Những người trẻ Mỹ với gánh nặng nợ nần đang học cách đối mặt với 'bão giá'

Những người trẻ bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế với nền tảng tài chính chưa vững vàng đang phải chống chọi khó khăn hơn so với thế hệ trước.

01.

Lần gần đây nhất khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng xảy ra vào năm 2008, Evan Schade đang học trung học. Lúc đó, cuộc khủng hoảng dường như chỉ là 1 sự kiện như bao tin tức bình thường xảy ra hàng ngày bởi vì anh vẫn chưa phải tự chịu trách nhiệm với tài chính của mình. Song, Evan Schade không còn là người đứng ngoài cuộc trong cuộc "bão giá" lần này.

Do hoạt động kinh doanh của cửa hàng nơi Schade làm việc không tốt, anh buộc lòng phải chấp nhận cảnh thất nghiệp ở tuổi 26, chuyển sang làm việc bán thời gian ở 1 tiệm cà phê. Vợ của anh, Kaitlyn Gardner, 23 tuổi, cũng đã bị cho nghỉ việc tại một quán cà phê khác.

Số tiền họ có trong tài khoản ngân hàng của mình, chỉ hơn 1.000 đô la, chỉ đủ để chi trả 800 đô la tiền thuê nhà. Gardner chia sẻ "Hầu hết mọi người ở độ tuổi của tôi đang trải qua những điều tương tự".

Những người Mỹ trẻ tuổi nhất đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đầu tiên trong cuộc đời của họ. Bởi vì quá bất ngờ và đột ngột, những người trẻ không có sự chuẩn bị gì trước cơn "bão giá" tồi tệ này. Cuộc sống của họ trở nên bấp bênh hơn so với những người ở thế hệ trước khi cùng độ tuổi từ 23 - 35.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thế hệ X (những người sinh từ năm 1965 đến 1980) gần bằng tuổi thế hệ trẻ ngày nay có tổng tài sản trung bình gấp đôi so với người trẻ tại thời điểm này. Những người thuộc Thế hệ X, từ 40 đến 55 tuổi, đang có khả năng tài chính vững chắc hơn nhiều so với Millennials và Gen Z, ngay cả sau khi bị khủng hoảng năm 2008 vùi dập. Họ có số tài sản gấp 4 lần và số tiền tiết kiệm nhiều hơn gấp đôi so với những người Mỹ trẻ tuổi hiện nay.

Reid Cramer, người đứng đầu Sáng kiến Millennials tại New America, một tổ chức tư tưởng cánh tả , cho biết: "Những người trẻ tuổi cũng ở trong một tình huống rất bấp bênh. Một cú sốc bất ngờ thực sự sẽ có tác động khá tiêu cực đến thế hệ này."

02.

Khi những người lớn hơn gặp nhiều vấn đề về sức khỏe do đại dịch, thế hệ trẻ lại dễ bị tổn thương hơn bởi nền kinh tế bất ổn. Thất nghiệp ảnh hưởng tới thu nhập, kết hợp với một loạt các khoản thanh toán nợ hàng tháng và sự sụt giảm hay thậm chí thua lỗ trong đầu tư, đang buộc 1 bộ phận thế hệ trẻ phải thực hiện các biện pháp khó khăn để có thể sống sót qua cơn "bão giá".

Dan Gamez, 22 tuổi, sống với bố mẹ ở gần Boston, đã bán máy chơi trò chơi điện tử của mình trên để thanh toán khoản tiền mua xe sắp tới sau khi mất việc. "Tôi rất thích chơi trò chơi điện tử. Vì vậy, thật sự khó chịu khi phải bán đi món đồ yêu thích, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác".

Andrew Lawson, 29 tuổi, từng kiếm được từ 500 đến 600 đô la/ tuần với công việc giao đồ ăn. Nhưng sau những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, anh Lawson chỉ kiếm được 60 đô la/ tuần, thu nhập bị giảm còn 1/10 so với trước, số tiền này thậm chí còn không thể trang trải tiền xăng.

Anh Lawson có một đứa con 2 tuổi và một người vợ đang mang thai, không đi làm. Họ thường ăn mì để cầm cự qua giai đoạn khủng hoảng này. Anh ấy đã đăng tải trên MXH để nhận được bất kỳ công việc nào miễn là có thể tăng thu nhập. "Hãy cho tôi thứ gì đó mà tôi có thể nuôi gia đình mình," anh nói. "Tôi không quan tâm việc đó nặng nhọc ra sao".

03.

William R. Emmons, nhà kinh tế hàng đầu tại Trung tâm Ổn định Tài chính Hộ gia đình của Cục Dự trữ Liên bang St. Louis cho biết: "Theo thời gian, việc tích lũy tài sản ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với các gia đình trẻ. Chúng tôi nghĩ rằng có thể họ sẽ bắt kịp sau khi cuộc khủng hoảng này chấm dứt. Song, tình hình tiện khiến cho tôi cảm thấy điều đó khó có thể xảy ra".

Những bất lợi này đã và đang định hình triển vọng dài hạn của giới trẻ Mỹ. Họ ít có khả năng kết hôn, sinh con hoặc sở hữu nhà hơn nhiều so với những người Mỹ ở cùng độ tuổi trong nhiều thập kỷ trước.

Gardner nói rằng cuối cùng cô và chồng của mình Schade muốn có một gia đình và sở hữu 1 ngôi nhà. Nhưng cô ấy nói, "Nếu lựa chọn như vậy, cả hai chúng tôi sẽ mắc nợ một thời gian. Và có con là không khả thi, bởi vì khả năng tài chính của cả hai không đủ để nuôi 1 em bé".

Mặc dù có khả năng thời kỳ suy thoái sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng các nhà kinh tế cho rằng tình trạng hỗn loạn đã xảy ra sẽ gây ra hậu quả lâu dài cho các hộ gia đình trẻ.

Jayci Cumberledge, 23 tuổi, ở Amherst, Ohio, không có tài khoản hưu trí và đã dành 80 USD tiền tiết kiệm cuối cùng để trả tiền mua xe hàng tháng ngay sau khi công ty nơi cô làm việc đóng cửa. Bên cạnh đó, cha mẹ của Cumberledge cũng đã mất việc trong vài tuần gần đây - cha cô làm việc tại nhà máy Ford, mẹ cô lái xe van cho trẻ em khuyết tật. Và điều may mắn là ít nhất họ đang sở hữu 1 ngôi nhà và không phải vật lộn với số tiền đi thuê nhà.

Để trang trải các hóa đơn điện nước cho ngôi nhà của mình, Cumberledge đã vay 200 đô la từ một người bạn. Sau đó, cô đã bắt đầu chụp ảnh và bán nó trên MXH như là 1 nguồn thu nhập để trang trải cho chi phí sinh hoạt. Song, nó hoàn toàn không hề ổn định.

"Bạn so sánh nó với các thế hệ cũ - họ đã làm việc và tiết kiệm tiền," cô Cumberledge nói. "Có cảm giác như tôi sẽ không bao giờ có một công việc ổn định, tích lũy đủ để có thể chống chọi với bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào khác".

Theo The New York Times

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhung-nguoi-tre-my-voi-ganh-nang-no-nan-dang-hoc-cach-doi-mat-voi-bao-gia-20220830222424182.htm