Những người thợ giỏi của ngành điện cao nguyên
50 năm thành lập ngành điện Việt Nam, những người thợ điện đã và đang tiến một bước dài trên những công trình, mang nguồn sáng đến với mọi nhà. Với Công ty Điện lực Lâm Đồng, sự lao động hăng say của hai người thợ thể hiện sự vươn lên của tập thể những người lao động đầy nhiệt huyết.

Ông Nguyễn Anh Vũ
• ÔNG NGUYỄN ANH VŨ: NGƯỜI THỢ PHẢI NHANH CHÓNG HÒA NHẬP MÔI TRƯỜNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Ông Nguyễn Anh Vũ - Phó Trưởng Phòng Kế hoạch Kỹ thuật, Điện lực Đà Lạt, vốn có nhiều năm gắn bó với đường dây, từ lưới điện đầy khó khăn của vùng sâu Cát Tiên cho tới hệ thống điện đầy áp lực của khu vực trung tâm, Đà Lạt. Trong suốt gần 20 năm gắn bó với ngành điện, người thợ - kỹ sư Nguyễn Anh Vũ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức cho bản thân và cùng tập thể vươn lên.
“Ngành điện là ngành áp dụng nhiều công nghệ mới, những thay đổi thường xuyên để nâng cao hiệu suất làm việc. Vì vậy, chúng tôi, những người thợ, cũng phải không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, đặc biệt trong môi trường chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay”, ông Nguyễn Anh Vũ thẳng thắn nhìn nhận. Ông Vũ cho biết, công tác kế hoạch kỹ thuật không chỉ liên quan đến việc lên kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện hàng năm, công tác bảo trì, sửa chữa hệ thống điện mà còn bao gồm cả việc đánh giá, dự báo và chuẩn bị các phương án dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Điều này giúp ngành điện đảm bảo mỗi công trình, thiết bị, quy trình đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả trong công tác quản lý vận hành hệ thống điện.
Chính vì vậy, ông cũng như đồng nghiệp đều ra sức học tập, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu số hóa của ngành điện. “Chúng tôi chú trọng đến việc ứng dụng các công cụ số vào phân tích dữ liệu vận hành, lập kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng thiết bị theo hướng số hóa và tự động hóa. Các phần mềm như: CMIS, PMIS, MDAS hay GIS... là những công cụ bản thân tôi luôn chủ động tìm hiểu và sử dụng thành thạo hơn qua từng ngày. Tôi tin rằng, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện về công nghệ, mà còn là sự thay đổi trong cách làm việc, cách suy nghĩ”, ông Vũ chia sẻ.
Không chỉ thay đổi từng ngày, hòa cùng dòng chảy chuyển đổi số, ông Vũ còn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, tối ưu hóa vận hành lưới điện phân phối. Năm 2023, anh Vũ thực hiện sáng kiến Gia công trục dẫn lò xo cần thao tác LBS trạm hợp bộ loại ALSTOM; năm 2024, anh thực hiện Gia công ngăn lắp đặt TI, điện kế của tủ điện kế đôi 2 ngăn loại đứng phục vụ công tác thay thế TI định kỳ, giảm thời gian cho người thực hiện trực tiếp. Không chỉ là người cán bộ kỹ thuật năng động, ông Nguyễn Anh Vũ còn là một cán bộ công đoàn tận tâm, là hạt nhân đoàn kết trong phong trào công đoàn của Điện lực Đà Lạt.

Ông Lại Anh Tiến
• ÔNG LẠI ANH TIẾN: CÔNG TÁC AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG PHẢI ĐƯỢC TUÂN THỦ NGHIÊM NGẶT
Người thợ đã có 24 năm gắn bó với ngành điện, ông Lại Anh Tiến không quên những ngày dầm mưa dãi nắng trên công trình thi công đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, công trình trọng điểm quốc gia, giúp ngành điện đảm bảo an ninh năng lượng toàn quốc. Người thợ tuổi 50 nhắc lại những kỷ niệm của mình cũng như đồng đội, đồng nghiệp trên công trình: “Ngay lúc họp ở nhà, công ty đã quán triệt rất rõ tầm quan trọng của đường dây 500 kV, nhắc nhở anh em tuân thủ nghiêm túc quy trình làm việc, chấp hành sự phân công của ban chỉ huy. Ban đầu, thực sự cũng có nhiều lo lắng nhưng những ngày dài trên công trường, tôi cũng như anh em đều lao vào làm việc, quên nắng, quên mưa”. Là công nhân đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, Điện lực Đà Lạt, ông đã cùng gần 30 thợ điện tham gia Đội Xung kích, tham gia xây dựng đường dây 500 kV mùa hè năm 2024.
Người thợ điện của vùng đất mát mẻ Đà Lạt đã trải qua những ngày “3 ca 4 kíp”, ăn, ngủ trên công trường điện lớn. Những cơn mưa rào xối xả, cái nắng gắt cháy da miền Trung không làm những người thợ nản lòng. Và tình cảm của Tập đoàn Điện lực, của Chính phủ, của Thủ tướng Phạm Minh Chính dành cho anh em trên công trường khiến ông hết sức cảm động. Công trình đường dây 500 kV mạch 3 về đích đúng thời hạn là niềm tự hào của ngành điện và cũng là tự hào chung của những người thợ trên công trường.
“Đặc biệt với thợ điện, công tác an toàn vệ sinh lao động phải được tuân thủ nghiêm ngặt vì liên quan tới tính mạng. Tôi luôn đảm bảo bản thân nắm vững kỹ thuật và thực hiện nghiêm túc các quy trình an toàn bộ phận vận hành đầu mối. Người thợ phải hết sức chú ý tới vấn đề an toàn, tuân thủ quy tắc thực hiện công việc, nắm được sơ đồ, nguyên lý hoạt động của thiết bị để thực thi đúng nhiệm vụ được giao. Chúng tôi luôn tự nhắc mình và nhắc nhở nhau về vấn đề an toàn, đây chính là yêu cầu quan trọng nhất đối với 1 người thợ điện”, ông Lại Anh Tiến chia sẻ. Với 24 năm miệt mài trên đường dây, ông đã xây dựng được kỹ năng thực thi an toàn lao động và lan tỏa trong đồng nghiệp với mục tiêu "an toàn cho tôi, cho bạn và cho mọi người".