Những người tử tế
Mất đi một phần cơ thể, mất đi vẻ đẹp bề ngoài cùng niềm tin trong cuộc sống, sự tự tin cần thiết để lao động nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng không vì vậy mà họ bỏ cuộc và mãi sống trong vùng tối tự ti. Họ đã một lần mạnh dạn bước ra cuộc sống, cần cù và sáng tạo trong lao động, nghề nghiệp, để từ đó không những chăm lo cho gia đình mà còn mang yêu thương đến với cộng đồng, xã hội.
Có dịp đến thăm vùng đất thuộc ấp Trung Bình Nhì (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), tôi được gặp gỡ và tiếp xúc với ông Lê Văn Bá, người đàn ông tuy đã mất đi vĩnh viễn đôi tay từ một vụ tai nạn lao động, nhưng không vì thế mà từ bỏ ý niệm làm việc thiện lành giúp đỡ người nghèo. Ông đã cùng các anh em trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Trạch xây cất biết bao mái ấm cho các gia đình nghèo, bất hạnh.
Ông Bá năm nay 67 tuổi, vốn là một người thợ xây dựng, làm thầu công trình. Điều không may đã xảy ra khi ông 48 tuổi, trong lúc xây dựng nhà trên tầng cao, tay ông cầm thanh sắt đứng cách đường dây điện trung thế không xa. Vụ phóng điện làm ông mất đi đôi bàn tay, vết thương sau đó tiếp tục ăn sâu làm mất thêm một phần ba đôi tay. Vượt qua 6 lần phẫu thuật, đến khi lành lặn dù buồn nhưng ông sớm thích nghi với cuộc sống không tay, tự mình rèn luyện các cách thức để sinh hoạt, hạn chế đến mức thấp nhất chuyện nhờ vả vợ con.
Ông Bá vốn là người hiền lành, nhân hậu, có tấm lòng san sẻ với người nghèo xung quanh. Nay bản thân ông phải sống trong hoàn cảnh khuyết tật vì thế ông càng thấu hiểu hơn những khó khăn, thiếu thốn, bất hạnh trăm bề của những gia đình nghèo khó. Thế là, ông nguyện đến suốt cuộc đời phải hết lòng phục vụ, làm việc thiện nguyện san sẻ với cộng đồng.
Khi được hỏi gắn bó với công việc cất nhà cho người nghèo hơn 10 năm qua, ông đã cất được bao nhiêu căn nhà. Ông Bá mỉm cười: “Tôi làm từ thiện xuất phát từ cái tâm nên nào giờ không có ghi lại, không muốn kể công, chủ yếu thấy người nghèo có mái nhà lành lặn ở là tôi vui rồi”.
Dù không còn trực tiếp cầm trên tay từng viên gạch xây dựng nhà nhưng với kinh nghiệm của người thợ lành nghề, ông Bá ước lượng chính xác kinh phí xây dựng, thiết kế kết cấu nhà linh hoạt vừa đảm bảo chất lượng, vừa tiết kiệm chi phí.
Ông Bá chia sẻ: “Còn nhớ cái duyên đầu tiên đưa đẩy tôi đến việc thiện nguyện là chú Bảy Đét trước khi mất để lại 50 triệu đồng, nhắn nhủ anh em cố gắng làm việc thiện nguyện giúp đời. Chúng tôi thống nhất cất trụ sở Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã và bếp ăn tình thương phục vụ hàng ngàn học sinh ăn trưa trong 10 năm qua. Thấy việc làm ý nghĩa, nhiều người dân chung tấm lòng đã đóng góp thêm, thế là các anh em có kinh phí xây dựng đường, cầu nông thôn, nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.
Về ấp Tấn Thuận (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), chúng tôi cảm phục trước tấm lòng nhân hậu của em Huỳnh Thanh Long (sinh năm 1992), dù còn lắm gian khó, nhưng Long luôn biết yêu thương, sẻ chia với mảnh đời khó khăn hơn mình. Ngày trước, Long là thanh niên cần mẫn, chí thú với nghề làm cửa sắt.
Trong một buổi làm việc, Long bị phỏng điện, tổn thương 2 cánh tay. Từ đó, Long chấp nhận cuộc sống mới, trong niềm đau về số phận. Chứng kiến mẹ một mình tảo tần mỗi ngày, rảnh rỗi Long tìm hiểu thêm về những tấm gương người khuyết tật vượt khó, Long sớm tìm lại niềm tin trong cuộc sống, bắt đầu thích nghi, tập sinh hoạt, lao động nhiều hơn mỗi ngày.
Trải qua biến cố quá lớn, dường như Long có sự đồng cảm, thấu hiểu và thương yêu nhiều hơn với người có hoàn cảnh khó khăn, đau bệnh, lớn tuổi, neo đơn, khuyết tật. Long bắt đầu học cách sẻ chia. Long có cơ duyên gặp gỡ và đi cùng các nhà hảo tâm đến thăm, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đi đến đâu, Long cũng cảm thấy yêu thương và bắt đầu viết những lời kêu gọi trên trang mạng xã hội.
“Ở vùng đất này, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Mỗi khi kêu gọi được ít tiền, tôi bỏ thêm tiền xăng, cùng người bạn chạy xe gắn máy lên xã Kiến An để mua các loại rau, như: Bầu, bí, mướp, cải thìa, củ cải… về phân thành từng túi nhỏ, đẩy xe đi khắp xóm tặng cho các gia đình khó khăn, chật vật. Với những trường hợp đau bệnh nặng, tôi còn vận động các nhà hảo tâm giúp họ có tiền điều trị bệnh. Mỗi lần làm được điều tốt đẹp, tôi thấy an vui, tự khắc thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa hơn, tiếp thêm động lực tiếp tục lao động, bán hàng trực tuyến để chia sẻ, giúp đỡ người nghèo” - Long chia sẻ.
Những ngày du Xuân trên miền quê Chợ Mới, thấy được việc làm ý nghĩa của Huỳnh Thanh Long, tấm lòng nhân ái của ông Lê Văn Bá, trong tôi lâng lâng một niềm hạnh phúc lạ kỳ. Họ đã mang lại một mùa xuân êm đềm, hạnh phúc không chỉ bằng vật chất mà còn là giá trị tinh thần lớn lao. Là bài học vượt khó cho biết bao người vượt qua khổ đau, biết cách sống yêu thương và trách nhiệm hơn...
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhung-nguoi-tu-te-a387668.html