Những người truyền lửa phong trào nông thôn mới ở Hle Hlang
Hle Hlang hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới và đằng sau đổi thay ấy là dấu ấn của những người đã âm thầm truyền lửa cho phong trào nông thôn mới.
Con đường dẫn vào làng Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) những ngày tháng tư như sáng bừng lên trong sắc nắng đại ngàn. Hai bên đường là những dãy nhà sàn khang trang, sân sạch, ngõ đẹp. Những mảng tường được sơn mới, xen giữa là vườn rau, hàng cây, sân phơi cà phê gọn gàng. Khó có thể hình dung rằng chỉ cách đây vài năm, nơi này vẫn là một vùng làng nghèo với đường đất gồ ghề, nhà cửa xập xệ, đời sống còn nhiều thiếu thốn. Và để Hle Hlang có được diện mạo mới như ngày hôm nay công lớn là của ông Đinh Văn Mlơn và ông Đinh Bar. Với trái tim nhiệt thành, họ đã âm thầm truyền lửa cho phong trào nông thôn mới lan tỏa khắp buôn làng.
“Muốn dân theo, mình phải làm trước”
Gặp ông Đinh Văn Mlơn trong buổi chiều gió lộng, khi ông đang tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường. Ở ông Mlơn dễ cảm nhận ngay được sự mộc mạc, gần gũi của một người phó trưởng thôn giàu nhiệt huyết.

Ông Đinh Văn Mlơn đang tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường
Ông Mlơn cho biết, làng Hle Hlang có 163 hộ với 684 nhân khẩu. Những năm 2010 trở về trước, làng chỉ có vài căn nhà xây, còn lại là nhà gỗ tạm bợ. Đường đi lầy lội, điện chập chờn, trẻ con nghỉ học sớm, thanh niên bỏ làng đi làm thuê.
Khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, nhiều người dân ban đầu còn e dè, chưa hiểu rõ, không muốn thay đổi. Với cương vị là Phó trưởng thôn, ông Mlơn tổ chức họp dân để tuyên truyền về lợi ích của việc làm đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, công tác vận động hiến đất ban đầu gặp không ít khó khăn. Nhiều người dân không ủng hộ vì diện tích đất ở hạn chế, mặt khác một số gia đình đã xây hàng rào kiên cố nên không muốn tháo dỡ.

Ông Đinh Văn Mlơn tiên phong hiến 347 m2 đất để làm đường, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng
Trước tình hình đó, ông Mlơn đã tiên phong hiến 347 m2 đất để làm đường, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Từ sự đi đầu của ông, 81 hộ dân trong làng đã tự nguyện hiến gần 17.908 m2 đất để phục vụ việc mở rộng, nâng cấp đường giao thông. Bên cạnh đó, bà con còn đóng góp 2.678 ngày công, chung tay chỉnh trang nhà cửa, làm đường, phát dọn vệ sinh, trồng hoa tại cổng ngõ và xây dựng nhà rông.
“Muốn dân theo, mình phải làm trước. Trước đây, đường nội làng chỉ rộng khoảng 1-2 m, nay mở rộng lên 5 m (riêng mặt đường bê tông 3 m). Vào mùa thu hoạch nông sản, việc giao thương và đi lại của người dân khá thuận lợi. Không chỉ phục vụ sản xuất, con đường còn giúp các cháu học sinh đến lớp dễ dàng” - ông Mlơn phấn khởi nói.

