Những người sau mặt báo

Mùa thu năm 2013, sau 3 năm ra trường và chinh chiến ở các tờ báo điện tử khác nhau, tôi bước chân vào trụ sở số 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội) của báo Tiền Phong.

Được làm lính ở báo Tiền Phong là hiện thực hóa ước mơ trải nghiệm làm báo giấy - mơ ước của đa số sinh viên học báo chí thời kỳ đó. Lại được làm ở tờ báo giấy có vị thế hàng đầu, khi đó tròn 60 tuổi còn gì tuyệt vời hơn.

Ngày đầu về báo, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội Phạm Đình Thắng (người giới thiệu tôi về báo) dẫn tôi ra mắt Tổng Thư ký Tòa soạn (TKTS) Lê Minh Toản (nay là Phó Tổng Biên tập) cùng một số người anh tại báo. Chuyện trò buổi ra mắt, anh Toản hỏi tôi lý do bỏ sự ổn định đang có ở tờ báo cũ để về Tiền Phong với vị trí phóng viên tập sự? Tôi thuật lại suy nghĩ, rồi Tổng Thư ký chốt: “Nếu thế chưa đủ có thể anh sẽ bye bye chú sớm! (chia tay sớm).

 Kíp trực Thư ký tòa soạn duyệt bản PDF (trang báo chuẩn trước khi truyền nhà in) Trong ảnh (trái sang): Phó TBT Lê Minh Toản, phó Tổng TKTS Nguyễn Minh Tuấn, Kỹ thuật viên Đặng Hồng Quý, phó Tổng TKTS Lê Văn Thành Ảnh: Vũ Lương

Kíp trực Thư ký tòa soạn duyệt bản PDF (trang báo chuẩn trước khi truyền nhà in) Trong ảnh (trái sang): Phó TBT Lê Minh Toản, phó Tổng TKTS Nguyễn Minh Tuấn, Kỹ thuật viên Đặng Hồng Quý, phó Tổng TKTS Lê Văn Thành Ảnh: Vũ Lương

Câu chuyện của buổi đầu ra mắt đó, xét sơ có thể nghĩ là một rào cản với tôi trong việc hòa nhập với tòa soạn Tiền Phong, cũng có thể khiến bài vở của tôi khó được đăng. Do Tổng TKTS là người có quyền quyết định chỉ sau Tổng Biên tập, Ban Biên tập để đăng hay không, đăng thế nào với một bài báo phóng viên và ban chuyên môn gửi lên. Nhưng không, với những người làm báo chuyên nghiệp, tại một tòa soạn chuyên nghiệp, cảm nhận cá nhân sẽ được gạt sang bên cho công việc chung của tập thể, với sứ mệnh cao hơn là phục vụ bạn đọc. Điều đó đã được minh chứng, sau buổi đầu đó, tới nay tròn một thập kỷ, bài với tên tôi vẫn xuất hiện đều đặn trên báo. Tôi luôn nghĩ mình là phóng viên mới về báo, phải luôn học hỏi, và còn theo tôi lâu nữa - tôi nghĩ vậy.

Cái danh Thư ký tòa soạn dường như nói lên tất cả công việc sau mặt báo. Họ như người đầu bếp chuyên nghiệp sau bức vách nhà hàng. Một bài báo gây tiếng vang, được giải thưởng… bạn đọc thường chỉ thấy tên tác giả. Khi bài có lỗi, bị phạt, đương nhiên Thư ký cũng được… chia phần.

Mỗi bài báo phóng viên gửi về tòa soạn, cơ bản sẽ qua 2 cấp biên tập (cấp lãnh đạo Ban và vòng chốt là TKTS) chính trước khi Ban Biên tập duyệt đi nhà in. Đầu tiên, lãnh đạo ban gột rửa, TKTS chế biến thành món “thơm lừng” “đậm vị”. Lãnh đạo ban có thể vị tình cho qua một sản phẩm chưa hoàn hảo, nhưng tới tay TKTS rất khác. Để bạn đọc có món ăn ngon, bổ, không sạn, thư ký sẽ chẳng thương tiếc, vị tình gì mà cố cho đăng, thậm chí vứt thẳng sọt rác nếu tin bài đó chỉ làm mất thời gian bạn đọc.

Chính sự khắt khe, trách nhiệm của các anh chị làm TKTS báo Tiền Phong đã âm thầm giúp tôi trưởng thành về nghề. Một bài báo không được đăng, những bài phản ánh, thậm chí bài phóng sự TKTS chế biến cho ngót thành cái tin bé như hộp diêm là bài học không cần giảng, không nói nhiều. Từ trải nghiệm của mình, những anh chị thư ký, trong sự giới hạn về thời gian, vẫn tương tác trực tiếp với phóng viên. Một số tin, bài thư ký sẽ trao đổi với phóng viên để làm rõ vấn đề, cách diễn đạt, các lỗi cần khắc phục cho chỉn chu.

Có câu truyền miệng trong báo Tiền Phong do TKTS tự nhận rằng: “Tiền Phong có 2 loại người, một là người tốt, hai là... TKTS” ám chỉ TKTS luôn hành hạ, khắt khe với phóng viên.

L.H.Việt

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-nguoi-sau-mat-bao-post1587097.tpo