Những người 'truyền lửa' đam mê âm nhạc dân tộc ở huyện biên giới Chư Prông

Với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều năm qua, ông Siu Long (làng Goòng, xã Ia Púch) và Rơ Châm Luih (làng Ó Kly, xã Ia Tôr) ở huyện biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai luôn nỗ lực 'truyền lửa' đam mê cho thế hệ trẻ từ việc đánh cồng chiêng đến chế tác nhạc cụ.

Những đôi tay tài hoa

Làng Goòng hiện còn 2 bộ cồng chiêng, trong đó, 1 bộ chung của làng và 1 bộ của gia đình ông Siu Long. Bộ cồng chiêng của gia đình ông Long có 27 chiếc lớn nhỏ khác nhau và được ông gìn giữ cẩn thận. Ông còn tự tay đan những chiếc rọ bằng tre rất chắc chắn, sau đó xếp ngay ngắn những chiếc chiêng tùy theo kích cỡ vào từng chiếc rọ rồi đem cất cẩn thận, khi sử dụng mới lấy ra.

Ngoài bộ cồng chiêng được lưu giữ cẩn thận, từ trong nhà đến ngoài hiên, ông Long còn trưng bày đàn t’rưng, đàn goong... Đây đều là sản phẩm do ông tự tay chế tác. Ông biết đánh cồng chiêng từ khi còn rất nhỏ nhưng mãi đến năm 30 tuổi mới bắt đầu theo học chế tác nhạc cụ từ những người già trong làng.

Nhờ năng khiếu âm nhạc và khả năng ghi nhớ cùng sự khéo léo của đôi tay nên ông Long đã nhanh chóng học được các kỹ năng: lựa chọn nguyên liệu, cách vạt các ống tre, nứa cho phù hợp, đến việc tạo ra âm thanh chuẩn khi kết hợp chúng lại với nhau... Từ việc phải mất 10-15 ngày mới làm xong 1 chiếc đàn t’rưng, giờ đây chỉ cần chưa đến 2 ngày, ông Long đã có thể hoàn tất.

Chia sẻ về quá trình làm đàn, ông Long cho rằng, việc lựa chọn nguyên liệu quyết định đến âm thanh của tiếng đàn. Do vậy, ông vẫn tự mình vào rừng lựa chọn những cây lồ ô, cây nứa tốt về làm đàn. Ông bảo, phải chọn những cây lồ ô, cây nứa già, đốt dài, sau đó đem phơi khô rồi mới tiến hành vạt các ống theo từng kích cỡ ngắn, dài. Khi làm phải kiểm tra thanh âm để tìm âm chuẩn cho từng ống.

Ông Rơ Châm Luih (làng Ó Kly, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) đang chỉnh chiêng. Ảnh: Anh Huy

Ông Rơ Châm Luih (làng Ó Kly, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) đang chỉnh chiêng. Ảnh: Anh Huy

Cũng nặng lòng với văn hóa truyền thống, hơn 40 năm qua, ông Rơ Châm Luih đi khắp nơi để chỉnh chiêng. Quen tay, thạo việc nên dẫu bộ cồng chiêng 26 chiếc lạc âm ông cũng có thể tìm lại đúng âm thanh chuẩn sau 2 giờ đồng hồ. Như để chứng minh điều mình nói, ông Luih tìm ra 1 chiếc chiêng đã bị móp méo và bắt đầu chỉnh sửa. Chỉ với 1 chiếc búa nhỏ, ông gõ liên tục vào mặt trước của chiếc chiêng cho đến khi căng, phẳng mới chậm dần nhịp búa để tìm âm thanh.

Ông cho hay: “Chiêng dùng nhiều sẽ bị xuống mặt bằng hoặc va chạm dẫn đến móp méo nên muốn lấy lại âm thanh trước hết phải sửa mặt bằng cho căng đều”. Đó cũng là điều ông đã học được từ người cậu ruột của mình. Ông kể, ông theo cậu đi khắp các làng gần xa. Cứ nhà nào có chiêng hỏng, 2 cậu cháu lại đi bộ đến tận nơi sửa giúp. Khả năng thẩm âm tốt cộng với đôi tay khéo léo nên chỉ thời gian ngắn theo học, ông đã được cậu tin tưởng giao việc. Không chỉ “chữa bệnh” cho cồng chiêng, ông Luih còn có thể chế tác và sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống.

“Truyền lửa” đam mê

Nhiều người đam mê chế tác nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng ở các xã lân cận vẫn thường tìm đến ông để học hỏi. Anh Siu Yit (làng Klũh Klăh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) bộc bạch: “Mình theo học bác Luih gần 10 năm rồi. Mình đã nắm bắt được các kỹ năng cơ bản của việc chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ nhưng vẫn muốn theo học để thuần thục hơn, sau này còn truyền dạy cho con cháu”.

Còn ông Siu Ýit (làng Goòng) thì chia sẻ: “Mỗi lần nhìn già Long đánh đàn và làm đàn, tôi rất thích và muốn theo học nhưng gần đây tôi mới sắp xếp được thời gian. Già Long chỉ dạy rất nhiệt tình nên tôi cũng đã nắm bắt được một số thao tác cơ bản”.

Ông Siu Long (làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) rất quý bộ cồng chiêng của gia đình. Ảnh: Anh Huy

Ông Siu Long (làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) rất quý bộ cồng chiêng của gia đình. Ảnh: Anh Huy

Ông Nguyễn Văn Bình-Bí thư Đảng ủy xã Ia Tôr-cho biết: Với những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Rơ Châm Luih đã được chính quyền địa phương làm hồ sơ đề nghị xét công nhận nghệ nhân dân gian. Mặc dù chưa được xét đề nghị công nhận, song với người dân trong vùng, từ lâu ông Siu Long đã là một nghệ nhân thực thụ.

“Hiện nay, người vừa biết sử dụng thành thạo các nhạc cụ vừa chế tác được nó trên địa bàn, duy chỉ có ông Siu Long”-Chủ tịch UBND xã Ia Púch Lê Văn Tuấn khẳng định.

ANH HUY

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202101/nhung-nguoi-truyen-lua-dam-me-am-nhac-dan-toc-o-huyen-bien-gioi-chu-prong-5720257/