Những người thầm lặng
Bỏ qua nỗi lo lây nhiễm, hạnh phúc cá nhân, những con người bình dị làm việc tại các khu cách ly, nơi có nhiễm SARS-COV-2 đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, chăm sóc sức khỏe cho người dân, ngăn ngừa dịch bệnh lan ra cộng đồng.
Vào điểm nóng
Những ngày qua, dịch bệnh COVID-19 trên cả nước đang có diễn biến khó lường. Số người nhiễm bệnh ngày một tăng, số người phải cách ly để theo dõi cũng tăng lên khiến người dân không khỏi lo lắng. Khi nhiều người tìm cách tránh xa những khu vực này, vẫn còn đó những “chiến binh” sẵn sàng tiến thẳng tâm dịch.
Mới ra trường và vào làm việc được 6 tháng thì có lệnh điều động của bệnh viện đến khu cách ly. Dù biết gia đình phản đối nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Sương (bệnh viện quận 7, TPHCM) vẫn lên đường nhận nhiệm vụ.
Ngày đầu vào làm việc tại khu cách ly ở quận 7, TPHCM chị Sương phải giấu gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng. “Lúc chuẩn bị đi bố mẹ cương quyết rằng, nếu bắt buộc thì nghỉ việc ở nhà bố mẹ nuôi cũng được. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình là bác sĩ, chăm sóc sức khỏe cho người dân là nhiệm vụ của mình, mình không đi thì ai đi?", chị Sương chia sẻ.
Làm việc tại khu cách ly từ đầu mùa dịch đến nay, dù đôi lúc mệt mỏi, lo lắng nhưng với lương tâm và trách nhiệm của một bác sĩ, chị Sương tự động viên mình cố gắng vượt qua những khó khăn trở ngại. “Những ngày đầu khu cách ly mới tiếp nhận ít người nên đỡ vất vả. Sau này tình hình phức tạp, lượng người vào cách ly đông nên công việc theo đó chất chồng. Dù vất vả nhưng mình cố gắng để hoàn thành cho tốt công việc”, chị Sương nói.
Tại đây, mỗi ngày hai lần chị thực hiện việc thăm khám, đo thân nhiệt cũng như hỏi thăm sức khỏe những người đang thực hiện cách ly. Khi người đang thực hiện có những diễn biến tâm lý tiêu cực chị đến động viên, chia sẻ để họ vượt qua khó khăn. “Có một chú khi vào cách ly được vài ngày thì gia đình có người bị tai nạn giao thông khiến tinh thần chú bị suy sụp. Tôi và những bác sĩ làm việc ở đây hàng ngày vào nói chuyện, động viên để chú nguôi ngoai và an tâm hơn”, bác sĩ Sương kể.
Không làm trong các khu cách ly nhưng từ đầu mùa dịch đến nay, những y bác sĩ làm việc tại trung tâm cấp cứu 115, TPHCM cũng ngày đêm "chiến đấu" với dịch COVID-19 khi họ sẵn sàng lên đường đưa người đi cách ly bất cứ lúc nào tổng đài của trung tâm nhận được điện thoại.
Vừa hoàn thành chuyến xe chở người nghi nhiễm Sars-cov2 từ quận Thủ Đức về khu cách ly, y sĩ Lê Văn Dũng (Trung tâm cấp cứu 115) cởi vội bộ đồ bảo hộ, vệ sinh sát trùng rồi lại chuẩn bị tinh thần để tiếp tục lên đường khi có yêu cầu. Anh Dũng cho biết, từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng người từ nước ngoài về tăng cao cũng là lúc nhân viên Trung tâm và các trạm cấp cứu vệ tinh phải làm việc hết công suất vì vừa tham gia đưa người đi cách ly, vừa vận chuyển người bị bệnh, tai nạn… đi cấp cứu.
“Cứ nhận được lệnh điều động là chúng tôi lại mặc đồ bảo hộ kín mít từ chân đến đầu sẵn sàng xuất phát", y sĩ Dũng nói.
Những “chiến binh” không chuyên
Không chỉ những người làm trong nghề y xung kích đến các điểm nóng để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, những người làm trong Hội Phụ nữ, dân phòng, công an khu vực cũng là những “chiến binh” không chuyên thường trực tại các điểm cách ly khu dân cư có người nhiễm SARS-COV-2.
