thành viên HTX được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đến nay, các thành viên HTX tiếp tục tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải khí nhà kính gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Cũng như bà Nguyễn Thị Diệu Ngân, bà Trần Thị Ngọc Lan - chủ cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng cũng băn khoăn, trăn trở tìm hướng đi cho nông sản quê hương, dù không biết bao nhiêu lần thất bại. Quyết tâm nâng tầm nông sản quê hương, bà Lan kiên trì, bền bỉ vượt qua muôn vàn khó khăn, rào cản để khoác tấm áo mới cho những món nhà quê... Cơ duyên bà gắn bó với những món nhà quê bắt đầu từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, khi đó, cơ sở thu mua lục bình của gia đình bà tạm dừng hoạt động, bà Lan bắt đầu làm món me ngò xào đường, ngò sốt me. Ban đầu, bà chỉ làm để cho gia đình, gửi tặng bạn bè, người thân vào các dịp lễ, Tết.

Thấy sản phẩm ngon, chất lượng, nhiều người đến hỏi mua, bà nâng dần số lượng, từ đó, bà bén duyên với nghề chế biến thực phẩm từ nông sản địa phương. Bà Trần Thị Ngọc Lan cho biết: "Nhìn xung quanh nhà mình, quê mình, thấy cây trái người ta trồng nhiều nhưng không bán được, mình cũng nghĩ chế biến ra món gì đó để giúp bà con nông dân, giải cứu được hoa quả địa phương lúc mất mùa được giá, hoặc được giá mất mùa, trồng nhiều bán không ai mua. Mình làm ra sản phẩm này tiêu thụ cho bà con có thu nhập nhiều hơn".

Các sản phẩm đạt OCOP của cơ sở sản xuất thực phẩm Ngọc Lan được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh: Ái Vân

Các sản phẩm đạt OCOP của cơ sở sản xuất thực phẩm Ngọc Lan được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh: Ái Vân

Hiện nay, cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan có gần 20 sản phẩm, có 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm OCOP là nông sản địa phương, qua bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề, với sự đổi mới, sáng tạo của bà Lan, sự đầu tư bài bản với trang thiết bị, máy móc hiện đại đã chế biến ra những món đặc sản nổi tiếng mang hương đồng quê. Trung bình hàng tháng cơ sở cung cấp ra thị trường hàng ngàn sản phẩm các loại, đặc biệt nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là dấu ấn đáng tự hào, đánh dấu bước chuyển mình ngoạn mục từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, góp phần cho đặc sản quê hương, vươn tầm thế giới.

Để có được kết quả như vậy, bà Lan đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Song với bản tính của người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại, tự tin, trung hậu, đảm đang, bà Lan đã khẳng định được bản lĩnh của mình. "Khó khăn nhất là nguồn nhân lực, nguồn vốn, kinh phí để sản xuất..., nói chung về kỹ thuật, mình phải học hỏi rất nhiều, mỗi lần học thêm một chút kinh nghiệm về áp dụng vào làm mới, sáng tạo tiến bộ dần lên. Hồi xưa, trái cà na mình chỉ chẻ thôi, không lấy hạt được, đến nay, mình đã làm ra trái cà na không hạt... Do đó, bây giờ thấy phụ nữ vượt khó, lập công ty, làm hàng xuất khẩu đi được khắp nơi, thấy người ta làm được, mình cũng học tập để làm theo" - Bà Trần Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Đây là những bí quyết giúp cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan khẳng định được thương hiệu, mẫu mã cho từng sản phẩm. Theo đó, hầu hết các hội chợ xúc tiến thương mại nào ở địa phương, trong và ngoài tỉnh, bà Lan đều mang sản phẩm của mình tham gia trưng bày. Những lần tham gia như vậy, cơ sở không bán được bao nhiêu sản phẩm, lợi nhuận không đủ chi phí đi lại, song bà Lan vẫn kiên trì tham gia, bởi đây chính là cách để giúp cho bà Lan quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường và khách hàng tiềm năng. Đến nay, đạt được những thành quả này, cơ sở chế biến thực phẩm của bà Lan đã góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm giá trị nông sản quê, phát huy tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-nang-tam-gia-tri-nong-san-viet-post484924.html