Ông Đinh Bar tích cực trong phong trào hiến đất làm đường
Tương tự, với vai trò là đảng viên, từng giữ vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Hle Hlang, ông Đinh Bar là người luôn tận tụy với cộng đồng, từ vận động sửa chữa nhà rông, hiến đất làm đường, phát triển kinh tế đến xóa bỏ tập tục lạc hậu.
Theo ông Đinh Bar, nhà rông của làng Hle Hlang được xây dựng từ năm 1991. Qua thời gian, công trình này xuống cấp, ảnh hưởng đến việc tổ chức các cuộc họp, sinh hoạt cộng đồng và lễ hội truyền thống. Năm 2018, ông Bar đã đến từng nhà vận động, giải thích về sự cần thiết của nhà rông đối với cộng đồng; đồng thời, tranh thủ thời điểm người dân thu hoạch nông sản để kêu gọi đóng góp kinh phí. Với sự kiên trì, ông đã thuyết phục được toàn bộ dân làng chung tay đóng góp với tổng số tiền lên đến 1 tỷ đồng. Sau khi có kinh phí, làng tiến hành mua vật liệu và huy động bà con đóng góp ngày công để sửa chữa nhà rông. Chỉ trong vòng 2 tháng, công trình đã hoàn thành.
“Nhà rông là nơi tổ chức các cuộc họp và diễn ra các lễ hội của cộng đồng. Vì vậy, việc sửa chữa nhà rông không chỉ giữ gìn một công trình kiến trúc mà còn là bảo tồn nét đẹp truyền thống” - ông Đinh Bar khẳng định.
Không dừng lại ở đó, ông Bar còn tích cực hiến đất làm đường. Năm 2018, dù gia đình đông con, đất ở ít nhưng khi có chủ trương làm đường giao thông nội làng, ông đã hiến 400 m2 đất để mở đường. Vào năm 2007, khi làm đường Trường Sơn Đông, ông cũng đã hiến 90 m2 đất.
Những đổi thay từ sự đồng lòng
Không chỉ đi từng nhà vận động, ông Đinh Văn Mlơn và ông Đinh Bar còn đứng ra liên hệ với các đoàn thể xã, huyện để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Những hộ khó khăn nhất được ông kết nối để vay vốn ưu đãi, học nghề, khởi nghiệp nhỏ. Cùng với dân làng, ông đề xuất nâng cấp tuyến đường chính, lắp điện chiếu sáng, xây nhà rông làm nơi sinh hoạt văn hóa chung.

Ông Đinh Văn Mlơn và ông Đinh Bar còn đứng ra liên hệ với các đoàn thể xã, huyện để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất
Ông Bar cũng là người Bahnar đầu tiên trồng mía ở làng Hle Hlang. Năm 1983, ông bắt đầu trồng vài sào mía và chế biến đường thủ công để bán. Năm 2000, ông tích cực khai hoang đất đai, mở rộng diện tích canh tác. Thời điểm đó, trong khi hầu hết dân làng trồng bắp, mì thì ông vẫn trồng mía. Vài năm sau, giá mía tăng cao giúp ông có thu nhập ổn định. Hiện nay, sau khi chia đất cho 4 người con (mỗi người hơn 1 ha), ông vẫn còn sở hữu 2 ha đất trồng mía.
Thấy ông Bar trồng mía có lãi, người dân hào hứng làm theo. Ông tiếp tục khuyến khích bà con chăn nuôi bò, heo để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, làng Hle Hlang chỉ còn 10 hộ nghèo.
Nhờ sự kiên trì vận động và lối nói chuyện gần gũi, chân tình, ông Mlơn và ông Bar dần tạo được niềm tin trong cộng đồng. Người dân không còn e ngại, mà chủ động tham gia vào các phong trào. Nhiều hộ trước kia chỉ quen trồng mì, nay đã chuyển sang trồng cà phê, tiêu, nuôi bò, chăn nuôi quy mô nhỏ. Một số thanh niên sau khi học nghề đã quay về mở xưởng mộc, xưởng cơ khí phục vụ trong vùng. Thu nhập của các hộ ngày càng ổn định.
“Lúc trước, tôi chỉ biết làm rẫy quanh năm mà không đủ ăn. Nhờ già làng và cán bộ xã hướng dẫn, tôi nuôi bò, trồng cà phê xen canh tiêu, bây giờ có đồng ra đồng vào, con cái cũng được đi học đầy đủ” – chị Siu H’Linh chia sẻ.

Ông Đinh Văn Mlơn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2018 đến năm 2022.
Ông Đinh Văn Brơn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ông Mlơn và ông Bar là những tấm gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và người dân, trong đó có 2 ông Đinh Văn Mlơn và Đinh Bar, cuối năm 2020, làng Hle Hlang cùng xã Yang Trung đã về đích nông thôn mới.
Năm 2023, ông Mlơn và ông Bar đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2018 đến năm 2022.