Từng là điểm nóng nhất ở TPHCM khi phải cách ly toàn bộ chung cư hơn 1.000 người vì phát hiện bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2 (bệnh nhân thứ 48), cuộc sống của người dân ở chung cư Hòa Bình, quận 10, TPHCM giờ đã dần đi vào ổn định. Khi nhắc lại những ngày đầu cách ly, những cán bộ làm nhiệm vụ tại đây vẫn chưa quên được cảm giác lo âu cũng như những kỷ niệm với cư dân.
Bà Trần Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 14, quận 10, TPHCM cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin chung cư Hòa Bình có người bị nhiễm SARS-COV-2, bà đã trực tiếp đến để vận động người dân tại đây thực hiện các biện pháp cách ly. Đồng thời, hỗ trợ người dân trong việc mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. “Những ngày đầu cách ly người dân tỏ ra khá lo lắng vì không được đi làm, cuộc sống đảo lộn. Chúng tôi phải đến tuyên truyền, giúp người dân trong việc mua rau củ, các nhu yếu phẩm. Người bị bệnh thì giúp họ gọi điện đọc tên thuốc”, bà Thủy cho hay.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường 14, quận 10, TPHCM nhớ lại, khoảng 22h đêm 13/3, ngay khi nhận được lệnh cách ly chung cư Hòa Bình, bà ngay lập tức chạy đến hiện trường để phối hợp với các cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm. Khi công tác lấy mẫu đang triển khai thì đến 1h30 sáng, bà nhận được yêu cầu phải chuẩn bị gần 600 suất ăn sáng để đến 5h sáng phục vụ bà con cách ly.
Lúc này, những người làm trong Mặt trận phường lập tức đôn đáo tìm nguồn thực phẩm an toàn để phục vụ bà con. Đến gần 6h sáng, toàn bộ gần 600 suất ăn sáng được đưa đến chung cư Hòa Bình phục vụ người dân. Bên cạnh đó, Mặt trận phường còn chuẩn bị lượng lớn dung dịch sát khuẩn phát miễn phí cho người dân, thực hiện việc nấu ăn ngày 3 bữa cho toàn bộ hơn 1.000 người dân cách ly.
Khi được hỏi có sợ lây nhiễm khi trực tiếp đến hiện trường làm công tác cách ly, bà Hương nói: Lúc đó không còn lo nữa, tại vì bản thân chúng tôi phải lo cho hơn 1.000 con người, làm sao để bà con được ăn uống đầy đủ, làm sao để trấn an bà con… Hàng loạt câu hỏi làm sao đặt ra nên chúng tôi chỉ lao vào làm thôi đâu kịp nghĩ ngợi gì nhiều.
Cũng như quận 10, những ngày qua các cán bộ Công an quận 2, TPHCM luôn làm việc hết công suất sau khi phát hiện ổ dịch COVID-19 tại quán bar Buddha (phường Thảo Điền, quận 2). Hàng ngày, các chiến sĩ công an phải đi đến những khu vực đông người, những cơ sở kinh doanh của người nước ngoài… để vận động chủ cơ sở khai báo khi có trường hợp nghi nhiễm Sars - Cov-2 cũng như vận động những người từng đến quán bar Buddha trong thời gian gần đây đến cơ sở y tế khai báo.
Túc trực tại chung cư Masteri, nơi có nhiều người từng đến quán bar Buddha và tiếp xúc gần với người dương tính với SARS-COV-2 từ khi có quyết định cách ly toàn bộ chung cư này đến nay, lực lượng Công an quận 2 phải chia làm nhiều ca, trực 24/24h nhằm đảm bảo không để người trong chung cư ra ngoài hoặc người ngoài vào trong. Thiếu tá Vũ Anh Tuấn, Đội An ninh Công an quận 2 cho hay, may mắn là những người sống trong chung cư có ý thức cao nên khi cách ly, người dân đều thực hiện nghiêm các quy định.
Ngày đầu vào làm việc tại khu cách ly ở quận 7, TPHCM chị Sương phải giấu gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng. “Lúc chuẩn bị đi bố mẹ cương quyết rằng, nếu bắt buộc thì nghỉ việc ở nhà bố mẹ nuôi cũng được. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình là bác sĩ, chăm sóc sức khỏe cho người dân là nhiệm vụ của mình, mình không đi thì ai đi?", chị Sương chia sẻ.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-tham-lang-1630366.tpo