Những người 'sưởi ấm' vùng cao biên giới Hướng Hóa

Những tấm áo, đôi dép, vở tập hay nhu yếu phẩm của các nhà hảo tâm chính là điểm tựa để các em học sinh vùng Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vượt qua khó khăn cuộc sống thường ngày, tiếp thêm động lực trên con đường chinh phục giấc mơ con chữ. Đặc biệt, sự quan tâm, chia sẻ của các thầy cô giáo, những người lính Biên phòng như ngọn lửa ấm giúp các em xua đi cái lạnh ngày Đông biên giới.

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở A Xing khi nhận áo ấm. Ảnh: Trúc Hà

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở A Xing khi nhận áo ấm. Ảnh: Trúc Hà

Tháng 10, nhiều nơi vẫn còn nắng nóng, thế nhưng, ở vùng Lìa (là tên gọi vùng đất nằm về phía Tây Nam tỉnh Quảng Trị, bao gồm các xã: Thanh, Thuận, Hướng Lộc, A Xing, A Túc, Xy, A Dơi và Ba Tầng) đã bước vào đầu mùa Đông với những cơn gió lạnh thổi ràn rạt từ sông Sê Pôn. Đây là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Vân Kiều, Pa Cô. Xuất phát điểm thấp, bởi vậy mà cuộc sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là trăn trở của chính quyền địa phương, người lính Biên phòng và cả những thầy, cô giáo có nhiều năm gắn với vùng Lìa.

30 năm làm nghề gieo chữ, thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa) cũng là ngần ấy thời gian gắn bó với học sinh Pa Cô, Vân Kiều ở các xã biên giới Thanh, A Xing và Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa). Tấm lòng của người thầy giáo miền xuôi với học sinh nơi biên giới không chỉ là truyền giảng kiến thức, mà còn là trăn trở trước những khó khăn của học sinh. Thương học trò nghèo, thầy Nguyễn Mai Trọng đã vận động, kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, mạnh thường quân ủng hộ vật chất cho học sinh, trị giá hàng trăm triệu đồng. Mới đây nhất, ngày 1/10, thầy Nguyễn Mai Trọng đã kết nối với chị Nguyễn Thị Hương (trú tại tỉnh Bình Dương) để trao 1.000 chiếc áo ấm, 1.000 đôi dép, 5.000 cuốn vở, 10 xe đạp tặng cho học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở A Xing và gần 5 triệu đồng để cắt kính cho những học sinh bị tật khúc xạ. Chị Nguyễn Thị Hương cũng gửi lại 50 triệu đồng tiền mặt để thông qua Đồn Biên phòng Thanh (BĐBP Quảng Trị), nhà trường trao tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thầy Nguyễn Mai Trọng, một cái tên vô cùng đáng kính đối với nhiều thế hệ học trò của huyện vùng cao Hướng Hóa. Thầy Trọng đến với bà con Vân Kiều, Pa Cô từ cái thời còn phải đi bộ dọc theo sông tới con đường chỉ đi được vào mùa khô và nay đã được trải nhựa. Thầy Trọng không nhớ hết được mình đã dạy bao nhiêu học trò, chỉ biết rằng, ngày xưa dạy chữ cho cha mẹ, nay lại dạy con. Những câu chuyện “tận tâm với biên giới” của thầy Nguyễn Mai Trọng nhiều lắm. Không chỉ là gieo con chữ, vận động người dân hiến đất làm trường hay vận động mạnh thường quân ủng hộ cái áo, tấm chăn, tập vở, bàn học... mà người thầy giáo ấy rất quan tâm tới việc gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào.

Khoảng 10 năm trước, thầy Nguyễn Mai Trọng biết được thông tin nhà bà Ăm Thí (85 tuổi, thôn A Máy, xã Lìa) đang cất giữ một “báu vật” của dòng họ A Xớp. Đó là chiếc áo “Vân phụng tiên y” do triều đình nhà Nguyễn ban tặng. Chiếc áo được thêu bằng tay với kỹ thuật hoàn hảo. Từ việc phối màu đến thực hiện các chủ đề, nội dung gắn kết trên áo được làm rất công phu. Theo thời gian, phần vải bên ngoài đã mục và rách nhiều chỗ, tuy nhiên, về giá trị lịch sử, chiếc áo này là sự ghi nhận của nhà vua với cộng đồng dân tộc Pa Cô, Vân Kiều đã chiến đấu, chống giặc ở miền biên viễn này. Biết đây là “báu vật”, thầy Trọng đã tham khảo các chuyên gia, xin ý kiến chính quyền để đưa “Vân phụng tiên y” vào tủ kính, bắt đèn, điện để trang phục này được bảo quản lâu hơn. Định kỳ 2 tháng một lần, các học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở A Xing được học ngoại khóa về chiếc áo “Vân phụng tiên y” tại ngôi nhà sàn của bà Ăm Thí để hiểu hơn và được tự hào về lịch sử của quê hương.

