Những người trẻ cô đơn

Để hỗ trợ 'sự ổn định về tâm lý, cảm xúc cũng như sự phát triển lành mạnh' của giới trẻ, Chính phủ Hàn Quốc vừa thông qua chính sách hỗ trợ gần 500 USD/tháng (650.000 won) cho những thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 9-24 đang có lối sống tách biệt, ẩn dật.

Một “người trẻ cô đơn ẩn dật” ở Hàn Quốc

Một “người trẻ cô đơn ẩn dật” ở Hàn Quốc

Những thanh thiếu niên này sống trong các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn thu nhập hàng tháng thông thường của một hộ gia đình 4 người ở Hàn Quốc, khoảng 5,4 triệu won (4.165 USD). Theo thông báo của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, khoản trợ cấp hàng tháng này nhằm khuyến khích thanh thiếu niên hòa nhập cộng đồng; đồng thời là cách để Hàn Quốc giải quyết vấn đề dân số trong độ tuổi lao động đang ngày càng thu hẹp, khi tỷ lệ sinh thấp đáng báo động và chính sách nhập cư chặt chẽ.

Trong những năm gần đây, lối sống ẩn dật và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh thiếu niên, nhất là sau đại dịch Covid-19, trở thành vấn đề đáng báo động tại Hàn Quốc. “Những người trẻ cô đơn ẩn dật” được định nghĩa là sống trong một “không gian hạn chế, trong tình trạng bị ngắt kết nối với bên ngoài trong khoảng thời gian nhất định và gặp khó khăn đáng kể trong cuộc sống bình thường”.

Theo Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc, khoảng 3% người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19-39 được coi là người cô đơn hoặc sống ẩn dật, tức khoảng 350.000 người trên khắp đất nước, với 40% bắt đầu bị cô lập trong thời niên thiếu. Một loạt các yếu tố như khó khăn tài chính, lo lắng xã hội, căng thẳng, các vấn đề gia đình hoặc các thách thức về sức khỏe đã thúc đẩy hiện tượng này.

Những thanh niên ẩn dật có thể chậm phát triển về thể chất do lối sống không điều độ và dinh dưỡng không cân bằng, đồng thời có khả năng gặp phải những khó khăn về tinh thần như trầm cảm do mất vai trò xã hội và chậm thích nghi. Chính phủ Hàn Quốc nhận ra và sẵn sàng trả tiền để họ “tái hòa nhập xã hội”.

Bên cạnh các khoản hỗ trợ phúc lợi, Chính phủ Hàn Quốc cũng hướng dẫn chính quyền địa phương tăng cường hệ thống cảnh báo sớm và thúc đẩy mạng lưới an toàn xã hội cho thanh thiếu niên; đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ sở phúc lợi cho thanh thiếu niên như nhà tạm trú hoặc cơ sở điều trị cho những người không muốn rời khỏi nhà và không tương tác với người khác.

Không chỉ ở Hàn Quốc, nhiều người trẻ Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo một cuộc khảo sát của Chính phủ Nhật Bản, gần 1,5 triệu người trong độ tuổi lao động ở nước này đang sống theo kiểu hikikomori (rút lui khỏi xã hội, dành toàn bộ hoặc gần như toàn bộ thời gian của họ ở nhà). Tờ The Guardian dẫn số liệu từ Văn phòng Nội các Nhật cho biết, theo kết quả một cuộc khảo sát vào tháng 11-2022, ước tính khoảng 2% dân số trong độ tuổi từ 15-62 của nước này đang chọn cách sống kiểu hikikomori.

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, mà còn tác động tới quan điểm về cuộc sống của giới trẻ Trung Quốc.

Tờ Beijing Daily cho biết, cuộc sống hối hả đầy biến động trong xã hội ngày nay đã tạo ra nhiều thách thức và lo âu hơn cho những người trẻ tuổi đang chênh vênh trước sự nghiệp, hôn nhân cũng như áp lực chăm sóc cha mẹ lớn tuổi. Trong tình hình đó, nhiều người chọn bám trụ với những công việc an toàn, ổn định. Nhưng cũng có một số người muốn dừng lại và suy nghĩ về điều mình thực sự muốn trong cuộc đời. Họ tạm thời rút lui khỏi thị trường việc làm đầy cạnh tranh để suy nghĩ lại về con đường của mình. Đi chùa đang dần trở thành xu thế đối với những người trẻ tuổi không muốn đi tu nhưng muốn tìm đến cửa Phật để giảm bớt áp lực công việc và cuộc sống hiện đại.

KHÁNH HƯNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-nguoi-tre-co-don-post686461.html