Những người nên hạn chế dùng giấm táo
Giấm táo được chứng minh mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe, nhất là sức khỏe đường ruột, nhưng không phải ai cũng có thể dùng được giấm táo.
Giấm táo là loại thực phẩm lên men chứa nhiều sinh vật có lợi được tạo ra thông qua quá trình lên men. Chúng hoạt động như chất bổ sung lợi khuẩn, cung cấp cho đường ruột những vi khuẩn có lợi, giúp củng cố hàng rào bảo vệ đường ruột, chống lại vi khuẩn gây bệnh.
Tác dụng của giấm táo với đường ruột
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời TS Phạm Thùy Dương, Giảng viên khoa Công nghệ sinh học, Đại học Phương Đông cho biết, thực phẩm lên men có nhiều vi khuẩn lactic, probiotics giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại trong hệ tiêu hóa và cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Chúng chứa nhiều enzyme góp phần thúc đẩy quá trình phá vỡ các hợp chất carbohydrate, protein trong thức ăn, giúp tiêu thụ thức ăn tốt hơn và kích thích sản sinh vitamin.
Các nghiên cứu cho thấy, giấm táo có thể chống lại các vi khuẩn có hại cho đường ruột, chẳng hạn như E.coli. Nếu không được kiểm soát, những vi khuẩn này dễ gây ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Nó cũng có thể giúp chống lại Candida, một loại nấm dẫn đến nhiễm trùng nấm men đường ruột.
Acid axetic trong giấm táo ảnh hưởng tích cực đến các enzyme tiêu hóa trong ruột, làm tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể. Đối với một số người, sử dụng giấm táo làm giảm các triệu chứng đầy hơi và khó tiêu. Điều này là do đặc tính kháng khuẩn của nó có tác dụng kiểm soát vi khuẩn đường ruột.
Những người nên hạn chế sử dụng giấm táo
Giấm táo tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể dùng được. Dưới đây là những người được khuyến cáo nên hạn chế sử dụng giấm táo:
Đang dùng thuốc tim, thận, trị tiểu đường
Báo Thanh Niên dẫn nguồn chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ) cho biết, theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học BMJ Nutrition không nên uống giấm táo nếu đang dùng thuốc tim hoặc thận.
Ngoài ra uống nhiều giấm táo cũng có thể tương tác với các loại thuốc như digoxin, insulin, thuốc trị tiểu đường và thuốc lợi tiểu.
Tiền sử hạ kali máu
Kết hợp giấm táo và thuốc tiểu đường cũng có thể làm giảm hàm lượng kali trong máu. Điều này làm tăng nguy cơ hạ kali máu và bạn có thể bị táo bón, nhịp tim chậm, mệt mỏi, tổn thương cơ, ngứa ran, đánh trống ngực và tê.
Người bị tăng huyết áp đang điều trị
Thuốc tăng huyết áp thường gồm thuốc lợi tiểu giúp thải natri ra ngoài cơ thể. Những loại thuốc này còn được gọi là thuốc dạng lỏng. Khi natri giảm, nó cũng làm giảm mức kali. Một lần nữa, việc kết hợp giấm táo và thuốc lợi tiểu càng làm giảm hàm lượng kali trong máu, gây ra một số vấn đề về sức khỏe.
Người có tiền sử dị ứng
Một nguyên tắc an toàn chung cần tuân theo khi sử dụng giấm táo là hãy bắt đầu với lượng nhỏ. Bạn nên bắt đầu với tối đa 2 muỗng canh mỗi ngày và xem liệu nó có phù hợp với cơ thể của bạn hay không. Khả năng chịu đựng của mọi người đối với giấm táo khác nhau và một số thậm chí có thể bị dị ứng.
Người bị mòn răng, ê buốt răng
Giấm táo có thể gây hại cho răng của bạn do axit axetic có trong nó. Vì vậy, hãy thử pha loãng giấm táo hoặc súc miệng sau khi tiêu thụ. Nhưng không đánh răng ngay lập tức.
Người có hệ tiêu hóa kém
Nếu hệ thống tiêu hóa của bạn hoạt động chậm, giấm táo có thể ảnh hưởng đến các cơ trong dạ dày của bạn. Trong trường hợp như vậy, hãy giới hạn dùng ở mức 1 thìa cà phê mỗi ngày pha với nước hoặc rắc vào món salad hoặc tránh sử dụng.
Lưu ý: Tuyệt đối không được uống giấm táo nguyên chất. Cần phải pha loãng 1 muỗng canh giấm táo trong 1 ly nước (240 ml) trước khi uống.
Nên trao đổi với bác sĩ, chuyên gia nếu gặp bất kỳ tác dụng không mong muốn nào sau khi dùng giấm táo.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-nguoi-nen-han-che-dung-giam-tao-ar890677.html