Chị Nguyễn Thị Hương bất ngờ khi được bà con tặng quà là nông sản do bà con tự trồng. Ảnh: Trúc Hà

Chị Nguyễn Thị Hương bất ngờ khi được bà con tặng quà là nông sản do bà con tự trồng. Ảnh: Trúc Hà

Trong câu chuyện của thầy Nguyễn Mai Trọng luôn nhắc đến sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, đặc biệt là Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh. Gắn bó với vùng Lìa từ năm 2020, Trung tá Ngô Trường Khôi luôn dành sự tâm huyết cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thời gian công tác ở vùng Lìa là những tháng ngày đong đầy thêm tình yêu với biên giới, với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô nơi đây, bởi cũng như bất cứ người lính Biên phòng nào khác, đối với anh, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Người dân vẫn nhắc đến Đồn trưởng Khôi - người khởi xướng dự án 1 triệu cây xanh trồng dọc bờ sông biên giới Sê Pôn để người dân vừa có thu nhập lại chống được sạt lở mỗi khi mưa lũ về. Anh cũng được biết là người tích cực kết nối khi đã vận động, kêu gọi được rất nhiều: Tặng bàn ghế, quần áo, nhu yếu phẩm, công trình ánh sáng vùng biên, bữa ăn cho học sinh trên địa bàn, trị giá cả tỷ đồng.

Trung tá Ngô Trường Khôi luôn nhận được sự yêu quý của các cháu học sinh qua ánh mắt trìu mến, ngưỡng mộ và lời chào thật lễ phép mỗi khi gặp. Chứng kiến việc làm thiện nguyện của chị Nguyễn Thị Hương, Trung tá Ngô Trường Khôi chia sẻ: “Sự chung tay của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân như chị Nguyễn Thị Hương thật trân quý. Đây là sự đồng hành, chia sẻ với người dân biên giới để vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của chị Nguyễn Thị Hương cũng như nhiều mạnh thường quân khác, bởi người dân có cuộc sống ấm no thì biên giới mới vững mạnh”.

Đối với chị Nguyễn Thị Hương, đây không phải lần đầu làm thiện nguyện ở Quảng Trị. 4 năm trước, chị đã vượt mưa lũ, sạt lở để đến với bà con nhân dân xã Hướng Phùng sau đợt mưa lũ lịch sử. Cảm kích tấm lòng của thầy Nguyễn Mai Trọng với học sinh đồng bào các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều nơi biên giới, chị tự nhủ sẽ quay lại vì chị biết rằng còn rất nhiều người vất vả, khó khăn cần được giúp đỡ. Chị cẩn trọng đến tận nơi để tìm hiểu những học sinh của thầy Nguyễn Mai Trọng thật sự cần gì, số lượng bao nhiêu rồi sau đó mới kêu gọi bạn bè của mình cùng chung tay. Là phật tử, chị Nguyễn Thị Hương không bao giờ tính thiệt hơn, cho đi không mong nhận lại điều gì ngoài sự an yên cho tâm hồn.

Theo chị Nguyễn Thị Hương, những phần quà này là của các mạnh thường quân đóng góp, chị chỉ là người đến trao giúp mọi người. Ngày chia tay học sinh, bà con vùng Lìa, những mẹ già cứ nắm tay chị thật chặt, các em nhỏ nhìn chị với đôi mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên nhưng hàm chứa đầy sự biết ơn. Nhiều người tự chuẩn bị những món quà “của nhà trồng được”, là trái bưởi, mớ rau, củ măng, rồi có khi là đùm gạo chừng nửa kí... để chị Hương mang về Bình Dương dùng và cảm nhận tấm lòng của bà con. Chao ơi! Xúc động và thương thật là thương.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-quotsuoi-amquot-vung-cao-bien-gioi-huong-hoa-post482078.html